Ngăn chặn vụ giả danh Công an bắt chuyển khoản hơn nửa tỷ đồng
Ngày 7-10, tức hơn một tháng sau khi sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị T (trú tại phường Vân Cơ, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vẫn còn bàng hoàng. Một số máy điện thoại lạ gọi vào di động cũng khiến bà giật mình, cảnh giác...
Bà T may mắn khi đã giữ lại được khoản tiền hơn 540 triệu đồng nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ và của một ngân hàng quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong số các vụ việc được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện kịp thời, giúp ngăn chặn thiệt hại tài sản lớn cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Sau khi có thông báo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an về việc một số đối tượng giả danh cơ quan pháp luật Việt Nam yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị trong Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến thủ đoạn của các đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, các đối tượng thường gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người bị hại, tự xưng là cán bộ cơ quan CSĐT các cấp; đe dọa bị hại rằng họ đang có liên quan đến một vụ buôn bán ma túy, tham nhũng, rửa tiền... và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan Công an để tạm giữ. Đối tượng nói với người bị hại rằng sau khi xác minh, nếu thấy số tiền không liên quan sẽ trả lại.
Cùng với việc tuyên truyền đến người dân, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thông báo về phương thức, thủ đoạn phạm tội để cán bộ nhân viên tuyên truyền cho người dân đến rút tiền; đồng thời phối hợp với lực lượng Công an phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Trong trường hợp phát hiện nghi vấn, các ngân hàng sẽ phối hợp với cơ quan Công an phong tỏa tài khoản, hủy lệnh chuyển tiền có liên quan. Một số sự việc người dân sau khi được tuyên truyền đã cảnh giác, kịp thời phát hiện âm mưu của những kẻ phạm tội, tự bảo vệ tài sản của gia đình.
Trường hợp của gia đình ông Lê Viết L (trú tại phường Vân Phú, TP Việt Trì) là một điển hình. Ngày 28-8, một đối tượng gọi đến gia đình ông L, tự xưng là cán bộ phòng điều tra hình sự ma túy Công an tỉnh và thông báo ông L có liên quan đến vụ án. Đối tượng nói rằng có 20 hồ sơ mở tài khoản ngân hàng giống như tên ông L với tổng cộng số tiền là 164 tỷ đồng và ông đã có “quyết định” được Viện Kiểm sát phê chuẩn, bắt tạm giam để điều tra.
Sau đó, đối tượng tiếp tục hỏi ông L về số tiền tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng; đề nghị người bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của cơ quan Công an vào một ngân hàng ở Hà Nội. Ông L đang chuẩn bị đi rút tiền thì bị vợ ông phát hiện đã trình báo với Công an.
Trường hợp của bà T, ngày 1-9, bà nhận được điện thoại của một đối tượng gọi điện giới thiệu là cán bộ Công an và thông báo bà có liên quan đến đường dây ma túy. Lần này, đối tượng nói rằng tài khoản của bà ở Hà Nội có 168 tỷ đồng, tài khoản đã rút hiện chỉ còn trên 3,8 tỷ đồng.
Bà T khẳng định không có số tiền trên thì đối tượng tiếp tục đe dọa có liên quan đến đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia và đề nghị bà có tài khoản ở ngân hàng nào thì phải chuyển cho chúng.
Do lo sợ, bà T đến một ngân hàng rút hơn 500 triệu đồng và gửi vào một tài khoản thuộc ngân hàng ở Hà Nội. Sau khi chuyển tiền, bà T nghi ngờ đã báo Công an... Nhờ nhận thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với một ngân hàng quốc tế kịp thời hủy lệnh chuyển tiền.
Trên thực tế, cơ quan Công an không trao đổi thông tin qua điện thoại, trong trường hợp có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Quá trình làm việc, cơ quan Công an luôn có biên bản làm việc và cơ quan Công an không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân; cũng không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết.