Ngăn chặn “tín dụng đen” vươn vòi ra đảo Phú Quốc
Trước tình hình đó, Công an huyện Phú Quốc đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ lập kế hoạch rà soát, tham mưu cho UBND huyện các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi trái quy định của pháp luật.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Phú Quốc có khoảng 50 cơ sở hoạt động cho vay vốn theo kiểu “tín dụng đen”, không cần tài sản thế chấp. Chỉ với CMND (thẻ căn cước), sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký xe..., người có nhu cầu sẽ vay được số tiền khá lớn.
Tuy nhiên, kèm theo đó là số tiền lãi mà người vay phải trả từ 15% lên đến hơn 30% mỗi tháng. Biết đầy nguy cơ và đã được cảnh báo nhiều lần nhưng những người cần vay vốn vẫn “nhắm mắt đưa chân” và vướng vào trò chơi lãi suất mà các đối tượng, cơ sở đã bẫy sẵn.
Chị Võ Thị L., (ngụ thị trấn Dương Đông) cho biết, do cần tiền đã vay 200 triệu đồng tại cơ sở cho vay tiền góp trên địa bàn với số tiền lãi 30 triệu đồng/tháng.
Chị L. ký hợp đồng vay từ giữa tháng 7-2017, dù đã cố gắng dành dụm, tiết kiệm và phải mượn thêm tiền của người thân, nhưng hằng tháng chị L. chỉ đóng đủ số tiền lãi. Hơn một năm trôi qua, số tiền lãi chị L. đóng cho cơ sở cho vay là gần 400 triệu đồng, nhưng số tiền gốc 200 triệu đồng vẫn còn nguyên trong hợp đồng vay nợ.
Đau lòng hơn là trường hợp của chị Lê Thị X. (ngụ xã Gành Dầu), vì cần tiền cho con ăn học, chị phải tìm vay vốn ban đầu với số tiền 10 triệu đồng từ các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen”.
Sau gần 2 năm, chỉ tính tiền “lãi mẹ đẻ lãi con”, đối tượng cho vay thu về đã là hơn 116 triệu đồng, tiền gốc cộng dồn thành 25 triệu đồng do chị X. không có khả năng chi trả.
Khi người vay không có tiền trả lãi hoặc vốn, liền bị các đối tượng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, như: khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá, cưỡng đoạt tài sản… gây mất ANTT, tạo tâm lí lo sợ, hoang mang người dân ở địa phương.
Các đối tượng Lễ, Trung, Hiếu (từ trái qua). |
Giữa tháng 11-2018 vừa qua, Công an huyện Phú Quốc đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can và bắt tạm giam Dương Phú Lễ (39 tuổi), Hoàng Văn Trung (27 tuổi, cùng ngụ TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) và Nguyễn Đình Hiếu (thường trú huyện Quốc Oai, Hà Nội) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận, đến địa bàn Phú Quốc để hoạt động cho vay lãi cao và cầm cố. Để thực hiện ý định của mình, năm 2016, Lễ thành lập cơ sở Lễ Công (tổ 04, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc) do Lễ làm chủ. Sau đó, để thuận tiện cho công việc, Lễ thuê Trung ghi chép sổ sách, lập hợp đồng vay và theo dõi tiền lãi…. Lễ thuê Hiếu trực tiếp đi thu tiền, và uy hiếp “con nợ” khi trả chậm.
Khám xét cơ sở Lễ Công, Công an Phú Quốc đã thu giữ nhiều sổ sách, hợp đồng vay vốn, CMND, sổ hộ khẩu... và tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay vốn. Thống kê trên sổ sách thu được thì “con nợ” của cơ sở này lên đến hàng nghìn người, số tiền lên đến hàng tỷ đồng, người vay nợ thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất 500 triệu đồng, lãi suất dao động từ 15% đến 30% /tháng.
Vụ việc vẫn đang được Công an huyện Phú Quốc khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý các đối tượng theo pháp luật. Tuy nhiên, để hạn chế nạn “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng “hoành hành”, ngoài những nỗ lực của lực lượng Công an, thì trước hết mọi người dân cần thận trọng khi vay tiền, tuyệt đối không nên “dính” vào các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” với mức lãi suất cao ngất ngưỡng.