Diễn biến mới nhất ngày thứ 13 xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank

Thứ Sáu, 15/09/2017, 15:16
 Ngày 15-9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố. 

Một số luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai bị cáo là cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm và cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn đưa ra nhiều quan điểm đề nghị HĐXX xem xét lại quy kết của Viện kiểm sát đối với tội danh của hai bị cáo này. 

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, hành vi của bị cáo Sơn thực hiện xuyên suốt vụ án này đã phạm vào ba tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Sơn hình phạt chung là tử hình. 

Bị cáo Hà Văn Thắm

Hành vi của bị cáo Hà Văn Thắm phạm vào bốn tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Thắm hình phạt chung là chung thân.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Thị Minh Phương nêu quan điểm, những tình tiết mới liên quan đến hành vi tham ô tài sản của bị cáo Sơn như bản luận tội của Viện kiểm sát quy kết chính là việc khởi tố ba vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP). \

Luật sư Phương cho rằng, việc quy kết bị cáo Sơn có hành vi chiếm đoạt tiền có vô tình cản trở yếu tố điều tra của các vụ án mới khởi tố này hay không (?) Vì rất có thể, do đã có quy kết đối với Sơn nên các bị cáo khác sẽ đổ hết số tiền mình đã nhận cho Sơn. Và như vậy thì bị cáo Sơn khó có cơ hội đùn đẩy trách nhiệm nếu cơ quan tiến hành tố tụng đã công nhận lời khai “không nhận tiền” của những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan được tòa triệu tập. Từ những lập luận đó, luật sư Phương đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung dựa theo những tình tiết mới xảy ra trong quá trình xét xử.

Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Sơn không phạm tội, trong đó có tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản liên quan số tiền hơn 69 tỷ đồng từ dịch vụ thu phí khách hàng của Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty do Thắm thành lập). 

Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương 

Cáo trạng xác định, Sơn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để đưa ra yêu cầu với Thắm việc chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngoài lãi suất theo hợp đồng và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định. Hành vi của Sơn dẫn đến chủ trương thu thêm lãi vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua việc ký hợp đồng dịch vụ khống với Công ty cổ phần BSC Việt Nam. 

Luật sư Tâm cho rằng, quy kết của Viện kiểm sát có điểm bị nhầm lẫn là, trong thời gian làm Tổng Giám đốc Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn không có tư cách người đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng này để buộc Thắm phải chi tiền cho mình. 

Luật sư Tâm dẫn chứng, trước khi Sơn về làm việc tại Oceanbank, giữa PVN do ông Đinh La Thăng-Chủ tịch HĐQT làm đại diện và Oceanbank do Hà Văn Thắm-Chủ tịch HĐQT làm đại diện đã ký Văn bản số 6934/TTTHT-Petrovietnam và Oceanbank ngày 18-9-2008 thỏa thuận cam kết giữa PVN và Oceanbank.

Một trong những quy định tại văn bản thỏa thuận này là xác định cam kết của PVN như sau: Hỗ trợ cho Oceanbank về tài chính, vốn phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc/đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ liên quan do Oceanbank cung cấp.

Tiếp đó ngày 22-6-2009, Tổng Giám đốc PVN ký Văn bản số 4566/DKVN-TCKT về việc triển khai hệ thống tài khoản mở tại Oceanbank. Ngày 17-9-2010, Chủ tịch HĐTV PVN còn ra Văn bản số 8436/DKVN-HĐTV gửi các đơn vị, kể cả các nhà thầu dầu khí yêu cầu: Thực hiện việc mở tài khoản tại Oceanbank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại Oceanbank. Các đơn vị khẩn trương phối hợp với Oceanbank thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản và báo cáo kết quả thực hiện về PVN trước ngày 15-10-2010. 

Sau khi trích dẫn một số văn bản liên quan giữa PVN và Oceanbank, luật sư Tâm cho rằng, quan hệ giữa Oceanbank với PVN đã được hai người đứng đầu thống nhất, thỏa thuận và triển khai những cam kết hỗ trợ từ trước khi bị cáo Sơn được PVN giới thiệu sang Oceanbank và cả sau khi Nguyễn Xuân Sơn đã rời khỏi Oceanbank. 

Sau khi đưa ra lập luận của mình, luật sư Tâm cho rằng, không thể quy kết bị cáo Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN để gây áp lực hoặc chi phối lãnh đạo Oceanbank nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng này.

Bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp trình bày giống luật sư đồng nghiệp Nguyễn Thị Minh Phương. Theo quan điểm của luật sư Thiệp, việc Viện kiểm sát quy kết bị cáo Sơn chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng là vội vàng. “Hà Văn Thắm sở hữu ít nhất 63% số tiền đưa cho Nguyễn Xuân Sơn để chăm sóc khách hàng (tương đương 63% vốn góp của Thắm vào OceanBank).

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp

Việc quy kết Thắm đồng phạm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tiền là một quy kết không hợp lý, vì Thắm không thể đồng phạm với người khác để chiếm đoạt tiền của chính mình, trong khi đó Thắm lại không được hưởng lợi gì”, luật sư Thiệp trình bày. 

Cũng theo luật sư Thiệp, hành vi của bị cáo Sơn và các bị cáo khác trong vụ án này về bản chất không khác gì nhau khi cùng mục đích, nhưng các bị cáo khác bị cáo buộc tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, còn bị cáo Sơn lại bị cáo buộc tội danh tham ô tài sản là chưa phù hợp. 

“Ngoài ra trong quá trình xét xử, bị cáo Sơn thay đổi lời khai tại phiên tòa, từ đó xuất hiện nhiều tình tiết mới nhưng không được đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố xem xét, đánh giá để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong đường lối xử lý”, luật sư nhấn mạnh. Từ những lập luận của mình, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX tạm dừng phiên toà để xem xét, điều tra lại.

Nguyễn Hưng
.
.
.