Lật tẩy những thủ đoạn vận chuyển ma túy qua đường bưu điện

Thứ Năm, 27/03/2014, 09:35
Có rất nhiều thủ đoạn tinh vi khi các đối tượng sử dụng phương thức vận chuyển ma túy bằng đường bưu điện. Một bức ảnh ép plastic 2 mặt, kẹp giữa bên trong là một lớp mỏng heroin gửi đi. Một thùng quà là các tuýp dầu nóng gửi đi nước ngoài, bên trong hóa ra toàn là heroin dạng lỏng… Phương thức vận chuyển trái phép ma túy nói trên tuy chưa phải là phức tạp như các tuyến khác (đường bộ, đường biển, đường hàng không), nhưng nó đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu chúng ta không kịp thời “trám kín” những kẽ hở trong công tác quản lý.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện tuyến bưu điện quốc tế đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất trong việc vận chuyển trái phép chất ma túy. Số lượng các vụ việc vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi các nước, cũng như từ các nước về Việt Nam đều có xu hướng gia tăng. Theo Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 5 tháng cuối năm 2013, Chi cục đã liên tục phát hiện 12 vụ, bắt giữ 51,93kg tiền chất ma túy vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh với tổng trị giá tang vật ước tính hơn 50 tỷ đồng. Các đối tượng thường lợi dụng đường chuyển phát nhanh gửi theo hình thức hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép chất ma túy với những thủ đoạn rất tinh vi.

Ma túy, tiền chất ma túy được đóng gói tinh vi dưới dạng các gói cà phê hòa tan, bột đậu đỏ, bột mè đen, sữa tắm, bánh đậu xanh, thịt hộp, kẹo sầu riêng… nhằm qua mặt cơ quan hải quan. Đặc biệt, các đối tượng còn thấm ma túy vào khăn ướt, cất giấu ma túy trong các chai dầu gội, tuýp dầu nóng, hộp kem dưỡng da... với những nhãn hiệu quen thuộc trên thị trường.

Mới đây nhất, ngày 11/2, đơn vị này đã phát hiện 4,22kg heroin cất giấu trong 40 chai dầu nóng nằm trong kiện hàng bưu phẩm gửi đi Australia (để lẫn trong số 100 tuýp dầu nóng bình thường khác). Các tuýp dầu nóng được cắt đáy, rút ruột và bơm dung dịch heroin dạng sệt vào trong, sau đó dùng máy dập lại bao bì giống như tuýp mới. Với thủ đoạn này, nếu kiểm tra một cách thông thường khó có thể phát hiện được.

Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với lực lượng Hải quan và cơ quan bưu điện cũng đã phát hiện ra nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy qua tuyến bưu điện quốc tế với thủ đoạn rất tinh vi.

4,22kg heroin ở dạng sệt được bơm vào các tuýp dầu nóng.

Chẳng hạn như trong vụ Nguyễn Bá Trí vận chuyển tiền chất ma túy đi Australia. Theo ông này trình bày khi đến Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL-VNPT ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh thì gửi lô hàng gồm 10 chai mang nhãn hiệu Johnsons baby power; 4 hộp mang nhãn hiệu Johnsons bayby pricky heart; 20 hộp kem Thorakao Cream; 6 bộ quần áo trẻ em cho cháu nội mới sinh. Thấy thái độ nghi vấn của người gửi, nhân viên công ty đã bí mật báo cho cơ quan chức năng.

Ngay sau đó, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và đại diện Công ty DHL đã tiến hành kiểm tra lô hàng và phát hiện trong các chai mang nhãn hiệu Johnsons bayby powder đều có thành phần Pseudoephedrine, một loại tiền chất dùng để sản xuất ma túy.

Từ đầu năm 2011 đến nay, lực lượng phối hợp của các cơ quan này cũng đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 6 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện; thu giữ hơn 1kg cần sa khô, 59,5 viên ma túy tổng hợp. Các đường dây nói trên liên quan đến các đối tượng là Việt kiều tại một số nước như: Canada, Anh, Ấn Độ... tìm cách vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ chủ yếu là tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội (1 vụ), Hải Phòng (2 vụ), Quảng Ninh (1 vụ), Vĩnh Phúc (1 vụ). Điển hình như vụ Cục C47 phối hợp với Công an quận Thanh Xuân, Cục Hải quan TP Hà Nội phát hiện 1 bưu phẩm gửi từ Canada về Việt Nam qua Bưu cục Thanh Xuân, trong đó có 450,166g búp hoa cần sa khô.

Theo cơ quan Công an, sở dĩ một số đối tượng chọn con đường vận chuyển ma túy qua đường bưu điện, bởi tuy dễ bị phát hiện (dẫn đến mất hoàn toàn “hàng”), nhưng lại có độ “an toàn“ nhất định khi đối tượng gửi ma túy không cần phải trực tiếp mang ma tuý đến nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, đối tượng phạm tội có thể che giấu nhân thân khi khai không rõ ràng hoặc gian dối về tên hoặc địa chỉ người gửi cũng như người nhận trên thư tín hoặc bưu kiện, bưu phẩm.

Nhiều trường hợp chúng gửi ma tuý đến một khách sạn nào đó và đối tượng nhận sẽ tính toán thời gian bưu kiện đến và nhận nó qua lễ tân khách sạn. Có trường hợp chúng thuê người khác nhận hộ gói bưu kiện, bưu phẩm, nếu không có vấn đề gì khả nghi, chúng sẽ lấy gói bưu kiện, bưu phẩm đó. Trong trường hợp biết cơ quan chức năng đã phát hiện thì gói bưu kiện, bưu phẩm đó sẽ trở thành vô chủ. Đến khi bị phát hiện, các cơ quan chức năng cũng rất khó khăn trong việc bắt giữ. Hơn nữa, nếu gửi ma túy trót lọt qua đường bưu điện thì mức chi phí sẽ rất thấp, chỉ tính theo cước quy định của bưu điện…

Chính vì vậy, theo đánh giá của Cục C47, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và phát hiện các vụ mua bán, vận chuyển ma tuý qua đường bưu điện, chúng ta cần phải “trám” tất cả các kẽ hở để bọn tội phạm không thể tiếp tục lợi dụng.

Trước hết, phải phát hiện và kịp thời khắc phục các sơ hở thiếu sót của ngành Bưu điện trong việc kiểm tra, giám sát các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến nguyên tắc, quy trình gửi các vật phẩm qua đường bưu điện. Từ đó quy định chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá, đóng gói gửi các vật phẩm qua con đường này. Trong đó, yêu cầu khi gửi các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm qua đường bưu điện phải ghi rõ, cụ thể và chính xác tên, tuổi và địa chỉ người gửi cũng như người nhận. Mặt khác, trong thời gian tới chúng ta cũng phải có quy chế quản lý chặt chẽ hơn các đơn vị, công ty được Nhà nước cho phép làm công tác tiếp nhận và gửi hàng hoá qua đường bưu điện.

Qua công tác nắm tình hình cũng như thực tế các vụ phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện, các cơ quan chức năng cần tiến hành nghiên cứu và tổng kết để đưa ra các nhận định, dự báo sát thực tế. Cụ thể, về các tuyến, địa bàn trong phạm vi cả nước, các nước trong khu vực và trên thế giới có nguy cơ cao dễ bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để vận chuyển ma tuý qua đường bưu điện; phương thức thủ đoạn phạm tội, đặc điểm về đối tượng phạm tội từ đó đề ra các kế hoạch cụ thể và hợp lý trong phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này

T. Hòa - Nguyễn Văn Tuấn
.
.
.