Lật tẩy đối tượng giả mạo quân nhân Mỹ để lừa đảo

Thứ Sáu, 07/02/2020, 12:48
Từ tháng 5/2017 đến tháng 8/2017, bà M. đã chuyển số tiền 1,2 tỷ đồng vào 10 tài khoản khác nhau theo đề nghị của “bạn trai” Daniel. Sau khi chuyển tiền mà không thấy phản hồi từ Ngân hàng tại Indoneia cũng như “người bạn Mỹ”, bà mới biết mình bị lừa.


Ngày 6/2, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Thị Phương Mai (46 tuổi, trú phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Mai được xác định có vai trò quan trọng trong một đường dây lừa đảo qua mạng Internet do nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức, điều hành.

Một trong số nạn nhân gửi đơn tố giác đến cơ quan Công an là bà M (57 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), cho biết, các đối tượng đã tìm hiểu về nhân thân, điều kiện gia đình, cũng như sở thích cá nhân của bà thông qua facebook để thực hiện lừa đảo. 

Tháng 1/2017, thông qua tin nhắn facebook, một tài khoản mang tên Ryan Daniel nhắn tin bằng tiếng Anh làm quen với bà và giới thiệu quốc tịch Mỹ, đang phục vụ quân ngũ tại chiến trường Afghanistan. Với vốn tiếng Anh bập bõm, bà phải sử dụng thêm Google để nói chuyện với người này. Suốt 3 tháng liền, hầu như ngày nào đối tượng cũng nhắn tin, trò chuyện, bày tỏ sự quan tâm và tình cảm dành cho bà. 
Công an TP Đà Nẵng đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng Trương Thị Phương Mai.

Một hôm, Daniel “tiết lộ” mình đang sở hữu số tiền 1 triệu USD và muốn chuyển sang Việt Nam cho bà, sau đó sẽ xuất ngũ, sang Việt Nam sinh sống lâu dài và gắn bó với bà. Để thực hiện, cần phải mở một tài khoản tại Ngân hàng ở Indonesia để chuyển tiền sang Việt Nam và đề nghị bà giúp đỡ làm thủ tục. Vì tin vào tình cảm và lời nói của Daniel, bà nhận lời. 

Một vài ngày sau, bà nhận email của một người giới thiệu là giám đốc Ngân hàng tại Indonesia. Trong thư, người này yêu cầu bà làm các thủ tục mở tài khoản ngân hàng, trong đó có đóng các khoản phí như: Phí bảo lãnh, phí luật sư, thuế… Người này gửi cho bà nhiều tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để chuyển tiền nhằm thực hiện các thủ tục để đứng tên chủ sở hữu 1 triệu USD. 

Và, từ tháng 5/2017 đến tháng 8/2017, bà đã chuyển số tiền 1,2 tỷ đồng vào 10 tài khoản khác nhau theo đề nghị của “bạn trai” Daniel. Sau khi chuyển tiền mà không thấy phản hồi từ Ngân hàng tại Indoneia cũng như “người bạn Mỹ”, bà mới biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Từ đơn tố giác của bị hại, các trinh sát Đội đấu tranh, phòng chống tội phạm Công nghệ cao, thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, đối tượng nghi vấn đã cắt hết mọi liên lạc với bà M. 

Kết quả xác minh thể hiện, hầu hết các tài khoản ngân hàng bà M chuyển tiền đến đều không xác định được chủ thẻ. Vì các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chứng minh nhân dân không chính chủ (bị mất cắp, làm giả, tẩy xóa….) để đăng ký mở thẻ. Số tiền sau khi bà M gửi vào đều bị rút đi một cách nhanh chóng…

Nhưng rồi “ánh sáng cuối đường hầm” được mở ra, các trinh sát phát hiện có 1 chủ thẻ đứng tên chính chủ là Trương Thị Phương Mai, sinh ngày 4-4-1974, tại Bến Tre. Xác minh lai lịch nghi can này, cơ quan điều tra phát hiện, Mai quê gốc tại Bến Tre, song gia đình chuyển lên sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và đăng ký thường trú tại nhà số 280/15/5 Trịnh Quang Nghị. Mai có chồng và đã có 2 con, nhưng đã sống ly thân từ năm 2010. Hiện, Mai bỏ nhà sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định… 

Kiên trì phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức xác minh, đến cuối tháng 1/2020, Công an TP Đà Nẵng nắm được thông tin, đối tượng Mai có mặt tại nhà mẹ ruột ở TP Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng điều động một tổ công tác vào TP Hồ Chí Minh để xác minh, triệu tập đối tượng ra về Đà Nẵng để làm rõ những nghi vấn liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng của bà M. 

Qua đấu tranh, Trương Thị Phương Mai đã khai nhận hành vi phạm tội. Theo lời khai, từ năm 2015, Mai quen biết với nhóm đối tượng quốc tịch Nigeria sống tại TP Hồ Chí Minh. Trong 2 năm, từ 2015 đến 2017, Mai được số đối tượng này nhờ đứng tên mở tài khoản cá nhân để nhận tiền bị hại chuyển đến. Khi mở thẻ, Mai đăng ký dịch vụ nhắn tin, vậy nên lúc tài khoản phát sinh giao dịch, Mai nhanh chóng rút tiền đưa cho đồng bọn và được chia một phần trong số này.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng, thủ đoạn lừa đảo của Trương Thị Phương Mai cùng đồng bọn tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin bị sập bẫy. Bước đầu, cơ quan Công an xác định có đến hơn 100 người là nạn nhân của Mai và đồng bọn, với số tiền thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Thân Lai
.
.
.