Không thể lợi dụng quyền tự do dân chủ để... làm bậy

Thứ Năm, 07/12/2006, 08:22
Bị kích động của một số phần tử phản động ở hải ngoại, Lê Văn Yên  đồng ý nhận tiền và tìm cách phát tán truyền đơn nhằm xuyên tạc, chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên hành động này đã không thể thoát khỏi tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh.

Năm nay 56 tuổi, Lê Văn Yên là công nhân của Công ty Cơ khí xăng dầu, thuộc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam. Cuối năm 2004, Yên xin nghỉ không lương mà theo lời khai của ông ta trước tòa, thì do việc làm lúc có lúc không.

Đến giữa năm 2005, Yên vào mạng Internet, tạo cho mình 7 hộp thư điện tử (e-mail),  trong đó - hộp thư được ông ta thường xuyên sử dụng, có tên truy cập là “toquoctrenhet” (tổ quốc trên hết). Khi được tòa hỏi lý do vì sao lại tạo nhiều hộp thư như thế, Yên quanh co rằng để kết bạn và để tìm kiếm việc làm.

Cũng trong thời gian ấy, Lê Văn Yên vào một số trang web hội thoại trực tuyến -chủ yếu là diễn đàn paltalk, rồi có nhiều lời lẽ biểu lộ thái độ bất mãn, chống đối Nhà nước Việt Nam. Dần dà, Yên được một số tên phản động người Việt ở nước ngoài, nằm trong cái tổ chức gọi là “hội đồng dân quân cứu quốc” để ý.

Sau khi cung cấp cho bọn chúng địa chỉ hộp thư điện tử của mình, ngày 2/2/2006, bọn phản động ở nước ngoài đã gửi vào hộp thư “toquoctrenhet” của Lê Văn Yên một tài liệu, nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đề nghị Yên tán phát.

Mặc dù vậy, trước vành móng ngựa, Lê Văn Yên vẫn tìm cách tránh né tội lỗi của mình, vẫn cho rằng mình... không biết đó là phản động. Tòa hỏi: “Nếu bị cáo không vào trang web của họ, không cung cấp địa chỉ hộp thư của bị cáo cho họ, thì làm sao họ biết bị cáo?”. Yên ngập ngừng một hồi lâu, rồi mới ấp úng trả lời: “Bị cáo chỉ nghĩ mình vào để tìm việc làm”.

Nhận được tài liệu phản động này, Yên chỉ đọc trên máy tính, không dám in ra và cũng không phát tán, mà theo lời ông ta, thì do ông ta sợ. Nếu như lúc ấy, Lê Văn Yên dừng lại ở đó thì có lẽ gia đình ông ta đã không phải sụt sùi, nhìn ông ta đứng trước vành móng ngựa như hôm nay.

Nhưng sau đó, cũng trên diễn đàn hội thoại trực tuyến paltalk, và khi được bọn phản động ở nước ngoài khen ngợi, kích động, thì ngày 13/3/2006, Yên đến dịch vụ vi tính Mây Trắng, ở khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh, mở hộp thư của mình rồi dùng máy in của dịch vụ in ra 10 bản.

Tòa hỏi: “Ai yêu cầu bị cáo rải những truyền đơn phản động này?”. Yên đáp: “Tôi chỉ quan hệ với họ bằng biệt danh (nickname) trên mạng Internet, tôi không biết họ là ai”. Tòa: “Không quen biết nhưng tại sao bị cáo lại nghe theo, làm theo lời họ?”. Im lặng một lát, Yên ngập ngừng: “Dạ, nghe họ nói thì bị cáo làm theo vậy thôi”.

Sau khi in ra 10 tờ truyền đơn, Lê Văn Yên đem về nhà, rải ở trong nhà rồi dùng máy ảnh kỹ thuật số chụp lại những cảnh này và gửi vào địa chỉ hộp thư của bọn phản động. Tòa: “Chụp ảnh xong, 10 tờ truyền đơn đó bị cáo làm gì?”. Yên thưa: “Dạ, tôi đốt hết”. Tòa: “Tại sao bị cáo lại phải làm giả như rải truyền đơn như vậy?”. Lê Văn Yên đáp: “Tôi sợ. Nhưng tôi đã hứa làm mà không làm thì cũng kỳ (!?)”.

Ngày 7/4/2006, Yên lại nhận được thư của bọn phản động, hỏi Yên địa điểm rải truyền đơn mà ông ta chụp hình là ở đâu. Bên cạnh đó, bọn phản động gửi tiếp cho Lê Văn Yên một tài liệu nữa, vẫn với nội dung bôi xấu, đả kích chế độ, yêu cầu ông ta in ra và rải ở những nơi công cộng trước ngày 15/4/2006. Nếu hoàn thành, chúng sẽ cho Yên 200 USD, cùng với một số điện thoại di động, dặn Lê Văn Yên khi rải xong, thì gọi vào số máy này để báo cáo.

Ngày 14/4/2006, Lê Văn Yên đến dịch vụ máy tính Mây Trắng. Tại đây, Yên in 30 tờ khổ giấy A4, mỗi tờ có 3 đoạn tài liệu phản động nội dung giống hệt nhau. Trước vành móng ngựa, Yên khai: “Chỗ tôi ngồi sát cạnh máy in. Vì là khách quen nên tôi tự in, chủ tiệm không để ý nên không biết. Họ hứa cho tôi 200 USD nên tôi làm”. Tòa đưa cho Yên xem những tờ truyền đơn do ông ta in, Yên công nhận đó là của mình. Tòa: “Bị cáo có đọc nội dung truyền đơn không?”. Yên quanh co: “Dạ, vì chữ nhỏ nên tôi chỉ đọc lướt qua”. Tòa: “Đọc lướt qua nhưng có biết nội dung nói gì không?”. Một lần nữa, Lê Văn Yên lại ngập ngừng: “Dạ biết”.

23h ngày 14/4/2006, sau khi in xong 30 trang truyền đơn, Lê Văn Yên đem về nhà mình ở số 29B, lô 9, cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM, dùng kéo cắt ra thành 90 bản. 0h ngày 15/4/2006, Yên đi lên cầu thang lầu 1 trong chung cư, rải những tờ truyền đơn phản động này xuống đất, rồi gọi vào số máy di động mà bọn phản động đã cung cấp, để thông báo nhiệm vụ đã hoàn thành.

Lúc này, một số người dân trong chung cư thức khuya, ra hành lang ngồi hóng mát, nhìn thấy hành vi bất thường của Lê Văn Yên nên đã thông báo cho chính quyền, và Lê Văn Yên bị Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an bắt khẩn cấp.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội, trong đó nêu rõ Lê Văn Yên hiểu được nội dung của những tờ truyền đơn phản động này, nhưng vì có ý thức chống đối nên Yên đã thực hiện việc in ấn, phát tán, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án từ 2 đến 3 năm tù giam.

Trước vành móng ngựa, khi được phép cho tự bào chữa và nói lời cuối cùng, Lê Văn Yên: “Việc làm của tôi là sai trái. Tôi rất ăn năn hối cải. Tôi xin Hội đồng xét xử xem xét, khoan hồng cho tôi. Tôi mong sớm được về đoàn tụ gia đình. Tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm...”.

Căn cứ hành vi phạm tội của Lê Văn Yên, sau khi nghị án, xem xét nhân thân của Yên, cũng như thái độ ăn năn, lần đầu phạm tội, Tòa tuyên phạt Yên 2 năm tù giam. Trả lời câu hỏi của chúng tôi khi ông ta được dẫn giải về trại giam, Lê Văn Yên nói: “Tôi rất cám ơn chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Hơn lúc nào hết, bây giờ tôi đã nhận rõ những việc làm của tôi là sai lầm, rất sai lầm...”

V.C.
.
.
.