Đại án 9.000 tỷ đồng: Không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan
Theo đó, VKS cho rằng tội danh và mức hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo kêu oan của một số bị cáo. Đối với Phạm Công Danh, VKS cho rằng tội danh và mức án 30 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với ông Danh là có căn cứ.
Cụ thể, đối với hành vi cố ý làm trái trong việc lập khống hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng, trên thực tế Công ty An Phát (do Phạm Công Danh thành lập) không có khả năng cung cấp dịch vụ rõ ràng.
Đối với hành vi lập khống hợp đồng thuê trụ sở tại Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh và rút hơn 600 tỷ đồng, VKS cũng bác bỏ quan điểm của bị cáo và các luật sư. Theo VKS, mặc dù các bị cáo khai nhu cầu nâng cấp Corebanking và thuê trụ sở là nhu cầu có thật nhưng trên thực tế việc các bị cáo lập hồ sơ chỉ nhằm rút tiền của VNCB để sử dụng.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Tương tự, đối với việc rút hơn 900 tỷ đồng thông qua Quỹ Lộc Việt, VKS cũng nhận định quy kết của tòa sơ thẩm là có căn cứ. Từ đó, VKS đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Danh với phần nội dung này. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, đối với các bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét.
Đối với kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, VKS lần lượt đưa ra lời đối đáp. Về kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn và một số người liên quan, theo VKS, bà Phấn và nhóm Phú Mỹ có dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái nên cần thiết khởi tố vụ án để điều tra.
Đối với đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự với ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát), VKS cũng giữ nguyên quan điểm và tiếp tục đề nghị thu hồi 5.190 tỷ đồng liên quan đến bà Bích vì đây là vật chứng vụ án. Sau khi VKS phát biểu, các luật sư tiếp tục tranh luận.
Bào chữa cho Phạm Công Danh, luật sư của bị cáo này cho rằng cơ quan tố tụng đã thiếu sót khi chưa xem xét nguyên nhân, bối cảnh phạm tội của bị cáo Danh. Hành vi của bị cáo Danh chỉ nhằm mục đích thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, đề án này đã không thành công và bản thân bị cáo đã bỏ tiền túi ra rất nhiều và bị thiệt hại. Luật sư của Phạm Công Danh cũng đề nghị phải thu hồi số tiền 5.190 tỷ đồng và số tiền 300 tỷ đồng vì đây là vật chứng của vụ án.