Khởi tố nguyên Phó Chủ tịch huyện phá đất rừng phòng hộ

Thứ Ba, 21/04/2009, 15:15
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi và 4 trưởng phòng thuộc huyện này cùng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện do liên quan đến vụ phá đất rừng phòng hộ Đầm Dơi.
>> Cán bộ và vợ con xẻ thịt rừng phòng hộ Đầm Dơi

Ngày 15/4, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Cà Mau đã tống đạt các quyết định "cấm đi khỏi nơi cư trú", đồng thời thực hiện lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 6 bị can có liên quan trong vụ "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" ở huyện Đầm Dơi.

Các bị can gồm: Trần Xuân Khuya (51 tuổi, ở khóm 1, thị trấn Đầm Dơi), nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi; Trần Trung Vũ (34 tuổi, ở khóm 1, thị trấn Đầm Dơi), nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đầm Dơi; Mai Thanh Trúc (40 tuổi, ở ấp Chánh Tài, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi), nguyên là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Dơi; Nguyễn Văn Tuồng (44 tuổi, ở khóm 2, thị trấn Đầm Dơi), nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi (nguyên Huyện ủy viên); Nguyễn Bình Nguyên (37 tuổi, ở khóm 1, thị trấn Đầm Dơi), nguyên là Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Đầm Dơi.

Riêng Dương Thanh Thạnh (51 tuổi, ở ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi), nguyên là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đầm Dơi bị khởi tố về tội "Thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng", do gia đình Thạnh đang có tang nên cơ quan Công an tạm dừng lệnh khám xét.

... Vào những ngày đầu năm 2009, tỉnh Cà Mau có nhiều dư luận liên quan đến việc một số cán bộ của huyện Đầm Dơi tự ý phân chia đất rừng phòng hộ cho 14 hộ là cán bộ Ban Quản lý rừng và thân nhân của cán bộ chủ chốt ở huyện Đầm Dơi.

Dựa vào nguồn dư luận này, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm về quản lý vào bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu. Hàng chục hécta rừng phòng hộ ở độ từ 5 đến 10 năm tuổi bị chặt phá không thương tiếc, Ban Quản lý rừng còn đem bán số lượng lâm sản bị chặt phá để làm quỹ riêng hàng trăm triệu đồng.

Qua kết quả kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" và chuyển giao hồ sơ về Công an tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra. Ngày 9/3, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Cà Mau tiếp nhận hồ sơ và khẩn trương làm rõ.

Vào ngày 20/5/2008, ông Trần Trung Vũ, lúc đó là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ xung yếu tọa lạc tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, vì lợi ích cá nhân của một số cán bộ Ban quản lý rừng, ông Vũ đã gửi tờ trình cho cơ quan cấp thẩm quyền ở huyện Đầm Dơi đề nghị xét chỉ định giao khoán 65,66ha rừng phòng hộ xung yếu ở đây cho một tập thể quốc doanh trực thuộc Ban Quản lý rừng (tập thể này cho đến nay vẫn chưa được thành lập) và 14 hộ dân là cán bộ của Ban Quản lý rừng và thân nhân của một số cán bộ chủ chốt ở huyện Đầm Dơi.

Ngày 23/6/2008, ông Nguyễn Văn Tuồng, lúc đó là Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi đã ký Công văn số 63/TTr-NN đề nghị lên UBND huyện phê duyệt giao đất khoán lâm nghiệp cho các hộ dân nói trên.

Ông Nguyễn Bình Nguyên, nguyên Chánh Văn phòng HĐND-UBND tiếp nhận hồ sơ, sau đó làm tham mưu cho Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông-lâm-ngư là ông Trần Xuân Khuya ký Quyết định số 419/UBND, ngày 25/6/2008 về việc giao khoán đất lâm nghiệp.

Thời điểm này ông Trần Trung Vũ được rút về làm Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đầm Dơi, ông Mai Thanh Trúc (từ Phó ban được đề bạt làm Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ) tiếp tục làm tờ trình xin được phép khai thác rừng và đào kênh, khuôn hộ để nuôi trồng thủy sản và cũng được các ông Nguyễn Văn Tuồng, Nguyễn Bình Nguyên làm tham mưu để ông Trần Xuân Khuya ký duyệt đồng ý cho khai thác và đào kênh, khuôn hộ.

Căn cứ vào các quyết định này Ban Quản lý rừng phòng hộ Đầm Dơi đã cấp sổ "Hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp", các hộ được giao khoán đất đã bỏ tiền của ra để khai thác rừng, có những hộ dân đã bỏ ra 40 đến 50 triệu đồng để đào kênh khuông hộ.

Cho đến thời điểm phát hiện, đã có 24,79ha rừng bị đào kênh, khuôn hộ, nằm trong diện tích của 27,29ha rừng phòng hộ đã bị chặt phá, trữ lượng lâm sản thiệt hại là 807,4 mét khối gỗ (trong đó có 36,38 mét khối được Ban Quản lý rừng phòng hộ cho phép khai thác trước đó khoảng 4 tháng). Ban Quản lý rừng đã thu hơn 200 triệu đồng từ việc bán gỗ đã khai thác để làm quỹ riêng.

Vụ án đang được khẩn trương điều tra nhằm đưa các đối tượng vi phạm ra xử lý trước pháp luật

Ngọc Thúy
.
.
.