Khởi tố Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cùng 3 đồng phạm khác

Thứ Sáu, 28/09/2012, 00:41
Các thành viên Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB gồm ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ, ông Trịnh Kim Quang, ông Phạm Trung Cang, ông Lý Xuân Hải với vai trò là những người tổ chức thực hiện đã thống nhất ký vào biên bản cuộc họp để Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền VND và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đến ngày 27/9, được biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại điều 165 BLHS đối với 4 người, gồm: Ông Trần Xuân Giá, 73 tuổi, trú tại nhà G1 Làng Quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB), Ông Trịnh Kim Quang, 58 tuổi, trú tại Trương Định, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh; ông Lê Vũ Kỳ, 56 tuổi, ở tại đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và ông Phạm Trung Cang, 58 tuổi, trú tại Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank. 4 bị can nêu trên bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.

Theo đó, các thành viên Thường trực HĐQT gồm ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ, ông Trịnh Kim Quang, ông Phạm Trung Cang, ông Lý Xuân Hải với vai trò là những người tổ chức thực hiện đã thống nhất ký vào biên bản cuộc họp để Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền VND và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trong đó có việc gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh Hồ Chí Minh để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7- 8%/năm đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718,908 tỷ đồng. Những việc làm của các thành viên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số: 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,908 tỷ đồng.

Hành vi của các bị can nêu trên là đồng phạm cùng Nguyễn Đức Kiên về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự, Nguyễn Đức Kiên với vai trò chủ mưu.

Được biết chiều 19-9 Ngân hàng ACB đã chấp thuận đơn từ nhiệm Chủ tịch của ông Trần Xuân Giá cùng 2 Phó Chủ tịch HĐQT là ông Lê Vũ Kỳ và ông Trịnh Kim Quang. Ngoài lý do sức khỏe và cá nhân xin từ nhiệm, các ông này còn liên quan đến ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB đã bị cơ quan Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ngày 23-8 về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cơ quan điều tra, do các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật nên cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện KSND Tối cao áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại. Riêng đối với ông Trần Xuân Giá cũng chỉ là công dân bình thường, mọi người đều phải chấp hành pháp luật, ai có công lao đóng góp cho đất nước thì Đảng và Nhà nước ghi nhận, nếu sai phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hình sự như công dân khác.

Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất chặt chẽ, đặc biệt là điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định chính sách tiền tệ.

Hoạt động của Ngân hàng ACB và Ngân hàng Eximbank diễn ra bình thường

Sau khi ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) là ông Lê Vũ Kỳ cùng ông Trịnh Kim Quang xin từ nhiệm, cả 3 ông này đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng thời điểm, tại một diễn biến khác ở Ngân hàng Eximbank, ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cũng xin từ nhiệm, sau đó ông này bị khởi tố. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại hai ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường, không có hiện tượng nhiều người dân rút tiền và cả hai ngân hàng nêu trên đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi phương án để luôn đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, kinh doanh bình thường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn cho hai ngân hàng này trong những trường hợp cần thiết. Riêng Ngân hàng ACB, huy động vốn hằng ngày đều tăng khá cao, tiếp tục cho vay ra bình thường, không khống chế số lượng vay, ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu…

Đào Minh Khoa
.
.
.