Hoãn phiên xử hình sự cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng 3 đồng phạm

Thứ Năm, 28/11/2019, 13:06
Từ vị thế Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Phước cùng ba cộng sự dưới quyền trở thành bị cáo tại phiên xử hình sự sơ thẩm vụ án tham ô tài sản do chính họ giở chiêu "rút ruột" công quỹ tiền tỷ 

Phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 28-11 của TAND tỉnh Phú Yên xét xử bị cáo Lê Văn Phước – cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng 3 đồng phạm nguyên cán bộ tòa án này là nguyên phụ trách kế toán Trương Công Lộc, kế toán viên Ngô Thị Phương Thảo và thủ quỹ Huỳnh Thị Nhã Nhàn đã phải hoãn vì vắng quá nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Lê Quốc Ly – Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên từng là cộng sự dưới quyền cựu Chánh án Lê Văn Phước từ khi còn là thư ký tòa án.

Trụ sở TAND tỉnh Phú Yên - nơi cựu Chánh án Lê Văn Phước cùng 3 cộng sự dưới quyền giở chiêu "rút ruột" ciing quỹ tiền tỷ.  Ảnh: Hữu Toàn

Sau phần thủ tục phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên đảm nhiệm thực hành quyền công tố tại phiên tòa cùng luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị hoãn xét xử vì lý do hơn 120 người trong số 145 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập tham gia tố tụng tại phiên tòa vắng mặt. Kết thúc cuộc hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa và công bố thời gian xét xử lại vào ngày 24-12.

 Như Báo CAND đã thông tin, với chức trách Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, từ năm 2010 đến tháng 8-2017, ông Lê Văn Phước cùng Trương Công Lộc, Huỳnh Thị Nhã Nhàn, Ngô Thị Phương Thảo đã lợi dụng chức trách, quyền hạn được phân công, cấu kết lập khống nhiều chứng từ tài liệu kế toán – tài chính để chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương và Trung ương. Trong đó, ông Phước chỉ đạo ông Lộc soạn thảo văn bản đề xuất và được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt hỗ trợ kinh phí tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động phục vụ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm và chi phí một số hoạt động khác. 

Sau khi có tiền, ông Phước cùng 3 3 cộng sự chia nhau hơn 700 triệu đồng rồi lập khống chứng từ, tài liệu, quyết toán tài chính với cơ quan chức trách ở địa phương. Trong khi đó, các chi phí tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động và chi phí một số hoạt động khác của TAND tỉnh Phú Yên đã được Chánh án Lê Văn Phước và phụ trách kế toán Trương Công Lộc hạch toán chứng từ, quyết toán từ nguồn ngân sách Trung ương. Ngoài ra, trong 7 năm (2011-2016), ông Phước cùng 3 cộng sự cấu kết lập khống hàng loạt chứng từ, tạo dựng nhiều khoản chi trong sổ sách kế toán để chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng từ nguồn tạm ứng kinh phí ngân sách Trung ương. 

Bị cáo Lê Văn Phước - cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng 3 đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh : Hữu Toàn

Liều lĩnh hơn nữa là sau khi ông Vũ Xuân Hải – Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Phú Yên nghỉ hưu từ ngày 1-6-2013, ông Lộc không báo cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Yên biết để chấm dứt chi trả tiền lương mà vẫn lập khống 54 chứng từ để rút kinh phí chi trả tiền lương 4 năm 2 tháng cho người đã nghỉ hưu để chiếm đoạt công quỹ hơn 1,1 tỉ đồng. Theo Lộc khai nhận, số tiền chiếm đoạt được, mỗi tháng đối tượng này đã chia cho Chánh án Lê Văn Phước từ 6-10 triệu đồng, chia cho kế toán viên Ngô Thị Phương Thảo 2 triệu đồng.

 Bát nháo hơn nữa là ông Phước bòn rút công quỹ tiền tiêu vặt khi thanh toán chi phí đi Hàn Quốc, ông Lộc chiếm đoạt chi phí thanh toán may mặc trang phục cho một số cán bộ – công chức mới tuyển dụng vào ngành tòa án ở Phú Yên.

Sau khi khởi tố vụ án hình sự, ngày 7-9-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam ông Trương Công Lộc về tội tham ô tài sản. Cùng tội danh này, ngày 15-9-2018 ông Lê Văn Phước cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Riêng kế toán viên Ngô Thị Phương Thảo và thủ quỹ Huỳnh Thị Nhã Nhàn bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm.  Ảnh : Hữu Toàn

Theo Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên, trong tổng số tiền tham ô tài sản hơn 2,8 tỷ đồng, cựu Chánh án Lê Văn Phước phải chịu trách nhiệm hình sự 2,6 tỷ đồng, cựu phụ trách kế toán Trương Công Lộc chịu trách nhiệm hơn 2,8 tỷ đồng, nguyên thủ quỹ Huỳnh Thị Nhã Nhàn chịu trách nhiệm 1,6 tỷ đồng. Theo đó, ba bị can này bị truy tố theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 353 BLHS năm 2015 có khung hình phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Bị can Ngô Thị Phương Thảo chịu trách nhiệm hơn 860 triệu đồng nên bị truy tố theo quy định tại khoản 3, điều 353 BLHS năm 2015 có khung hình phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Liên quan hành vi phạm pháp nêu trên còn có  ông Nguyễn Phi Đô – Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên là người được ủy quyền khi Chánh án, Chủ tài khoản Lê Văn Phước đi vắng. Hành vi thiếu kiểm tra, kiểm soát khi duyệt chứng từ thanh toán tiền lương, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 222 triệu đồng của ông Đô có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng việc ký duyệt không thường xuyên, liên tục, không tư lợi cá nhân và đã tự nguyện hoàn trả số tiền thất thoát nêu trên để khắc phục hậu quả nên Cơ quan CSĐT và Viện KSND tỉnh Phú Yên không truy cứu trách nhiệm hình sự mà kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính, sau đó ông Đô được TAND tối cao cho nghỉ việc trước thời hạn kể từ ngày 1-11-2018.

Tham dự phiên tòa sơ thẩm, rất nhiều người đặt câu hỏi và mong muốn hội động xét xử lý giai vì sao ông Vũ Xuân Hải – cựu Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Phú Yên được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án nhưng ông Hải lại tham gia phiên tòa với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Nhã Nhàn, liệu có phù hợp với quy định pháp luật về tố tụng hình sự ?


Hữu Toàn
.
.
.