Hoãn phiên toà xét xử Trương Duy Nhất vì vắng luật sư

Thứ Sáu, 28/02/2020, 15:44
Sáng 28/2, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Duy Nhất (SN 1964, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng), cựu Trưởng Văn phòng Trung Trung Bộ, Báo Đại Đoàn kết bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS năm 2015). 


Bị cáo Nhất được xác định đã câu kết với Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty cổ phần Bắc Nam 79) trong vụ thâu tóm trụ ở Báo Đại Đoàn kết tại 82 Trần Quốc Toản gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền khoảng 13 tỷ đồng.

Ngay phần thủ tục phiên toà, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nhất đều không có mặt, trong đó một luật sư có đơn xin vắng mặt và đề nghị tạm hoãn phiên toà, một luật sư không nhận được giấy triệu tập. 

Vợ bị cáo Nhất là bà Cao Thị Xuân Phượng được triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt và cũng đề nghị hoãn phiên tòa chờ luật sư bào chữa cho chồng mình.

Bị cáo Trương Duy Nhất.

Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập hai người khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến phiên toà này là bị án Phan Văn Anh Vũ (đang thụ án 30 năm tù) và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ Vũ). Vợ chồng Vũ cũng đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên toà, chờ luật sư bào chữa cho bị cáo. 

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên toà để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên toà, thời gian mở lại vào sáng 9-3.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, tháng 4/1997, Báo Đại Đoàn kết có quyết định bổ nhiệm Trương Duy Nhất làm Trưởng Văn phòng đại diện của Báo khu vực Trung Trung Bộ, đặt tại Đà Nẵng. Tháng 10/1996, Báo Đại Đoàn kết có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị được cấp (hoặc thuê) một căn nhà tại địa điểm thuận lợi ở trung tâm thành phố để làm trụ sở Văn phòng đại diện. 

Báo Đại Đoàn kết không có chủ trương xin mua nhà công sản và giao cho ông Nhất liên hệ với chính quyền địa phương xin địa điểm thích hợp đặt trụ sở Văn phòng đại diện. 

Thời điểm này, Nhất biết UBND TP Đà Nẵng có chủ trương sắp xếp, xử lý nhà, đất công sản trên địa bàn thành phố, trong đó có áp dụng chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định 61/CP của Chính phủ được điều chỉnh hệ số sinh lợi và áp dụng giá ưu đãi. Do đó, ông Nhất đã ký 3 văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng xin mua nhà, đất theo diện công sản, không áp dụng hệ số sinh lời, với lý do để làm Văn phòng đại diện cho Báo Đại Đoàn kết.

Sau khi UBND TP Đà Nẵng có quyết định đồng ý bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản (quận Hải Châu) với giá ưu đãi hơn 674 triệu đồng cho Báo Đại Đoàn kết, ông Nhất đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ và để công ty này nộp tiền thay, sau đó Nhất báo cáo Ban Biên tập Báo Đại Đoàn kết để hợp thức nội dung đã thỏa thuận từ trước với Phan Văn Anh Vũ. 

Cáo trạng xác định, hành vi xin mua, sau đó ký bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản số 82 Trần Quốc Toản của Nhất giúp cho công ty của Vũ mua được nhà, đất công sản không đúng đối tượng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 13 tỷ đồng. 

Đối với việc giải quyết bán nhà, đất và việc hỗ trợ thu hồi nhà đất số 82 Trần Quốc Toản không đúng quy định của UBND TP Đà Nẵng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tách để xử lý trong vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại thành phố Đà Nẵng. 

Trước đó, tháng 6/2014, Trương Duy Nhất đã bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạt 2 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (đã chấp hành xong).

Nguyễn Hưng
.
.
.