Hiệu trưởng ĐH Đông Đô cấp 193 bằng cử nhân giả, không qua tuyển sinh
- Khởi tố thêm 2 bị can trong vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô
- 2 Phó hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô bị bắt
- Vụ Trường ĐH Đông Đô: Nếu các đơn vị thuộc Bộ sai phạm, sẽ xử lý nghiêm
- Nguyên Hiệu trưởng ĐH Đông Đô và đồng phạm “phù phép” văn bằng như thế nào?
Vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.
Trong vụ án này, Trần Khắc Hùng (SN 1972, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện đào tạo liên tục (ĐTLT), Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển công nghệ 4.0 và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT xác định, Trường ĐH Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, đến ngày 23/11, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về hành vi “Giả mạo trong công tác”.
Cơ quan điều tra thực hiện các quyết định khởi tố bị can trong vụ án. |
Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau; đồng thời tách phần hồ sơ vụ án liên quan đến dấu hiệu sai phạm của đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông đô để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những dấu hiệu bất thường
Trường ĐH Dân lập Đông Đô được thành lập theo Quyết định số 534/TTg- QĐ ngày 3/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ; là cơ sở đào tạo đại học chịu sự quản lý của Nhà nước của Bộ GD&ĐT; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Ngày 17/2/2017, Thủ tướng Chính phủ bạn hành Quyết định số 235/QĐ- TTg chuyển đổi Trường ĐH Dân lập Đông đô sang loại hình trường đại học tư thục, hoạt động theo quy định của Điều lệ trường đại học...
Ngày 9/6/2017,UBND TP Hà Nội có quyết định số 3525/QĐ-UBND công nhận Trần Khắc Hùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Đông Đô, nhiệm kỳ 2017-2020.
Ngoài Trần Khắc Hùng góp vốn 37,2 tỷ đồng, Trường ĐH Đông Đô còn có 4 thành viên góp vốn khác gồm Công ty Cổ phần VNN (32 tỷ đồng), Công ty Bosmi (6 tỷ đồng), Công ty Cổ phần tập đoàn Sara (9 tỷ đồng) và Trần Thị Yến (100 triệu đồng).
Ngày 28/3/2017, Trường ĐH Đông Đô có Quyết định số 25/QĐĐĐ về việc tuyển dụng Dương Văn Hòa làm giảng viên cơ hữu tại khoa Đào tạo sau Đại học Trường ĐH Đông Đô.
Ngày 26/6/2017, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3890/QĐ-UBND về việc công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô nhiệm kỳ 2017 - 2022 đối với Dương Văn Hòa.
Cơ quan ANĐT đọc lệnh bắt giữ Lê Ngọc Hà. |
Quá trình hoạt động, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh (Văn bằng 2 Tiếng Anh) nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Trường ĐH Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT (Vụ Kế hoạch Tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Không được cấp phép vẫn thông báo tuyển sinh
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định đối tượng chủ mưu trong vụ án là Trần Khắc Hùng. Từ tháng 4/2017, Hùng đã chỉ đạo Trần Kim Oanh và Dương Văn Hòa đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3527 học viên, nộp cho Trường ĐH Đông Đô tổng số tiền là 24.217.967.500 đồng.
Trong quá trình điều tra, Trường ĐH Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là 18.217.782.500 đồng. Trong số tiền đã thu, Trường ĐH Đông Đô chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 Tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của Trường ĐH Đông Đô, chứng từ liên quan đến việc chi tiền, Trường ĐH Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên không có cơ sở để xác định cụ thể.
Quá trình đấu tranh, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định: Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạ, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan ANĐT và Cục An ninh Chính trị Nội bộ Bộ Công an thực hiện lệnh bắt Trần Kim Oanh. |
Căn cứ quy định về văn bằng giáo dục đại học của Luật giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018) và Quyết định số 22/2001/QĐ-BGĐT ngày 26/6/2001 của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo, cấp bằng đại học thứ hai, Cơ quan ANĐT Bộ Công an có cơ sở xác định các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy do Trường ĐH Đông Đô cấp cho các đối tượng nhưng không đào tạo hoặc không có điều kiện để được cấp bằng là bằng giả.
Các bị can Trần Khắc Hùng, Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà, Trần Ngọc Quang, Nguyễn Thị Huệ đều là người có chức vụ tại Trường ĐH Đông Đô; các bị can Phạm Văn Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Lê Thị Thanh Tâm, Ngô Quang Hiên, Lê Thị Lương có nhiệm vụ, quyền hạn phụ trách công tác tuyển sinh, đào tạo, làm thủ tục cấp bằng của Trường ĐH Đông Đô đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi làm, cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.
Ngoài các lần hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân, cơ quan ANĐT Bộ Công an còn xác định Trường ĐH Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án, tài liệu, chứng cứ đã thu thập, sau khi xem xét khách quan, toàn diện, Cơ quan ANĐT - BCA có đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội của các bị can.
Đối với Hòa, vì động cơ vụ lợi cá nhân, với chức vụ, công việc tại Trường ĐH Đông Đô; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Hùng, Hòa đã ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân; ký các tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả; ký quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018...
Với chức vụ là Phó Hiệu trưởng, Phó Viện trưởng Viện ĐTLT, Trần Kim Oanh đã chỉ đạo các nhân viên gồm Phạm Văn Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức bài thi, tài liệu để Trường ĐH Đông Đô cấp băng giá cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo; ký dưới mục Trưởng đơn vị trên 10 giấy đề nghị in bằng có danh sách 80 cá nhân được cấp bằng giả.
Cơ quan điều tra thực hiện quyết định khởi tố bị can là 2 cán bộ trường ĐH Đông Đô. |
Trần Kim Oanh còn chỉ đạo Trần Ngọc Quang làm giả bản photo Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19/10/2015 về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 về việc công nhận 486 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành Tiếng Anh để làm thủ tục mua phôi bằng tại Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, đối tượng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Thái làm giả Quyết định số 509/QĐ ngày 30/12/2015 về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 và danh sách kèm theo có 382 học viên trúng tuyển; Quyết định số 315/QĐ-ĐĐ ngày 15/9/2016 về việc công nhận trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2016 kèm theo danh sách 47 cá nhân trúng tuyển để đối phó với Bộ GD&ĐT.
Trong vụ án này, Oanh đã hưởng lợi bất chính 48 triệu đồng, đã nộp lại 48 triệu vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan ANĐT – Bộ Công an.
Bị can Lê Ngọc Hà là Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban in bằng, Phó Viện trưởng Viện 4.0. Vì động cơ vụ lợi và với chức vụ, công việc tại Trường ĐH Đông Đô, đối tượng đã chỉ đạo các nhân viên Viện 4.0 gồm Lê Thị Thanh Tâm và Lê Thị Lương tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hướng dẫn cho các cá nhân hợp thức hồ sơ, bài thi để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, ký 11 bảng điểm khóa học, ký tại mục Ban cấp bằng của 22 giấy đề nghị in bằng có danh sách 106 cá nhân được cấp bằng giả.
Trong vụ án này, Lê Ngọc Hà được hưởng lợi bất chính 100 triệu đồng, đã nộp lại 50 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan ANĐT – Bộ Công an.
Thực hiện sự chỉ đạo của Dương Văn Hòa, Trần Kim Oanh, bị can Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên đã ký nháy trên 42 bằng giả; ký trên 73 bảng điểm khóa học, trực tiếp giới thiệu 37 trường hợp để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả.
Cơ quan ANĐT đã có thông tin, địa chỉ làm rõ 21 trường hợp; đồng thời xác định trong quá trình giới thiệu 37 trường hợp, Trần Ngọc Quang đã nhận tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.
Tại cơ quan Công an, Trần Ngọc Quang trình bày đã chuyển cho Nguyên Thị Huệ tổng số tiền 815 triệu, tuy nhiên Nguyễn Thị Huệ trình bày chỉ nhận từ Trần Ngọc Quang tổng số tiền 200 triệu và Huệ nộp cho Trường ĐH Đông Đô 270 triệu. Việc đưa tiền của Quang cho Huệ chỉ có 1 lần qua tài khoản ngân hàng 85 triệu, số tiền còn lại không có chứng từ. Vì vậy, Trân Ngọc Quang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 830 triệu.
Bị can Phạm Vấn Thùy là nhân viên Viện ĐTLT. Thực hiện chỉ đạo của Trần Khắc Hùng và Trần Kim Oanh, Thùy đã tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức hồ sơ, tài liệu để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo; ký dưới mục Người đề nghị trên 18 giấy đề nghị in bằng có danh sách 82 cá nhân được cấp bằng giả; liên hệ với Văn phòng Bộ GD&ĐT in 47 bằng giả (đã làm rõ 10 trường hợp); trực tiếp giới thiệu trường hợp của chồng là Lâm Văn Chiến để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả.
Vì động cơ vụ lợi cá nhân, Lê Thị Thanh Tâm, nhân viên Viện 4.0 đã tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức hồ sơ, tài liệu để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo; ký trên 5 giấy đề nghị in bằng có danh sách 26 cá nhân được cấp bằng giả, trong 26 cá nhân có trong danh sách in bằng do Lê Thị Thanh Tâm ký xác định có 12 trường hợp do Tâm cùng với Phạm Vân Thùy tổ chức hợp thức bài thi tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Tài chính kế toán đã thu tiền và xác nhận số tiền các cá nhân đã nộp để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, ký xác nhận học phí trên 24 giấy đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có danh sách 117 cá nhân được cấp bằng giả, trong đó có 9 trường hợp do Huệ giới thiệu để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, hưởng lợi bất chính 65 triệu đồng, đã nộp lại 65 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan ANĐT – Bộ Công an.
Bị can Nguyễn Thị Ngọc Thái đã tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hợp thức hồ sơ, tài liệu cho 47 cá nhân để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, trong đó đã làm rõ 10 trường hợp.
Ngoài ra, tại Viện ĐTLT, Nguyễn Thị Ngọc Thái còn tham gia hướng dẫn các trường hợp khác hợp thức bài thi, làm các thủ tục để được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả; Lê Thị Lương đã tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn cho học viên hợp thức bài thi để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả. Cơ quan ANĐT xác định đã làm rõ 4 trường hợp.
Ngoài ra, với tư cách là ủy viên thường trực ban in bằng, Lê Thị Lương đã trực tiếp in nhiều văn bằng 2 Tiếng Anh để Trường ĐH Đông Đô cấp cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo, được hưởng lợi 8 triệu đồng...
Ngô Quang Hiển đã tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn hợp thức bài thi để Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo; trực tiếp giới thiệu 3 cá nhân để Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, hưởng lợi 10 triệu đồng...
Trong vụ án này, đối tượng chủ mưu cầm đầu đã bỏ trốn; hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường ĐH Đông Đô nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành giáo dục..., song bằng sự kiên trì, tỉ mỉ đã điều tra, làm rõ vụ án.