Hành vi che giấu tội phạm: Không thể đổ lỗi do vô thức
Thời gian gần đây, qua theo dõi thường xuyên các phiên tòa xét xử vụ án hình sự, chúng tôi nhận thấy một thực tế đáng buồn là nhiều người khi tham gia vào hành vi phạm tội nhưng lại không biết mình đang phạm tội. Chỉ đến khi bị cơ quan điều tra triệu tập lấy cung và giải thích thì họ mới biết, hành vi mà họ thực hiện đã cấu thành tội phạm. Sau đó, họ phải ra trước vành móng ngựa và phải nhận bản án tù mà lẽ ra, nếu hiểu biết về pháp luật thì bản án đó đã không có với họ.
Thực tế tại các phiên tòa đã chứng minh, nhiều người khi phạm tội "che giấu tội phạm" hoặc "không tố giác tội phạm" có thể một phần do họ chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm công dân, hoặc có thể cố tình che dấu người thân có hành vi phạm tội. Hi vọng rằng, qua những vụ án đau lòng mà chúng tôi nêu dưới đây sẽ là bài học để mỗi người tự nêu cao ý thức, không để đến với tội phạm một cách vô thức.
Vụ đối tượng Nguyễn Huy Hoàng, ở Hà Nội trong lúc cùng đồng bọn đi chơi do xô xát với anh Nguyễn Văn Thành, ở quận Hai Bà Trưng trong lúc trên đường Nghi Tàm, Hà Nội nổi máu côn đồ dùng súng K59 bắn đã vào đầu anh Thành đến giờ vẫn là nỗi kinh hoàng với người dân Thủ đô. Và việc anh Thành không chết khi bị viên đạn xuyên qua tai là do may mắn. Tháng 3/2010, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này và tuyên phạt các đối tượng phạm tội mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Nhưng điều chúng tôi muốn nói là cả sáu đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm trong vụ án, trong đó có 2 cô gái còn rất trẻ là Phạm Thế Ngọc và Phạm Thị Thanh Huyền đều sống ở giữa Thủ đô.
Khi vụ án xảy ra cả 6 đối tượng đều biết rất rõ hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm của Hoàng và đồng bọn, nhưng không tố giác tới cơ quan điều tra (dù rằng, các đối tượng không có quan hệ gần gũi).
Khi Hội đồng xét xử hỏi: "Vì sao biết rõ hành vi phạm tội của Hoàng và đồng bọn nguy hiểm như thế mà các bị cáo không tố giác?". Các bị cáo hồn nhiên trả lời: "Thưa tòa, bị cáo nghĩ đó là việc của Công an. Và Công an sẽ bắt ai phạm tội, chứ bị cáo có phạm tội đâu". Hội đồng xét xử hỏi tiếp: "Bị cáo có biết luật quy định, không tố giác tội phạm và che giấu tội phạm cũng là phạm tội không?". Các bị cáo trả lời: "Thưa tòa, trước khi bị cơ quan điều tra triệu tập do liên quan đến vụ án này thì bị cáo không biết điều đó ạ. Trong quá trình lấy cung, bị cáo nghe điều tra viên giải thích thì lúc đó bị cáo mới biết mình phạm tội". Trong vụ án này, đối tượng bị phạt nặng nhất là 12 tháng tù, nhẹ nhất là 6 tháng cải tạo không giam giữ.
![]() |
Bị cáo Ngọc và Huyền trong vụ án bắn người trên đường Nghi Tàm, Hà Nội. |
Theo dõi diễn biến trong các phiên tòa xét xử, chúng tôi nhận thấy không chỉ các thành viên trong Hội đồng xét xử, những người tham dự phiên tòa mà ngay cả luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo bị xử về tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm cũng đều cảm thấy rất buồn về sự thiếu hiểu biết pháp luật của các bị cáo.
Nếu như những người dân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học tập nên hạn chế nhận thức về luật mà phạm tội thì các cơ quan bảo vệ pháp luật còn có thể xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho họ. Nhưng đối với những người sinh sống ở các khu vực phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí nhiều người đang sống và làm việc giữa trung tâm Thủ đô dù biết hành vi mình thực hiện là phạm tội mà vẫn cố tình thì đó là điều không thể chấp nhận được và cũng không có lý do gì để xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Liên quan đến hành vi không tố giác tội phạm, mới đây, TAND TP Hà Nội đã xử phạt cô gái trẻ Hoàng Mai Hương, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 8 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Là một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong gia đình có nề nếp, thế nhưng nguyên nhân khiến Hương phải nhận bản án tù treo lại xuất phát từ tình thương người bạn trai của cô mà thành. Hôm ấy, sau khi cùng bạn trai là Nguyễn Minh Hiệp đi về, do chuyện hiểu lầm nên Hương và Hiệp đã cãi nhau ở gần điểm mà anh Trịnh Minh Dân, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải đang ngồi chơi. Anh Dân nói với Hiệp: "Vợ chồng cãi nhau thì về nhà". Vậy là Hiệp rút dao đâm vào ngực anh Dân khiến anh tử vong. Lo sợ bị bắt nên sau khi gây án, Hiệp và Hương bỏ trốn...
Trước tòa, cô gái này tỏ ra rất ăn năn, hối hận. Cô nói với Hội đồng xét xử rằng: "Bị cáo đã khuyên bạn trai nên đi đầu thú để được giảm nhẹ tội. Nhưng thấy bạn trai tỏ ra rất hoang mang nên bị cáo cũng thương mà không quyết liệt khuyên nhủ. Chính vì hạn chế hiểu biết pháp luật và cả tình thương bạn trai không đúng cách mà bị cáo phải trả giá".
Nếu như ở hai vụ án trên, đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là do trực tiếp chứng kiến lúc xảy ra vụ án mà không báo với các cơ quan bảo vệ pháp luật thì trong vụ án này, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự lại chỉ được nghe đối tượng gây án kể lại.
Vụ án được TAND quận Cầu Giấy xét xử đầu năm 2010. Phan Thành Luân, ở tỉnh Thái Nguyên cùng nhóm bạn đang đi trong Khu đô thị mới Dịch Vọng, Hà Nội thì thấy anh Lê Viết Sắc, ở huyện Chương Mỹ đứng gần đó nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Luân cùng đồng bọn đã dùng hung khí tấn công và buộc anh Sắc đưa tiền và tài sản cho chúng. Sau khi gây án, nhóm Luân gặp Dương Tài Nguyện, ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên kể lại sự việc.
Biết rõ số tài sản mà Luân cùng đồng bọn đang có là do cướp của người khác, nhưng Nguyện không báo với cơ quan Công an mà còn cùng nhóm Luân đi ăn tiêu hết số tiền cướp được. Với hành vi không tố giác tội phạm, Nguyện bị kết án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Thực tế đau lòng từ những vụ án nêu trên mong rằng sẽ là bài học để mỗi người, nhất là các bạn trẻ không mắc phải. Không thể đổ lỗi do vô thức. Nếu phát hiện thấy hành vi vi phạm pháp luật, mọi người hãy thông báo và hợp tác với cơ quan chức năng để pháp luật kịp thời xử lý người phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội là người thân của mình, việc bạn báo với cơ quan chức năng và khuyên nhủ người phạm tội ra đầu thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa lỗi lầm và bồi thường thiệt hại cho người bị hại thì chắc chắn, người phạm tội sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật