Hàng cấm đàng hoàng "qua" đường bưu điện

Thứ Tư, 25/03/2009, 14:44
Hàng lậu trốn thuế, dao kiếm, rồi ma tuý… được đóng gói dưới dạng bưu phẩm, bưu kiện chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh đi các nơi trong nước, thậm chí ra nước ngoài và ngược lại. Thủ đoạn của các đối tượng rất ma mãnh, phần lớn lấy tên và địa chỉ của người khác làm thủ tục, khi bị phát hiện thì chạy làng, coi như hàng vô chủ để tránh sự trừng phạt của pháp luật…
>> Dao, côn, kiếm gửi qua đường chuyển phát nhanh

Nhét điện thoại trong CPU, đội tên người khác làm thủ tục gửi

Ngày 24/3, mặc dù đã tìm mọi biện pháp xác minh, thậm chí đưa thông tin tìm chủ sở hữu các lô hàng điện thoại di động và phụ kiện vận chuyển bằng đường bưu điện qua cảng hàng không Sân bay Nội Bài lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng Trung tá Vũ Hồng Quân, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết các chủ hàng vẫn biệt tăm.

Vụ đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/11/2008, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Trung tâm An ninh hàng không Sân bay Nội Bài phát hiện 2 kiện hàng điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động gửi đi TP HCM do Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện số 1 Tân Xuân, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) vận chuyển không có hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Qua kiểm tra, bên trong có 315 chiếc điện thoại di động các loại do nước ngoài sản xuất (mang nhãn hiệu Nokia, Suntek…) và 1 số phụ kiện điện thoại di động.

Theo giải trình của Công ty chuyển phát nhanh thì 1 kiện hàng được khách làm thủ tục gửi tại bưu cục 147 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội) (thuộc Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện). Trên phiếu gửi của kiện hàng, người gửi chỉ ghi họ tên và số điện thoại di động, mà không hề có địa chỉ cụ thể. Phần hàng hoá gửi ghi là CPU hãng bảo hành, hỏng không khiếu nại. Giao dịch viên khi làm thủ tục cho gửi hàng cũng không mở cục CPU đó ra kiểm tra nên không phát hiện bên trong cục CPU đó chứa hơn 100 chiếc điện thoại di động.

Kiện hàng thứ 2 được gửi tại bưu cục số 1 Tân Xuân, xã Xuân Đỉnh. Trên phiếu gửi của kiện hàng không ghi loại hàng hoá và chỉ ghi địa chỉ người gửi là Công ty Hồng Lĩnh, địa chỉ 34 Trần Phú.

Theo giao dịch viên cho biết, khi gửi, khách hàng có xuất trình 2 hoá đơn bán hàng (loại hoá đơn GTGT) ghi mặt hàng gửi là điện thoại di động. Giao dịch viên kiểm tra thấy đúng là hàng điện thoại di động đã cho làm thủ tục ngay chứ không hề kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa hàng hoá thực tế và trong hoá đơn (thực tế không trùng nhau về chủng loại và số lượng hàng hoá).

Khi gửi hàng, Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện đã đóng chứng từ vào bì thư gửi riêng, không để chung với hàng hoá. Còn khi cơ quan Công an đến kiểm tra tại địa chỉ của người gửi ghi trên phiếu gửi thì tại 34 Trần Phú không hề có Công ty Hồng Lĩnh (?).

Cơ quan chức năng đang kiểm tra số dao kiếm chuyển qua đường chuyển phát nhanh.

Tiếp đó, vào 23/2, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Trung tâm An ninh hàng không Sân bay Nội Bài lại tiếp tục phát hiện 2 kiện hàng điện thoại di động gửi đi Đồng Nai do Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện vận chuyển không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Qua xác minh, được biết, 2 kiện hàng trên được làm thủ tục gửi tại bưu điện huyện Tiên Du (Bắc Ninh), gồm 434 chiếc điện thoại di động do nước ngoài sản xuất (chủ yếu mang nhãn hiệu Nokia, Samsung…) và một số phụ kiện của điện thoại di động.

Đại diện bưu điện Tiên Du đổ lỗi rằng chiều 23/2 là chủ nhật, đông khách, lại chỉ có một giao dịch viên nên khi khách đến gửi 2 kiện hàng trên, chỉ xem qua hoá đơn và hàng hoá thấy đúng là điện thoại di động thì cho làm thủ tục.

Vì xem qua nên giao dịch viên không hề đối chiếu số lượng và chủng loại giữa hoá đơn và thực tế, thậm chí khách không hề bỏ hoá đơn vào kiện hàng theo yêu cầu nhưng giao dịch viên cũng chẳng biết.

Khi 2 bưu kiện trên bị Công an huyện Sóc Sơn tạm giữ, bưu điện Tiên Du gọi điện theo số di động người gửi trên phiếu ghi thì có 1 phụ nữ đem đến nộp 3 tờ hoá đơn bán hàng thông thường, nhưng trong đó lại ghi ngày bán hàng là 25/2. Sau đó, chủ hàng biệt tăm.

Công an huyện Sóc Sơn đã phải tìm đến tận địa chỉ người gửi ghi trên phiếu gửi để xác minh thì được biết đó là 1 người đàn ông ngoài 60 tuổi, quanh năm làm ruộng và không hề biết gì đến chuyện gửi điện thoại di động…

Không để kẻ gian lợi dụng đường bưu điện để phạm tội

Từ 2 vụ việc trên có thể thấy các đối tượng buôn bán điện thoại di động đã lợi dụng sơ hở của các bưu cục nhận vận chuyển hàng hoá qua đường bưu điện để trốn lậu thuế. Ngoài ra, hiện các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển đủ loại, từ hung khí như dao, kiếm đến mặt hàng cực kỳ nguy hiểm là ma tuý đến các nơi trong nước, thậm chí ra nước ngoài hay ngược lại.

Như đã đưa tin, chiều 9/3, tổ công tác thuộc Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 6 kiện hàng có biểu hiện nghi vấn tại địa chỉ 932 đường Bạch Đằng, thuộc Công ty chuyển phát nhanh Tín Thành tại đường Bạch Đằng, Hà Nội, phát hiện trong thùng các-tông là dao, kiếm sáng loáng.

Theo tường trình của Công ty Tín Thành thì đơn vị gửi hàng là Công ty Triệu Hưng, trụ sở chính bên Quảng Đông (Trung Quốc), có chi nhánh tại TP HCM) (đây cũng là doanh nghiệp chuyên dịch vụ chuyển phát nhanh).

Đại diện Công ty Triệu Hưng là Hà Hùng Cao chỉ nói rằng đây là vải và phụ kiện may mặc, gửi từ Trung Quốc về, thế nhưng khi kiểm tra, nhân viên của Công ty Tín Thành nghi vấn, báo với cơ quan chức năng thì mới phát hiện được sự thật trên. Mặt hàng cấm là ma tuý cũng đang được chuyển hướng vận chuyển bằng đường bưu điện.

Cách đây chưa lâu, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý đã phát hiện việc Phùng Bảo Ninh và một số đối tượng đã thu gom thuốc Actifed, nghiền thành bột, cho vào các bao matxa, vận chuyển bằng đường chuyển phát nhanh đến Australia để phục vụ cho một đường dây chuyên sản xuất ma tuý tổng hợp. 

Không thể phủ nhận công lao của một số đơn vị chuyển phát nhanh đã cảnh giác phát hiện và báo cho các cơ quan chức năng về những kiện hàng vi phạm pháp luật.

Nhưng ở một số nơi, vẫn tồn tại việc các giao dịch viên làm ăn qua quýt, không tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về gửi hàng hoá của ngành bưu điện và các quy định tại Thông tư liên tịch số 05/TTLT ngày 26/7/1997 giữa Tổng cục Bưu điện - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Thương mại hướng dẫn việc kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng hoá kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước (hiện vẫn đang áp dụng).

Cá biệt, có cán bộ bưu điện như Lương Thị Khuyên, bưu điện Mộc Châu (Sơn La) còn tự đóng bưu kiện là heroin chuyển cho các đối tượng…

Chính vì thế, việc quy định chặt chẽ về công việc cũng như trách nhiệm của các giao dịch viên tại các bưu cục có dịch vụ chuyển phát nhanh đang rất cần thiết. Phải chặt chẽ ngay từ khâu này mới phát hiện và ngăn chặn được nhiều vi phạm, bởi thủ đoạn của tội phạm ngày càng ma mãnh, đến khi lực lượng Công an phát hiện được thì có lẽ chỉ là một phần của tảng băng chìm

T. Hoà
.
.
.