Hà Nội ngày giáp Tết: Mùa của nạn trộm cắp

Thứ Ba, 22/01/2008, 09:26
Với thủ đoạn vào tận cổng chợ mời chào khách với giá chở khá "bèo", sau khi buộc hàng cẩn thận và đi được một đoạn đường, Dân, kẻ lừa đảo chuyên nghiệp ở khu vực chợ Đồng Xuân cố tình cho rơi mũ hoặc rơi hàng rồi nhờ khách xuống nhặt. Khi khách vừa xuống xe, hắn lao đi luôn cùng với bao hàng trên xe.

Mỗi ngày có hàng vạn lượt khách đổ về các chợ lớn như: chợ Đồng Xuân, chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm… và các tuyến phố nổi tiếng đất Hà thành như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Thái Hà, Chùa Bộc… để mua sắm. Cùng với sự tấp nập của chợ là sự lợi dụng hoạt động của kẻ gian.

Sự hớ hênh của khách hàng, cơ hội của kẻ gian

Những tháng giáp Tết, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, lượng hàng hóa và lượng người đi mua hàng gia tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải ở hầu hết các chợ lớn và các khu phố mua sắm sầm uất tại Hà Nội. Diện tích buôn bán chật hẹp, hàng hóa bày bán tràn lan, lấp lối đi lại, khách mua hàng đông đúc, chen lấn, xô đẩy nhau. Đây là những cơ hội thuận lợi cho kẻ gian hành nghề.

Đến chợ Ngã Tư Sở những ngày này, chúng tôi phải len lỏi giữa các quầy hàng mới có lối đi. Vừa bước chân vào một sạp quần áo, chị chủ cửa hàng đã vội vàng nhắc tôi: "Đeo túi ra đằng trước đi em, để hớ hênh thế mời trộm nó xơi à?".

Cách chỗ chúng tôi đứng mấy bước, một cô gái khoảng 20 tuổi đang khóc mếu máo, vừa lục đi lục lại chiếc túi xách vừa nói giọng hoảng hốt: "Em để ví trong này mà giờ không thấy đâu chị ơi". Chị bán hàng ngần ngại: "Em xem lại đi, kiểm tra xem túi có bị rạch không, khổ thân? Tết nhất đông đúc thế này, bọn móc túi nhiều lắm, ngày nào cũng có người bị mất".

Cô gái đó là Hoàng Thủy L., sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. L. vừa được lĩnh tiền công tháng đầu tiên đi làm thêm, cô định sẽ mua một chiếc áo rét gửi về quê cho mẹ, vậy mà giờ số tiền ấy đã "không cánh mà bay". 

Trong những ngày giáp Tết, số lượng tiêu thụ nhiều nhất tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: bánh mứt kẹo, hàng khô, nông sản, quần áo… Vì vậy, tại những nơi kinh doanh những mặt hàng này, cảnh người mua chen lấn, xô đẩy nhau trở thành chuyện như cơm bữa.

Anh Trần Ngọc Thịnh, bảo vệ tại chợ Đồng Xuân cho chúng tôi biết: "Chợ Đồng Xuân đông nhất vào những ngày lễ, Tết và ngày nghỉ. Đặc biệt là trong những ngày cuối năm này, lượng hàng hóa đổ về, số lượng người vào chợ gia tăng đột biến khiến chợ luôn ở trong tình trạng quá tải. Đây cũng là cơ hôi tốt để bọn "đạo chích" hoạt động".

Cũng theo anh Thịnh, kẻ gian chuyên trộm cắp, cướp giật tại đây chủ yếu là dân nghiện ma tuý và phụ nữ không công ăn việc làm. Họ giả vờ là khách mua hàng trà trộn vào đám đông chen lấn, xô đẩy, quan sát và lợi dụng sơ hở của mọi người để ra tay.

Các đối tượng này chủ yếu hoạt động theo nhóm, một nhóm từ 2 đến 4 người, chúng thường tạo ra sự chen lấn, đông đúc giả tạo khiến nạn nhân mất cảnh giác, sơ hở để "cầm nhầm" hoặc "chôm" đồ như: ví tiền, điện thoại di động…

Cảnh giác với những thủ đoạn mới của tội phạm

Theo Trung tá Nguyễn Hùng Sơn - Trưởng Công an phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), các hành vi trộm cắp trước đây tại các chợ và khu mua sắm thường là trộm cắp xe máy, móc ví, rạch túi để lấy tiền, điện thoại di động… Thế nhưng trong thời gian gần đây, đã xuất hiện thêm những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi và khéo léo.

Một số đối tượng ăn mặc lịch sự, ngụy trang bằng việc đeo đồ trang sức mỹ ký trông rất sang trọng để trà trộn vào đám đông, lợi dụng sơ hở để dễ dàng lấy tiền, điện thoại di động, hoặc ôm bọc hàng đã được đóng gói cẩn thận đi…

Ngày 13/1, tại 1 cửa hàng trên phố Hàng Đường, 2 đối tượng Phùng Thị Tình (44 tuổi) và Nguyễn Thị Thịnh (57 tuổi) đã giả vờ là khách vào đây chọn hàng, lợi dụng lúc đông người vào mua không có ai để ý, chúng đã "rinh" luôn bao hàng quần áo trị giá hơn 5 triệu đồng mà chủ cửa hàng đã đóng cho khách.

Trong 2 đối tượng trên, Nguyễn Thị Thịnh là đối tượng có 1 tiền án và 2 tiền sự. Hoặc có trường hợp, chúng đi một tốp 2 - 3 tên giả vờ là người mua hàng, một tên bắt chuyện làm quen, tư vấn cho nạn nhân chọn đồ để thu hút sự chú ý, lúc nạn nhân mất tập trung, những tên còn lại sẽ ra tay. Người bị hại khi phát hiện ra mình bị móc túi thì bọn chúng đã "cao chạy xa bay".

Vào vai 1 người lái xe ôm ở khu vực chợ Đồng Xuân, đối tượng Nguyễn Văn Dân (41 tuổi) đã lừa được nhiều người với tổng số tiền chiếm được trên 80 triệu đồng. Dân là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp với 3 tiền án.

Bằng thủ đoạn: vào tận cổng chợ mời chào khách với giá chở chỉ bằng một nửa so với thông thường, sau khi buộc hàng cẩn thận và đi được một đoạn đường, hắn giả vờ rơi mũ hoặc móc một ít hàng ném xuống đường để nhờ khách xuống nhặt. Khi khách vừa xuống xe, hắn lao đi luôn cùng với bao hàng chằng trên xe. 

Cũng theo Trung tá Nguyễn Hùng Sơn, vào dịp cuối năm, có tiền thưởng, tiền Tết, nên người dân tranh thủ đi mua sắm rất đông, lợi dụng vào đó bọn tội phạm cũng gia tăng hoạt động.

Để tránh lâm vào tình cảnh mất Tết, mọi người nâng cao cảnh giác, không nên mang theo nhiều tiền, đề phòng sự chen lấn, du đẩy ở các khu mua sắm, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như cuối buổi chiều hàng ngày và các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết

Thùy Dương
.
.
.