Giải cứu những cô gái bị bắt bán dâm ở xứ người

Thứ Sáu, 09/07/2010, 20:00
Nhiều đêm liền, khi vừa chập chờn vào giấc ngủ thì đồng chí Chánh văn phòng Interpol Việt Nam lại nhận được tin nhắn từ những số máy ở nước ngoài, với lời kêu cứu rất khẩn thiết: "Chú ơi cứu cháu với, cháu khổ quá". Nhận thấy đây là việc khá nghiêm trọng, nên người chỉ huy đã chỉ đạo các cán bộ Phòng 2, Văn phòng Interpol nhanh chóng điều tra, làm rõ.

Bắt đầu từ tin nhắn của 3 cô gái Việt tại Nga

Các cán bộ Phòng 2 đã khẩn trương liên lạc với số máy đã từng liên hệ với thủ trưởng của mình để nắm thông tin. Đêm hôm đó, khi vừa nhận được tin nhắn, các cán bộ Phòng 2 liền nhắn hỏi ngay: "Bạn là ai, hiện đang ở đâu?". Liền sau đó là một tin trả lời: "Bọn em bị lừa bán sang Nga. Hiện đang ở khu đèn đỏ của Matxcơva". Khẩn trương tìm hiểu khu này, các anh được biết đó là khu ăn chơi khá nổi tiếng ở Nga và có một số người Việt đang làm chủ những nhà hàng karaoke lớn. Xác định đây là chuyện có thật, các cán bộ Phòng 2 của Văn phòng Interpol nhận thấy việc giải cứu các cô là điều cấp thiết.

Ngay hôm sau, Văn phòng Interpol Việt Nam đã liên hệ với Interpol Matxcơva và Cục Cảnh sát hình sự Matxcơva đề nghị họ xuống khu các cô gái đang bị giam giữ để kiểm tra. Lực lượng Cảnh sát Matxcơva cho biết đã có vài buổi xuống kiểm tra, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai kêu cứu. Đang lo lắng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với những cô gái, thì đến đêm các anh lại nhận được tin nhắn của các cô với nội dung: "Hôm nay chúng em đã thấy cảnh sát Nga xuống kiểm tra. Nhưng bọn em không biết tiếng Nga, và lại bị chủ khống chế nên không thể kêu cứu được".

Ngay lập tức, các anh đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, đề nghị cùng phối hợp với Cảnh sát Matxcơva và VP Interpol ở đây tiếp tục quay lại khu đó để kiểm tra. Cũng trong thời gian này, các anh kiên trì đợi tin nhắn của các cô gái đang kêu cứu ở Nga nhắn lại để hướng dẫn cách tự giải thoát. Đêm đó, khi vừa thấy các cô nhắn tin, các cán bộ Phòng 2 đã hướng dẫn các cô kêu cứu bằng tiếng Nga, thậm chí các anh đã phiên âm bằng tiếng Việt để các cô dễ dàng nói được. Không chỉ thế, các anh còn hướng dẫn thời điểm nào thì các cô hãy báo hiệu để mọi người biết, và cách báo hiệu như thế nào thì hiệu quả...

Cơ quan Công an phối hợp đưa nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài trở về Việt Nam.

Một ngày, hai ngày trôi qua, đến khi nhận được điện thoại từ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga báo về, lực lượng Cảnh sát Matxcơva đã giải cứu được 3 cô gái ở khu đèn đỏ Matxcơva, các chiến sỹ Công an Việt Nam vỡ oà niềm vui. Ngày đón các cô từ nơi bị những đối tượng mất nhân tính lừa bán, các anh không thể quên những giọt nước mắt mừng vui của họ.

Sau cuộc giải cứu này, từ lời khai của các nạn nhân, lực lượng Công an Việt Nam phối hợp với Cảnh sát Nga đã phá được đường dây buôn bán phụ nữ từ Việt Nam sang Nga. Theo thông tin điều tra, đường dây buôn bán phụ nữ này đã tổ chức mạng lưới tới nhiều địa phương, "quảng cáo" cho một số đơn vị hoạt động trái phép trong việc tuyển dụng phụ nữ Việt ra nước ngoài lao động (làm ngành dệt, may hoặc dịch vụ) với mức lương rất cao. Nhưng thực chất khi sang bên đó, những phụ nữ trẻ này đều bị ép bán vào những "động" mại dâm (do người Việt hoặc người nước ngoài quản lý) và bị bóc lột, cưỡng bức như những "nô lệ tình dục" thời hiện đại.

Giải cứu thành công nhiều cô gái ở Ma Cao

Lần đó, khi lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đang điều tra về một đường dây lừa bán phụ nữ sang Ma Cao làm gái mại dâm do cặp vợ chồng Nguyễn Tuyết Chinh và Nguyễn Thanh Sơn ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội điều hành, một số cô gái Việt Nam là nạn nhân của cặp vợ chồng này đã gửi đơn, điện thoại về Văn phòng Interpol Việt Nam nhờ giải cứu.

Hầu hết các nạn nhân đều được vợ chồng Chinh - Sơn dụ đi với hình thức tuyển người xuất khẩu lao động. Sau khi "gom" các cô về Hà Nội, chúng thuê ôtô riêng đưa các cô qua cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái) hoặc cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, rồi đưa tiếp sang Hồng Kông, Ma Cao… Nhưng khi sang đến nơi, các cô lập tức bị bán vào động mại dâm hoặc những điểm vui chơi của các sòng bài.

Có một vấn đề rất khó cho công tác giải cứu, đó chính là việc các cô không cung cấp chính xác địa điểm nơi họ đang ở. Do vậy, khi thấy tin có những cô gái đang cần giúp đỡ ở Ma Cao, Văn phòng Interpol Việt Nam phải rà soát, khoanh vùng một số địa chỉ, sau đó liên hệ với Cảnh sát Ma Cao nhờ truy tìm.

Cũng trong thời gian này, một tổ công tác của Cảnh sát Việt Nam gồm các cán bộ Văn phòng Interpol; Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an; Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đã trực tiếp sang Hồng Kông và Ma Cao tiến hành việc giải cứu. Đặt chân đến Ma Cao, đoàn đã liên hệ ngay với một số hướng dẫn viên du lịch người Việt và Tổng lãnh sự Việt Nam tại đây để lần tìm ra địa chỉ của những cô gái đang kêu cứu.

Qua thông tin các cô đưa ra, mọi người đã tìm thấy nơi các cô đang ở chính là một địa điểm ăn chơi trong trung tâm giải trí ở Ma Cao. Trong khu ăn chơi đó, các cô gái ở mỗi nước phải ngồi trong các phòng kính để khách tha hồ chọn lựa. Khi tổ công tác đến chỗ các cô gái Việt Nam, qua thăm hỏi, tiếp xúc, các cô đều từ chối không nhận mình bị lừa bán sang đây. Đoán là do lo sợ, vả lại lúc đó cũng chưa biết các anh là ai nên các cô không dám nói sự thật. Biết vậy nên tổ công tác cũng tạm thời rút lui.

Nhưng ngay hôm sau, có 3 cô gái Việt Nam đã đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam kêu cứu. Các cô là 3 trong số những cô gái đứng trong phòng kính ở khu giải trí. Quá uất hận và đau đớn khi bị lừa bán, nhân lúc đi khách, các cô đã gọi được về Việt Nam kêu cứu. Và lời kêu cứu của các cô đã đến đúng địa chỉ khi các cán bộ Văn phòng Interpol Việt Nam cùng lực lượng Công an Việt Nam khẩn trương có mặt giải cứu. Lập tức, Sứ quán Việt Nam đã liên hệ về Việt Nam và đưa các cô trở về thành công, an toàn.

Được biết, đường dây buôn bán phụ nữ của vợ chồng Chinh - Sơn đã đưa khoảng 30 cô gái nhẹ dạ sang Ma Cao cung cấp cho các động chứa nơi đây. Sau khi những cô gái này được giải cứu, cùng với những tài liệu điều tra, thu thập được, đôi vợ chồng Nguyễn Tuyết Chinh và Nguyễn Thanh Sơn đã lần lượt bị bắt.

Cô nữ sinh tuổi 15 được giải thoát

Gần đây nhất, các cán bộ của Văn phòng Interpol đã tham gia giải cứu một cô nữ sinh tên H., quê ở Hải Phòng bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 2008.

Khi H. bị lừa bán, em đang là nữ sinh THPT. 2 năm trôi qua, khi việc tìm kiếm em của gia đình tưởng như đã vô vọng thì em lại gọi được điện thoại về, báo tin mình bị lừa bán sang một địa danh thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ngay từ thời điểm em mất tích, gia đình em đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng trình báo, trong đó có Văn phòng Interpol.

Hai năm qua các cán bộ Văn phòng Interpol vẫn canh cánh với trường hợp mất tích của H. Chính vì thế, khi gia đình em lên báo tin em đã điện thoại được về, các cán bộ của văn phòng rất mừng. Hồ sơ về vụ việc của em H. đã được nhanh chóng khởi động lại. Do cách phát âm của H., cũng như nhiều nạn nhân khác về địa danh của các vùng đất bên Trung Quốc không chuẩn nên các cán bộ của Văn phòng Interpol cũng rất khó khăn khi tìm địa điểm em đang bị nhốt để nhờ Công an Trung Quốc xác định. Cuối cùng, các anh đã tìm ra một nhà thổ ở tỉnh Quảng Tây.

Nhưng làm thế nào để cuộc giải cứu thành công? Để trả lời câu hỏi khó này, một cán bộ của Văn phòng Interpol đã sang tận Trung Quốc phối hợp với Công an nước bạn tiến hành giải cứu em H. Các anh phát hiện nơi H. bị giam giữ là một nhà thổ có rất nhiều bảo kê. Nhà thổ có tổ chức chặt chẽ, chỉ tiếp những khách làng chơi thuộc diện quen biết và cho phép họ đưa gái ra các khách sạn bên ngoài hành lạc. Mỗi khi có động, bọn chúng "đánh tháo" các tiếp viên rất nhanh, nhà thổ lại trở thành một quán nước bình thường như mọi quán khác.

Một kế hoạch giải cứu táo bạo đặt ra. Trước thời điểm giải cứu, em H. đã được một khách làng chơi "rỉ tai" về việc sẽ có cơ quan Công an đến cứu, em phải làm theo các bước như đã dặn. Hôm giải cứu, một khách làng chơi thuộc diện quen mặt của nhà thổ này đã đến, yêu cầu chọn chính em H. đưa đi khách sạn bên ngoài. Không hiểu vì sao hôm đó khách đến đông, em H. đã bị chủ quán bắt đi tiếp một người khách khác. Vì thế, chúng cứ cố tình đẩy hết cô gái này đến cô gái khác cho ông khách quen. Tình huống bất ngờ, mọi người đã tưởng kế hoạch giải cứu thất bại. Nhưng rồi, do biết ngày hôm đó được giải cứu nên em H. đã cố tìm mọi cách để khách cho về sớm. Thấy em về, trong khi ông khách quen đang đây đẩy từ chối hết cô này đến cô khác nên chủ quán điều động H. đến tiếp luôn.

Do đã nhận được ám hiệu nên em H. mau chóng đi theo "người khách" này. Đến lúc đó, các cán bộ của Văn phòng Interpol mới thở phào nhẹ nhõm. Khi người khách đưa em vào khách sạn thì lực lượng Công an ập đến, kiểm tra hành chính và đưa về Đồn Công an Trung Quốc gần nhất. Tại đây, em H. đã viết đơn trình báo về việc bị lừa bán sang Trung Quốc bắt làm gái mại dâm.

Từ lời khai của em H., Công an Trung Quốc đã tiến hành triệt phá động mại dâm trên. Em H. cũng được đưa đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam bàn giao để các cán bộ nơi đây giúp đỡ đưa về nước. Ngày em H. được đưa qua cửa khẩu Móng Cái về Việt Nam, bên cạnh niềm vui vô hạn của em và gia đình, các cán bộ của Văn phòng Interpol Việt Nam đều thấy xúc động, bồi hồi. Thêm một lần, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa được các em gái bị lừa bán ra nước ngoài trở về trong niềm vui đoàn tụ gia đình.

3 nạn nhân được giải cứu trong lần đó đều quê ở Thái Bình, bị đưa sang Nga từ 6 tháng trước với lời hứa ban đầu sang làm thợ may, nhưng rồi bị ép đưa vào động bán dâm trong một khu chung cư dành riêng cho người Việt. Đường dây này thông báo chi phí "xuất khẩu lao động" đưa mỗi phụ nữ sang Nga là 3.000 USD. Chúng mua vé máy bay và làm những thủ tục xuất cảnh công khai tại cửa khẩu sân bay quốc tế nên những nạn nhân không thể biết được rằng cạm bẫy đang giăng chờ họ ở phía trước. Khi máy bay hạ cánh ở Nga, họ được đón đưa lên xe chở về một số địa chỉ bí mật.

Sau khi nghỉ qua đêm, chúng phân loại đưa một số phụ nữ về làm việc tại những chung cư của một số "đại gia" người Việt ở những thành phố lớn của Nga, số khác bị chúng ép đưa lên xe tải container, giấu giữa những thùng hàng, tiếp tục cuộc hành trình bất hợp pháp, xuyên biên giới sang những nước Đông Âu.

Phần lớn số phụ nữ nói trên không biết tiếng nước ngoài, không thể giao tiếp được với người dân sở tại, lại bị bọn buôn người thu giữ toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu nên đành phó mặc số phận mình cho may rủi. 3 cô gái được giải cứu từng bị nhốt ở tầng hầm của tòa nhà, khi nào có khách thì được những tên bảo kê đưa lên các phòng ở tầng trên phục vụ khách mua dâm. Hằng ngày ngoài ăn uống, họ được chúng chi thêm một khoản tiền son phấn rất ít ỏi, phần lớn số tiền bán dâm bị bọn chúng thu giữ để trừ dần vào số tiền đã "tạm ứng" để làm thủ tục, mua vé máy bay đưa họ sang Nga. Sau nửa năm bị hành hạ thân xác, các cô đã liên hệ về Việt Nam kêu cứu.

Khuyến cáo của Văn phòng Interpol Việt Nam:

Khi các cô gái bị lừa bán ra nước ngoài, cần chú ý quan sát địa điểm mình bị giam giữ cũng như các đặc điểm xung quanh. Khi có điều kiện thì điện thoại về cho gia đình thông báo các địa điểm và đặc điểm trên. Nếu được dùng ĐTDĐ (thông thường trong các nhà thổ ở nước ngoài sau một thời gian vẫn cho các cô gái dùng ĐTDĐ để tiện điều đi khách) thì sau khi điện thoại về gia đình, cố gắng duy trì hoạt động của chiếc điện thoại trên để cơ quan Công an có thể xác định được vị trí mà các cô đang bị giam giữ, từ đó tiến hành giải cứu.

H.Giang - T. Hòa
.
.
.