Giả bệnh để trốn tránh pháp luật?
Vụ án cố ý gây thương tích chém đứt rời 4 ngón tay anh Nguyễn Vi Chi ở 40 Trần Duy Hưng (Hà Nội) do can phạm Nguyễn Thị Xuân Lan chủ mưu có nguy cơ không được giải quyết triệt để. Bước ngoặt của vụ án kể từ khi Viện KSND quận Cầu Giấy ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can Lan vì lý do can phạm này bị lao phổi nguy hiểm đến tính mạng.
Xét thấy tính chất phức tạp và để giải quyết triệt để các yêu cầu của vụ án, mới đây, Đại tá Lê Văn Nghênh - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Công văn số 195/C16 (P3) đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội Đỗ Kim Tuyến kiểm tra lại nội dung sự việc và nêu rõ lý do, quan điểm của cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy và Công an thành phố đối với việc Viện KSND quận Cầu Giấy hủy bỏ biện pháp tạm giam Nguyễn Thị Xuân Lan là đúng hay sai?
Công văn nêu rõ: Nếu thấy việc hủy bỏ không đúng quy định của pháp luật thì phải có văn bản kiến nghị lên Viện KSND cấp trên để có ý kiến chỉ đạo tiếp tục bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Xuân Lan phục vụ công tác điều tra, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật tránh khiếu kiện kéo dài.
Xung quanh quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn có nhiều ý kiến trái ngược nhau này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với các cơ quan pháp luật quận Cầu Giấy để làm sáng tỏ sự việc.
Đại diện Công an quận Cầu Giấy - đơn vị trực tiếp thụ lý vụ án nêu rõ: Nếu thực tế Nguyễn Thị Xuân Lan ốm vì bệnh hiểm nghèo thì theo nguyên tắc nhân đạo, hủy bỏ biện pháp tạm giam là đúng. Nhưng bệnh của bị can Lan chưa đến mức nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng thì không nên thay đổi biện pháp ngăn chặn, vì như thế không thể giải quyết triệt để vụ án, trong khi trách nhiệm dân sự của bị can này đối với người bị hại cũng chưa hoàn thành.
Hiện tại, kẻ trực tiếp "xuống tay" chém đứt 4 ngón tay của anh Chi là Phạm Ngọc Hải vẫn bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra. Tuy Nguyễn Thị Xuân Lan luôn chối tội, nhưng cơ quan CSĐT Công an quận cũng đã thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi chủ mưu trong vụ án trên của Nguyễn Thị Xuân Lan.
Chúng tôi cũng đã trao đổi sự việc này với lãnh đạo TAND quận Cầu Giấy, khi mà vụ án cố ý gây thương tích trên sắp đưa ra xét xử và được vị đại diện Tòa cho biết: Quyết định bản án thuộc về thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Theo thẩm quyền, trong quá trình xét xử nếu thấy nhiều điểm không rõ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì Tòa có thể yêu cầu điều tra bổ sung.
Cho đến nay, tiền sử bệnh tật của Nguyễn Thị Xuân Lan theo xác nhận của Viện Lao và Bệnh phổi Hà Nội không nguy kịch như lo ngại của Viện KSND quận Cầu Giấy. Trong khi hành vi phạm tội của Lan cùng đồng phạm gây thiệt hại 39% sức khỏe đối với anh Nguyễn Vi Chi đến nay chưa được giải quyết cả về hình sự lẫn dân sự
Trong lá đơn tiếp tục gửi tới Báo CAND, chính người bị hại - bà Nguyễn Thị Ngọc An (mẹ đẻ anh Nguyễn Vi Chi) đã nêu rõ thiện chí gặp gỡ trao đổi để sớm giải quyết những vấn đề tồn tại của vụ án. Những dòng viết đẫm nước mắt của người mẹ có đứa con bỗng dưng chịu thương tật nặng trên bàn tay lao động kiếm sống đó, không biết đã đủ để thức tỉnh lương tri của những cán bộ hữu trách trong vụ án này?
Chỉ biết rằng, viện dẫn của Viện KSND quận Cầu Giấy dựa trên Điểm 2, Điều 88, Bộ luật TTHS áp dụng đối với bị can bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng, quy định: "Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp: Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử...".
Theo viện dẫn này, khi cơ quan pháp luật chưa có cơ sở chắc chắn khẳng định việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can không cản trở điều tra thì ban hành quyết định hủy tạm giam có cần thiết? Vì những lẽ trên, dư luận mong chờ sự phán xét nghiêm minh của các cơ quan có trách nhiệm trong vụ án này