Gây trọng án từ chuyện không đâu

Chủ Nhật, 11/01/2015, 15:03
Ngoài những vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn trầm trọng, xuất phát từ lợi ích cá nhân thấp hèn và nguyên nhân khác như từ sự vụ lợi, ích kỷ… thì cũng có vụ án giết người xảy ra từ những nguyên nhân rất "lãng xẹt". Đáng nói, những vụ án này xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Gần đây, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm đã tuyên phạt Bùi Văn Cường (47 tuổi, ngụ Tây Ninh) 17 năm tù về tội “giết người”. Theo nội dung vụ án, sáng 25/3/2014, Cường đến quán cà phê Ánh Ngọc thuộc ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) xin nghệ thì thấy nhóm anh Huỳnh Văn Đức đang chơi đánh bài cào ăn tiền nên xin tham gia. Tuy nhiên, khi chơi, Cường đặt cược cao (100.000 đồng) nên anh Đức không cho và cầm tiền của Cường ném ra ngoài dẫn đến hai bên xảy ra cãi vã. Được mọi người can ngăn, Cường đứng dậy bỏ về thì bị Đức đuổi theo dùng chân đạp té xuống đất. Tức giận, Cường ngồi dậy lấy con dao xếp giấu sẵn trong người ra đâm Đức hai nhát tử vong. Vậy là chỉ một cơn tức giận bộc phát, trong phút chốc một người đã thiệt mạng, người còn lại phải trả giá bằng bản án quá đắt

Một vụ án mạng khác mà tòa vừa xét xử mới đây cũng xuất phát từ… một con gà đi lạc. Đêm ngủ dậy, phát hiện bị mất con gà mái, Trần Hoài Phong (20 tuổi, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An) bèn đi tìm. Phong nghi ngờ con gà của mình đang ở nhà anh Phạm Hoài Phong (ngụ cùng ấp). Tại đây, phát hiện Trần Hoài Phong đang xem gà nhà mình với thái độ nghi ngờ, anh Phạm Hoài Phong tức giận dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại rồi xô xát với nhau. Đang ở nhà, nhận được tin nhắn của Trần Hoài Phong nhờ đến đón về, Thái Thành Lô (20 tuổi) liền chạy xe đến. Khi đến nơi, thấy hai bên đang đánh nhau, Lô lượm cây xà beng gần đó tấn công anh Phạm Hoài Phong khiến người này  tử vong. Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử và Lô phải lãnh bản án 18 năm tù. 

Chỉ vì những nguyên nhân “lãng xẹt” mà hai hung thủ Cường và Thuyết phải trả giá đắt.

Tương tự, chỉ vì một câu thách đố mà Võ Trọng Thuyết (21 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã gây án giết người và phải lãnh mức án 20 năm tù. Tối 8/11/2013, Thuyết ngồi chơi trước nhà bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp Bến Đò, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) thì Nguyễn Trọng Phú uống rượu say chạy xe gắn máy ngang qua khiêu khích dẫn đến hai bên xô xát. Bị Thuyết đâm trúng tay, Phú phải vào Bệnh viện Củ Chi băng bó vết thương. Trên đường chạy xe máy về nhà, Phú lại gặp Thuyết và thách đố đâm nhau tay đôi. Bị Phú khiêu khích nên Thuyết nhận lời. Sau đó, Phú đưa 2 con dao xếp chuẩn bị sẵn cho Thuyết chọn một con rồi cả hai đi tìm địa điểm để hai bên đánh nhau. Đến khoảng 22h cùng ngày, khi đến đường D4 đoạn vào cổng khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, cả 2 xuống xe, mỗi bên cầm một con dao xông vào đâm nhau. Hậu quả, Phú bị Thuyết đâm gục chết ngay tại chỗ.

Điểm qua những vụ án trên cho thấy, nguyên nhân bắt nguồn từ những nguyên cớ rất nhỏ nhặt như: từ một cái nhìn được cho là "thấy mà ghét"; từ một câu thách đố, khiêu khích; từ cách ứng xử không hay giữa người với người trong cuộc sống hằng ngày… Còn nhiều nguyên nhân “lãng xẹt” khác như: va chạm trong lưu thông trên đường; một ánh đèn xe vô tình rọi vào mặt... nhưng cũng đủ phát sinh những cuộc ẩu đả rồi dẫn đến hậu quả khôn lường. Để rồi đến khi đứng trước vành móng ngựa, nghe toà tuyên án, nhiều bị cáo đã rụng rời tay chân và mới hồi tỉnh về sự ngu muội của mình, về cái tôi quá lớn, về cái được gọi là "anh hùng rơm"... Nhưng tất cả đã muộn mất rồi!

Từng tham dự nhiều phiên tòa hình sự liên quan đến những vụ án như trên, Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Hầu hết đối tượng phạm tội trong những vụ án này là giới trẻ, có độ tuổi trung bình từ 17-25. Đa phần người phạm tội là những người có trình độ học vấn thấp, phần lớn từng có vi phạm về hành chính (như đã từng bị xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng, bị cảnh cáo tại địa phương...).

Tỷ lệ người gây án có độ tuổi tầm trên 35 cũng có nhưng rất ít. Thành phần tri thức cũng có, nhưng tỷ lệ khá thấp. Có thể nói, nguyên nhân chính là sự hạn chế nhận thức của người phạm tội về pháp luật. Họ đã xem thường kỷ cương, phép nước. Đa phần là do giáo dục, do truyền thống đạo đức trong gia đình và một phần do ảnh hưởng của cả một quá trình tâm lý khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, yếu tố xã hội cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người “lãng xẹt” này!

A.Huy
.
.
.