Kết luận điều tra vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines: Dương Chí Dũng và đồng phạm ăn chia gây thất thoát gần 370 tỷ đồng

Dương Chí Dũng và đồng phạm ăn chia 1,666 triệu USD từ việc mua ụ nổi 83M

Thứ Tư, 16/10/2013, 00:29
Như bài 1 chúng tôi đã đưa ra kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam; trong việc quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M… gây tổng thiệt hại gần 370 tỷ đồng cho Nhà nước. Vì sao các đối tượng (toàn là các lãnh đạo của Vinalines) lại cố tình thực hiện những việc sai trái này? Khi đi sâu điều tra vụ án, các điều tra viên đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực tìm ra câu giải đáp chính xác nhất, đó là các đối tượng đã được ăn chia một khoản tiền khá lớn từ hợp đồng mua bán. Chính vì thế, họ đã cố tình "dối trên, lừa dưới" để thực hiện bằng được việc mua một ụ nổi dạng "đồng nát" về Việt Nam.

Trong quá trình điều tra vụ án, một tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng đã sang Singapore, phối hợp với các cơ quan chức năng của nước này để ghi lời khai của ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP. Theo ông Goh Hoon Seow cung cấp, đồng thời theo tài liệu do Văn phòng Interpol Matxcova cung cấp, Công ty Nakhodka bán ụ nổi 83M cho Công ty AP chỉ với giá 2,3 triệu USD (trong khi hợp đồng mua của Vinalines là 9 triệu USD).

Ông Goh Hoon Seow cũng đã cung cấp về một bản thỏa thuận ngày 7/7/2007 do Công ty Global Success (công ty của Nga, có chi nhánh tại Hồng Kông) và Công ty AP ký với nhau, trong nội dung ghi rõ việc ăn chia 9 triệu USD tiền bán ụ nổi 83M. Theo đó: Công ty Global Success được hưởng 4,334 triệu USD, một bên thứ 3 do Công ty Global Success chỉ định được hưởng 1,666 triệu USD. Bản thỏa thuận đó đã thể hiện rõ việc ăn chia tiền bán ụ nổi đã được các bên thỏa thuận "ngầm" trước thời điểm Vinalines khảo sát và ký hợp đồng mua ụ nổi 83M. Hay nói cách khác, việc mua ụ nổi 83M đã được ấn định trước bởi một thỏa thuận ăn chia hoa hồng giữa các bên, còn các bước tiếp theo như khảo sát hay ký hợp đồng chỉ là thủ tục.

Vậy bên thứ 3 được hưởng 1,666 triệu USD là ai? Theo cung cấp của ông Goh, ngay sau khi Vinalines chuyển 9 triệu USD cho Công ty AP thì ông A.Prikhodko (Công ty Global Success) yêu cầu ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà. Theo đó, ông Goh đã làm thủ tục mở thư tín dụng để chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà qua Ngân hàng UOB, chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Nội dung thư tín dụng ghi rõ Công ty AP chuyển cho Công ty Phú Hà để thanh toán cho các công việc chuẩn bị tài liệu xuất khẩu, hải quan và thuế xuất khẩu ụ nổi 83M. Tiếp tục xác minh, cơ quan CSĐT đã phát hiện Công ty Phú Hà thực chất không liên quan gì đến việc mua bán ụ nổi. Đây là Công ty do bà Trần Thị Hải Hà, em gái Trần Hải Sơn làm Giám đốc nên được Sơn nhờ nhận hộ.

Cơ quan CSĐT tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với bị can Lê Văn Dương (X).

Theo bị can Trần Hải Sơn khai nhận, vào khoảng đầu tháng 3/2008, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với Công ty AP, ông Goh Hoon Seow gặp Sơn tại trụ sở Vinalines và nói: "Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền "lại quả" (tiếng Anh là Kickback), tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ý nói là giao cho ông nhận, số tiền lại quả là 1,666 triệu USD". Sau đó, khi Sơn đến phòng làm việc của Dương Chí Dũng, được Dũng chỉ đạo tiếp việc chia khoản tiền trên: chia cho Dũng 10 tỷ đồng, cho Phúc 10 tỷ đồng, còn lại cho Sơn.

Ngày 18/6/2008, ông Goh chuyển 1,666 triệu USD cho Sơn qua tài khoản của Công ty Phú Hà mở tại Ngân hàng UOB chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Sau đó, công ty này đã rút và chuyển cho Sơn tổng cộng hơn 28 tỷ đồng. Theo thỏa thuận ăn chia, Sơn đã chuyển cho Dũng 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng, đưa Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, số còn lại sử dụng cá nhân và cho em gái là Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng. Cụ thể, về việc đưa tiền cho Dũng, Sơn khai đưa thành 2 lần, mỗi lần 5 tỷ đồng cho vào va ly kéo. Lần thứ nhất, Sơn chuyển cho Dũng khi ông này vào công tác và ở tại khách sạn Victory, TP Hồ Chí Minh; lần thứ 2 Sơn chuyển cho Dũng tại nhà mẹ vợ ông này ở đường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Phòng. Sơn chuyển cho Phúc 3 lần với tổng số tiền 10 tỷ tại nhà riêng của Phúc tại Làng quốc tế Thăng Long và tại quê nhà Phúc ở An Hồng, An Dương, TP Hải Phòng.

Dương Chí Dũng khai nhận, quan hệ thân thiết với ông Goh từ năm 2000 khi hai bên giao dịch mua bán tàu cuốc (khi đó Dũng là Giám đốc Công ty Nạo vét và xây dựng đường thủy I). Tại một cuộc hội thảo tại TP Hồ Chí Minh, ông Goh gặp và đề nghị Dũng giúp đỡ ông Goh, Công ty AP trong quá trình giao dịch bán ụ nổi cho Vinalines, Dũng đồng ý. Tuy các chứng cứ mà cơ quan CSĐT thu thập được đã rõ như ban ngày nhưng 2 bị can Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn tìm cách chối cãi việc đã ăn chia số tiền mua ụ nổi 83M. Họ còn đổ tội lẫn cho nhau.

Nhưng cả bị can Dũng và Phúc đều khẳng định: "Nếu không có số tiền 1,666 triệu USD thì Vinalines sẽ không mua ụ nổi của Công ty AP. Phải có thỏa thuận của Dũng và Phúc với ông Goh trước khi ký hợp đồng thì mới có số tiền 1,666 triệu USD. Số tiền đó Sơn không chiếm hưởng một mình được mà phải chia, việc Sơn chia tiền phải có sự chỉ đạo của Dũng hoặc Phúc. Sơn không có quyền gì trong việc quyết định mua ụ nổi 83M nên Sơn không thể thỏa thuận với ông Goh, không thể nhận và chiếm hưởng một mình số tiền 1,666 triệu USD được".

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, các lời khai bị can, cơ quan CSĐT đã đủ cơ sở kết luận: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc là người biết, thỏa thuận về việc nhận 1,666 triệu USD do Công ty AP chia lại, chỉ đạo Trần Hải Sơn nhận số tiền trên từ Công ty AP chuyển về Việt Nam để chia nhau chiếm hưởng cá nhân như Trần Hải Sơn và những người liên quan khai. Số tiền 1,666 triệu USD được lấy từ nguồn tiền 9 triệu USD Vinalines đã chuyển cho Công ty AP theo hợp đồng mua bán ụ nổi 83M nên đây là tiền thuộc sở hữu của Vinalines (tài sản Nhà nước).

Trong số tiền 1,666 triệu USD do Sơn nhận từ Công ty AP, Dũng và Phúc mỗi người được chia, chiếm hưởng 10 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều được chia, chiếm hưởng 340 triệu đồng; Sơn chiếm hưởng hơn 7,8 tỷ đồng. Hành vi nhận, chia nhau số tiền nêu trên cấu thành tội tham ô tài sản mà trách nhiệm thuộc về Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều.

Kết thúc điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 10 bị can. Trong đó 4 bị can: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều bị đề nghị truy tố với 2 tội danh: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản. 6 bị can: Mai Văn Khang; Bùi Thị Bích Loan; Lê Văn Dương; Huỳnh Hữu Đức; Lê Ngọc Triện; Lê Văn Lừng bị đề nghị truy tố với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT cũng đã kê biên của Dương Chí Dũng 3 căn nhà gồm: căn hộ số 2901, tầng 29, tháp B, tòa nhà Skycity tại số 88, phố Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội); căn hộ số 10, tầng 8, tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội); căn nhà số 2, ngõ 26, đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Kê biên căn nhà của Mai Văn Phúc tại số 7, Lê Quý Đôn, khu 1, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Vinalines có văn bản báo cáo, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chấp thuận cho Vinalines triển khai đầu tư dự án. Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc và giao Bộ Giao thông Vận tải cập nhật vào quy hoạch phát triển ngành trình Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, trong một thời gian dài Bộ Giao thông Vận tải không cập nhật, không kiểm tra, giám sát dẫn đến Vinalines triển khai dự án để xảy ra nhiều sai phạm, gây hậu quả thiệt hại rất lớn là có trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Các thành viên của HĐQT Vinalines chưa thực hiện đầy đủ chức năng tổ chức, theo dõi và giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của HĐQT để xảy ra các sai phạm nêu trong vụ án gây thiệt hại tài sản của Vinalines nên cơ quan điều tra sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông  Vận tải, Vinalines xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

T. Hòa
.
.
.