Dùng thủ đoạn gian dối để nhập lậu hàng trăm container “rác”
- Lực lượng Công an đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu
- Buôn lậu, gian lận thương mại: Từ công khai đi vào... tinh vi
Theo khai nhận của hai chủ hàng, số máy công cụ này được họ mua lại của Trần Quốc Vương tại kho Công ty TNHH Khánh Huy (Quốc lộ 1A, quận Bình Tân) với giá 440 triệu đồng, rồi thuê xe chở về. Các máy công cụ này Vương nhập khẩu từ Nhật Bản, hàng hóa tại kho Khánh Huy do Vũ Văn Dũng làm thủ tục nhập khẩu với pháp nhân Công ty Gia Hưng.
Mở rộng điều tra Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khám xét khẩn cấp trụ sở, kho hàng Công ty TNHH Khánh Huy, Công ty CP XNK Trần Lê Minh, Công ty TNHH Gia Hưng và nơi ở của Trần Quốc Vương. Kết quả, tại 2 kho hàng của Công ty Trần Lê Minh (quận Bình Tân) và kho hàng của Công ty Khánh Huy, cơ quan chức năng thu giữ 324 máy công cụ đã qua sử dụng, tất cả đều nhập khẩu từ Nhật Bản có năm sản xuất từ 1970 – 1999.
Tất cả các máy trên đều không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học & Công nghệ (trong đó, có 36 máy là của Nguyễn Mộng Hùng, quản lý kho của Trần Quốc Vương).
Đồng thời, cơ quan chức năng còn thu giữ số lượng lớn hóa đơn, chứng từ, tờ khai hải quan liên quan nhập khẩu hàng hóa của Công ty Khánh Huy và Công ty Trần Lê Minh. Tại Công ty TNHH Gia Hưng (phường 12, quận Bình Thạnh), có số lượng lớn hồ sơ, giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa của các công ty: Gia Hưng, Ánh Dương, Long Bình, nhập khẩu hàng hóa cho Trần Quốc Vương.
Quá trình điều tra xác định, Trần Quốc Vương, Phó Giám đốc Công ty Trần Lê Minh (Vương thuê em họ làm Giám đốc) đã trực tiếp liên hệ với người Nhật qua mạng, để mua lô hàng 1 tỷ đồng gồm 25 máy công cụ đã qua sử dụng và các thiết bị đi kèm. Vương đã thuê Dũng sử dụng pháp nhân Công ty Gia Hưng (do Dũng thành lập) làm thủ tục nhập khẩu trọn gói với giá 288 triệu đồng, nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam. Đa số sản phẩm của lô hàng này sản xuất thập niên 1980, 1990 nhưng trên tờ khai nhập khẩu hàng hóa ghi các máy này sản xuất năm 2008.
Sau khi hàng cập cảng Cát Lái, cơ quan Hải quan kiểm tra và cho nhận về để bảo quản (khi nào có kết quả giám định mới được thông quan hàng hóa). Vương yêu cầu Dũng chở hàng về kho của Công ty Khánh Huy. Tuy nhiên, sau khi Dũng giao 6 container hàng này về kho thì Vương tổ chức bán số hàng này cho nhiều người.
Tang vật vụ án. |
Ngoài việc thành lập Công ty Gia Hưng, Dũng còn thành lập Công ty Ánh Dương, Công ty Long Bình để làm dịch vụ nhập khẩu hàng hóa cho các cá nhân từ nước ngoài về Việt Nam.
Để nhập số lượng lớn hàng hóa là máy móc công cụ các loại qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập (do “tuổi thọ” thiết bị quá 10 năm) cho Vương, Dũng đã chỉ đạo Phạm Đình Huân (nhân viên của Dũng) lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa (hợp đồng ngoại thương, vận đơn, danh sách hàng hóa, tự khai tên hàng, năm sản xuất, giá hàng hóa...) dựa trên bảng nháp do Dũng cung cấp cho Huân. Sau đó, Huân ký và sử dụng các con dấu chữ ký có sẵn tại trụ sở công ty đóng lên mục người bán hàng trên hợp đồng ngoại thương và invoice.
Ngoài ra, Dũng còn chỉ đạo Huân làm thủ tục mở tờ khai hải quan, nhập khẩu các lô hàng cho Vương. Ngoài lô hàng 6 container trên, Dũng đã sử dụng pháp nhân 3 công ty trên mở 108 tờ khai hải quan, nhập khẩu 108 lô hàng, Vương còn sử dụng pháp nhân Công ty Trần Lê Minh, mở 30 tờ khai nhập khẩu 30 lô hàng và thuê Nguyễn Hòa Hiếu, Giám đốc Công ty Khánh Huy (trụ sở chính phường 2, quận 5) sử dụng pháp nhân Công ty Khánh Huy mở 5 tờ khai hải quan nhập khẩu 5 lô hàng đều là máy đã qua sử dụng, từ Nhật Bản về Việt Nam tiêu thụ. Tổng cộng, Vương đã thuê Dũng và Hiếu nhập khẩu số lượng hàng có tổng trị giá 90 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng đã xác định, Dương Minh Trường, Giám đốc Công ty Minh Kỳ cũng đã làm giả hồ sơ nhập khẩu máy công cụ đã qua sử dụng từ Nhật Bản về Việt Nam cho Nguyễn Mộng Hùng (quản lý kho cho Vương) với thủ đoạn như trên. Tổng cộng, Trường đã làm thủ tục nhập khẩu cho Hùng 40 container máy công cụ đã qua sử dụng từ Nhật về Việt Nam với giá trị tiền mua hàng là 5,1 tỷ đồng, Trường hưởng lợi 5 triệu đồng/container.
Ngày 31-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra vụ án, đề nghị cơ quan Viện Kiểm sát truy tố 6 bị can: Trần Quốc Vương (41 tuổi, ngụ phường 11, quận 10), Vũ Văn Dũng (48 tuổi, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh), Phạm Đình Huân (37 tuổi, ngụ phương Tăng Nhơn Phú A, quận 9), Dương Minh Trường (34 tuổi, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), Nguyễn Mộng Hùng (50 tuổi) và Nguyễn Hòa Hiếu cùng tội “Buôn lậu”.