Dùng hồ sơ giả rút tiền tỷ từ ngân hàng

Thứ Ba, 20/09/2011, 16:16
Trước khi thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tiền của ngân hàng, các đối tượng đã nghiên cứu kỹ quy trình hoạt động cuả các ngân hàng để tìm kẽ hở và chọn thời điểm thích hợp để ra tay hành động. Đối tượng mà bọn chúng thường nhắm tới để sử dụng làm phương tiện chiếm đoạt tiền ngân hàng thường là những công ty, doanh nghiệp có tiền, có số tài khoản mở trong ngân hàng…

Với ý định chiếm đoạt tiền cuả Công ty TNHH SX TM DV Thanh Thy (Công ty Thanh Thy), phường Tân Phong, quận 7, Trần Quốc Dũng (34 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) đã tìm hiểu biết được vào ngày 4/1/2008, Công ty Thanh Thy có ký hợp đồng trung - dài hạn, vay của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Sài Gòn (gọi tắt VP Bank chi nhánh Sài Gòn) 100 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là thửa đất 4.223,3m2 tại số MD4 - 2, khu A đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và đã được ngân hàng chấp thuận số tiền cho vay được giải chấp nhiều lần.

Tuy nhiên, kể từ khi ký hợp đồng, Công ty Thanh Thy chỉ mới giải ngân hơn 30,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại, khi nào cần giải ngân tiếp thì Công ty Thanh Thy chỉ cần lập các thủ tục, gồm: đề nghị giải ngân, khế ước nhận nợ, hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng, đề nghị vay vốn mà không cần thẩm định hoặc làm hồ sơ vay lại từ đầu.

Thực hiện kế hoạch, lợi dụng việc được giao giữ con dấu tròn công ty để làm thủ tục chuyển đổi dấu mới theo quy định (Dũng là nhân viên kế toán), Dũng đã sử dụng đóng một số dấu khống lên giấy trắng và lưu trữ tại công ty. Sau đó, Dũng chủ động liên hệ Ngân hàng VP Bank chi nhánh Sài Gòn đề nghị được tiếp tục cho giải ngân 600 triệu đồng, với lý do bổ sung chi phí để thực hiện tiếp dự án.

Sau khi được ngân hàng chấp thuận, Dũng nhờ một cán bộ tín dụng gửi bộ hồ sơ giải ngân cuả ngân hàng này với đầy đủ các thủ tục cho Dũng. Có các mẫu giấy tờ trong tay, Dũng đã làm giả bằng cách đánh máy lại theo mẫu của ngân hàng rồi in trên giấy trắng có dấu khống của Công ty Thanh Thy, ký giả chữ ký của Giám đốc Lê Ngọc Diệp và Trần Thị Ngọc Anh (thành viên góp vốn - đồng đứng tên chủ tài khoản) lên con dấu khống và hoàn tất bộ hồ sơ giải ngân giả.

Thấy hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng VP Bank Sài Gòn đã giải ngân 600 triệu đồng vào tài khoản của Công ty Thanh Thy mở tại Ngân hàng VP Bank Sài Gòn. Thấy việc chiếm đoạt số tiền lớn quá dễ dàng mà không bị nghi ngờ, phát hiện, Dũng tiếp tục lừa thêm một cú nữa cũng bằng thủ đoạn như trên (con dấu của Công ty Thanh Thy được Dũng sử dụng máy scan, máy in màu làm giả). Với bộ hồ sơ giả lần này, ngân hàng đã đồng ý giải ngân 1 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty Thanh Thy.

Chưa hết lòng tham, thấy trong tài khoản cuả Công ty Thanh Thy còn một số tiền lớn, Dũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tiếp số tiền này. Theo đó, Dũng lập 12 ủy nhiệm chi giả của Công ty Thanh Thy cũng bằng cách giả chữ ký cuả chủ tài khoản lên bảng có đóng dấu khống của Công ty Thanh Thy rồi chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Thanh Thy vào tài khoản của Trần Quốc Dũng mở tại Ngân hàng Sài Gòn Công Thương. Sau đó, lập 3 tờ séc giả rút tiền mặt hơn 2,7 tỷ đồng.

Thời gian qua, đã có một số ngân hàng trở thành nạn nhân khi đối tượng sử dụng hồ sơ giả mạo để rút tiền.

Trước sự việc trên, Ngân hàng VP Bank cũng đã kiểm tra lại quy trình làm việc cuả nhân viên đã giao dịch với Trần Quốc Dũng. Phía ngân hàng xác định, nhân viên tín dụng có sơ suất là không liên lạc trực tiếp với người đứng tên hồ sơ giải ngân là bà Lê Ngọc Diệp và Trần Thị Ngọc Anh. Tuy nhiên, lỗi này không phải là thiếu sót trong quy trình. Bởi vì, theo quy chế giải ngân không bắt buộc phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Không riêng nhân viên tín dụng, kể cả giao dịch viên, kiểm soát viên khi làm việc với Dũng cũng thừa nhận đã thực hiện đúng quy trình, thế nhưng đối tượng này thực hiện thủ đoạn hết sức tinh vi, giả mạo chữ ký giống y chữ ký thật và được đóng dấu đè lên nên nhân viên ngân hàng không thể phát hiện được.

Thực tế, trong thời gian qua cũng đã có không ít ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Cơ quan CSĐT đã từng phát hiện một nhóm đối tượng chuyên đi săn lùng các công ty, doanh nghiệp có nhiều tiền, có số tài khoản mở tại ngân hàng để làm phương tiện tiến hành thực hiện các phi vụ lừa.

Thủ đoạn cuả bọn chúng là tìm hiểu kỹ các quy định rút tiền tại ngân hàng, sau đó tiếp cận doanh nghiệp để lấy bảng chào giá, có số tài khoản, chữ ký, mẫu con dấu của doanh nghiệp, rồi mang các giấy tờ trên đi thuê người làm giả hồ sơ rút tiền ngân hàng. Đối tượng được phân công đứng tên lập thủ tục rút tiền sử dụng CMND giả (CMND nhặt được, dán ảnh của người đứng tên làm thủ tục rút tiền) để thực hiện việc giao dịch với ngân hàng.

Sau phi vụ đầu tiên mang danh nghĩa cuả doanh nghiệp tư nhân T.I "rút" tiền thành công tại Ngân hàng M.G, các đối tượng trên tiếp tục sử dụng sử dụng hồ sơ giả mang danh nghĩa Công ty TNHH V.A.C đến "rút" tiền tại một ngân hàng ở quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, do viết nhầm số tiền "rút" 350 triệu thành 350 tỷ đồng và hồ sơ rút tiền thiếu chữ ký của kế toán trưởng Công ty V.A.C, chờ mãi vẫn không thấy người làm thủ tục để bổ túc hồ sơ, nên nhân viên ngân hàng đã điện thoại về công ty. Đến lúc này thì vụ việc mới bị phát hiện…

Ngoài một số đối tượng bên ngoài xã hội thực hiện những phi vụ lừa đảo, thực tế cũng đã có không ít cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng sự tin tưởng, mất cảnh giác cuả lãnh đạo đã thực hiện các hành vi này. Như trường hợp cuả Nguyễn Thị Thu Hương, nguyên nhân viên giao dịch Agribank Chi nhánh Củ Chi. Quá trình làm việc, Hương nắm rõ quy định của ngân hàng là giao dịch viên được quyền tự thu chi giải quyết cho khách hàng rút hoặc nộp tiền mặt với số tiền tối đa là 50 triệu đồng mà không cần thông qua xét duyệt của lãnh đạo ngân hàng và thu, chi qua thủ quỹ chính của ngân hàng.

Lợi dụng quy định này cũng như những sơ hở trong quy trình giao dịch, kiểm tra luân chuyển chứng từ kế toán, Hương đã làm giả chứng từ, giả chữ ký khách hàng… chiếm đoạt gần 2,8 tỷ đồng. Từ những vụ lừa đảo để "rút" tiền cuả ngân hàng cho thấy, các đối tượng đều tìm hiểu kỹ các quy định, quy trình hoạt động cuả ngân hàng. Lợi dụng những sơ hở trong quy định, cũng như sơ suất cuả nhân viên ngân hàng mà ra tay hành động

K.Ngân
.
.
.