Động vật hoang dã quý hiếm nuôi “hợp pháp” ở Đồng Tháp?

Thứ Bảy, 10/11/2018, 07:14
26 cá thể rùa đầu to là động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được liệt kê trong Phụ lục I, Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã (ĐVHD), nguy cấp (CITES) vừa bị lực lượng CSGT Công an tỉnh Kom Tum phát hiện, thu giữ trên xe khách nhưng được lái xe xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp từ một trang trại ở tỉnh Đồng Tháp.


Sự việc này đang gây ra nhiều ý kiến về việc ai cấp phép cho trang trại này nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp.     

Ngày 4-11-2018, lực lượng CSGT Công an tỉnh Kom Tum kiểm tra xe khách BKS 36B-022.32 đã phát hiện rắn và nhiều loại rùa, trong đó có 26 cá thể (tổng khối lượng 14,5kg) được xác định là loại rùa đầu to – loài rùa đặc biệt nguy cấp, quý hiếm. 

Điều đáng nói là lái xe đã cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 11kg rùa đầu to tại trang trại của ông Trần Chí Đại (trú tại xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Giấy phép vận chuyển do Hạt Kiểm lâm huyện Tam Nông, Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cấp.

Các chuyên gia khẳng định không thể gây nuôi thương mại rùa đầu to.

Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) thì tại Điều 10, Nghị định 62/2006/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 98/2011/NĐ-CP), một trong các điều kiện tiên quyết để đăng ký thành lập các trang trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục của CITES (như rùa đầu to) thì đối với trang trại nuôi sinh sản và nuôi sinh trưởng phải được cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản. 

Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của 4 cơ quan khoa học CITES Việt Nam, ENV được biết, các cơ quan này chưa bao giờ xác nhận bằng văn bản về khả năng nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng rùa đầu to. 

Theo ENV thì trong trường hợp này, việc cơ quan kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp phép cho cơ sở của ông Trần Chí Đạt gây nuôi sinh sản, sinh trưởng loài rùa đầu to và sau đó cấp phép vận chuyển loài này là trái quy định hiện hành của pháp luật.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước ngay lập tức vào cuộc để chấm dứt tình trạng cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại đối với rùa đầu to và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác tại các địa phương cũng như xử lý các cơ quan, đối tượng có dấu hiệu tắc trách theo đúng quy định của pháp luật”- bà Hà cho biết.

Theo ENV thì để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt ĐVHD quý hiếm, Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng có biện pháp thống kê, xác minh và thu hồi giấy phép của những cơ sở đã được cấp phép gây nuôi thương mại những loài này. 

Đồng thời chỉ đạo Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm các địa phương tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn, kiên quyết rút giấy phép những cơ sở không đủ điều kiện nuôi ĐVHD cũng như thắt chặt quy trình cấp phép vận chuyển ĐVHD.

Các chuyên gia khẳng định không thể gây nuôi thương mại rùa đầu to
Trần Hằng
.
.
.