Hải Dương:

Đề nghị truy tố 25 đối tượng lập trạm thu tiền trái phép

Thứ Hai, 07/03/2005, 00:00

Sự việc bắt đầu từ khi Phòng CSĐT, Công an tỉnh Hải Dương nhận được đơn thư của quần chúng tố cáo về những bất thường tại các trạm barie do HTX thương mại An Lạc lập ra để thu tiền tại khu vực Chùa Đụn, Ninh Công và An Bài, thuộc địa bàn huyện Chí Linh.

Các xe ôtô tải muốn vận chuyển hàng hoá đi qua đều phải mua phiếu vận chuyển do HTX phát hành. Ngày 12/6/2004, sau khi bố trí lực lượng theo dõi, tổ công tác Phòng CSĐT đã bắt quả tang Đào Văn Tường và Ngô Văn Tuấn đang thu tiền của lái xe Nguyễn Văn Vinh với tổng số tiền 540.000 đồng. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại HTX thương mại An Lạc 2.000 USD và 2.830.000 đồng. Số tiền này được xác định là do thu trái phép mà có nên cơ quan điều tra đã trả lại cho những người bị hại.

Người điều hành toàn bộ hoạt động của các trạm barie này là Dương Văn Bộ, Chủ nhiệm HTX, đối tượng từng có 1 tiền án về tội đánh bạc. Trước cơ quan điều tra, Bộ đã phải khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Tháng 11/2000, Bộ đứng ra thành lập HTX thương mại An Lạc. Tháng 8/2003,  HTX An Lạc được UBND tỉnh cấp giấy phép tận thu than đá khu vực 1. Bộ đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới lập 3 trạm barie ở khu vực Chùa Đụn, Ninh Công, An Bài trên các trục đường giao thông của xã An Lạc để thu tiền trái phép của các lái xe chở than trên địa bàn. Anh ta đã ép các lái xe đều phải mua phiếu vận chuyển với giá tiền từ 80 - 120 nghìn đồng/xe.

Tiếp tay đắc lực cho Bộ thực hiện hành vi phạm tội là một đội ngũ nhân viên hết sức tin cậy. Trong đó,  phó chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Biên chỉ đạo chung, Dương Thị Mơ thủ quỹ có trách nhiệm phân công theo dõi người làm tại các trạm. Dương Văn Lung, em trai của chủ nhiệm Bộ được giao nhiệm vụ bán phiếu cho các lái xe và theo dõi giám sát việc thu tiền của các  trạm barie. Phòng CSĐT, Công an Hải Dương xác định đã có 32 chủ xe, 40 xe phải nộp cho Bộ với tổng số tiền là 463 triệu đồng.

Cùng ngày, tổ công tác của Phòng CSĐT, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt quả tang Dương Văn Quả và Tô Dương Trang khi đang có hành vi thu tiền vượt trái mức quy định về thu phí giao thông của lái xe Vũ Xuân Tuy. Sẽ là khó tin nhưng ngay tại một địa bàn nhỏ như An Lạc đã có nhiều trạm thu các khoản phí khác nhau.

Ngày 1/11/2003, UBND xã An Lạc ký hợp đồng giao thầu khoán thu phí giao thông với Nguyễn Văn Hưng (34 tuổi), trú tại thôn Đại, An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo bản hợp đồng trên, UBND xã An Lạc cho phép Hưng nhận thầu thu phí giao thông trên địa bàn xã An Lạc với mức khoán 200 triệu đồng, trong thời gian thầu 1 năm. Theo hợp đồng này thì mức thu phí giao thông được quy định cho xe bò đuôi, xe công nông đầu dọc là 5000 đồng/xe, xe công nông đầu ngang là 10.000 đồng và xe ô tô là 15 nghìn đồng/xe. Ngoài ra, Hưng còn được phép vận động thu tăng đối với các xe chở, tiêu thụ tài nguyên trái phép, trong điều kiện các lái xe tự nguyện nộp tiền. Sau đó, Hưng đã vận động được 12 đối tượng khác cùng tham gia góp vốn để nộp khoán cho UBND xã An Lạc.

Trên thực tế, Nguyễn Văn Hưng và các thành viên trong tổ khoán lại tự nâng mức thu cao hơn so với mức quy định trong hợp đồng. Dương Đình Mạc là người ghi chép sổ sách theo dõi, quản lý việc thu tiền, chỉ đạo và điều động người làm việc tại các trạm thu phí, cân đối thu chi và chia phát tiền hàng tháng cho những thành viên tham gia góp vốn. Dương Văn Mịch theo dõi kiểm soát chung việc thu tiền. Các đối tượng trực tiếp thu tiền tại trạm thu phí gồm có: Dương Văn Quả, Tô Dương Trang, Dương Văn Bồi, Nguyễn Đức Oánh, Dương Văn Dóc. Các đối tượng Dương Văn Chung, Nguyễn Đức Trường, Mạc Văn Đề, Dương Văn Vĩnh, Dương Văn Bộ, Nguyễn Văn Biên không tham gia thu phí tại các trạm, hàng tháng chỉ tham gia họp chia tiền theo suất. Dương Văn Bộ cũng tham gia thầu một suất thu phí giao thông, tuy nhiên việc tham gia thầu, Bộ nhờ Biên thực hiện giao dịch và lĩnh tiền hàng tháng. Hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố 25 đối tượng trên

Xuân Mai
.
.
.