Đau lòng những vụ án mạng từ mâu thuẫn nhỏ
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số lượng án giết người từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống lại tăng đột biến. Thực tế này cho thấy xã hội ngày càng tiềm ẩn nguy cơ gây án ở bất cứ nơi đâu và đây là vấn đề thật sự báo động.
Huynh đệ tương tàn vì sợi chỉ, cái thùng
Thợ may Lê Hồng Vương (29 tuổi; quê quán Bình Định; tạm trú huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) nhờ người em họ tên Kiều Nga sang nhà người thân là vợ chồng anh Nguyễn Nhật Trường (ngụ ấp 3, xã Nhơn Đức, Nhà Bè) để xin sợi chỉ đỏ về may túi xách.
Khoảng 5 phút sau, Nga mang về sợi chỉ đỏ dài 1,5m đưa cho Vương rồi nói: “Vợ chồng ông Trường nói sao không đi mua về xài mà cứ sang xin hoài vậy”. Nghe thế, Vương nổi nóng, điện thoại sang chửi vợ chồng Trường. Không kiềm được tức giận, Trường dọa sẽ cấm cửa không cho Vương làm ăn nữa.
Trường vừa dứt lời, Vương chộp cây kéo lận vào người rồi lấy xe gắn máy chạy sang nhà Trường với ý định sẽ đâm Trường cho hả giận. Đến nơi, hai bên xông vào định đánh nhau nhưng được hàng xóm can ngăn. Tuy nhiên, Vương không về nhà mà tiếp tục đứng trước cửa chửi bới vợ chồng Trường.
Không chịu đựng được, vợ chồng Trường lao ra cãi và đánh nhau với Vương. Vương kẹp cổ Trường rồi dùng kéo đâm tới tấp vào lưng, đầu và gáy của Trường. Khi thấy Trường nằm bất động, Vương hoảng hồn chạy xe gắn máy về nhà rồi đi bộ sang để cùng một số người hàng xóm đưa Trường đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Khi bị bắt giữ, Vương nói mình vô cùng hối hận. Vì đáng lẽ ra khi nghe phàn nàn của vợ chồng Trường, y phải “rút kinh nghiệm” để không làm phiền người thân vì chuyện y thường xuyên xin chỉ vợ chồng Trường là có thật.
Anh Đỗ Văn Sửu (SN 1966) cùng vợ là chị Trần Thị Thu Trinh (47 tuổi) sống chung nhà với mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Tư (75 tuổi) và anh vợ là Trần Thanh Hải tại một căn nhà nằm trên đường Lý Chính Thắng, quận 3.
Khoảng 21h ngày 24/1, trong lúc anh Sửu và chị Trinh ngồi ăn mì tôm dưới nhà bếp, còn bà Tư và bà Tích (em ruột bà Tư) ngồi nói chuyện gần đó thì Hải từ trên lầu đi xuống phòng khách mở tủ lạnh lấy nước uống.
Thoáng thấy anh Hải, chị Trinh lớn tiếng: “Anh em trong nhà nên nhịn đó chứ người ngoài thì không nhịn đâu”. Anh Hải chưa rõ chuyện gì thì chị Trinh kể lại cho bà Tư, bà Tích nghe là cách đây ít hôm khi chị Trinh đang bán bánh cuốn thì anh Hải đến lấy một thùng nhựa để đi câu cá mà còn chửi Trinh. Nghe vậy, bà Tư rầy anh Hải, tỏ ý bênh vực chị Trinh.
Hải nổi nóng đòi đánh chị Trinh thì anh Sửu nhào đến ôm anh Hải đẩy lên cầu thang. Hải lớn tiếng: “Vợ chồng mày định đánh tao phải không?”. Anh Sửu thách thức: “Anh muốn đánh nhau thì ra ngoài đường đánh nhau với tôi”. Cùng lúc đó, bà Tư cầm cây chổi chỉ vào Hải nói: “Sao anh em trong nhà mà cãi nhau?”. Hải tức giận: “Bây giờ má bênh tụi nó phải không?”, rồi vùng vẫy thoát khỏi vòng tay của anh Sửu, chạy xuống bếp lấy con dao rồi chạy lên phòng khách.
Thấy Hải cầm dao, anh Sửu thách thức: “Anh ngon đâm tôi thử coi”. Như dầu châm vào lửa, Hải lao đến đâm thẳng một nhát vào ngực trái của anh Sửu. Nhát dao xuyên tim, anh Sửu đã chết trên đường đến bệnh viện. Một điều tra viên thụ lý vụ án này trầm ngâm, giá như bà Tư không bênh vực ai mà giảng hòa cho hai con và anh Sửu đừng thách thức anh Hải thì có lẽ vụ án đã không xảy ra…
Một số đối tượng giết người từ mâu thuẫn nhỏ bị bắt giữ. |
Hàng xóm, chiến hữu “xử” nhau vì chuyện cỏn con
Trưa 16/2, Lê Minh Tuấn (28 tuổi) và Trần Mạnh Quốc (25 tuổi) ngồi trên một chiếc giường ngoài bờ đê thuộc ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để nhậu. Trong lúc nhâm nhi, Tuấn lấy gói thuốc từ túi áo ra hút rồi để luôn trên giường. Lúc này có anh Huỳnh Mỹ Thuật (SN 1984), là bạn bè hàng xóm của Tuấn và Quốc đi ngang qua rồi dừng lại chỗ nhậu.
Thấy Thuật, Tuấn hất hàm hỏi: “Có tiền không mua rượu uống?”. Thuật trả lời: “Tao còn không có tiền để mua rượu uống, lấy đâu ra mua cho mày”. Nói xong, Thuật lấy gói thuốc của Tuấn hút một điếu rồi bỏ luôn vào túi của mình.
Ít phút sau, không thấy gói thuốc đâu, Tuấn hỏi Thuật: “Mày có lấy gói thuốc của tao không?”. Thuật nói có nhưng nhất quyết không trả lại cho Tuấn mà đi đến một tiệm tạp hóa gần đó để mua đồ. Tuấn đi theo sau đến tiệm tạp hóa hỏi Thuật: “Giờ mày có trả cho tao gói thuốc không?”. Thuật vẫn không trả, mà còn ngược ngạo, “Mày muốn gì?” rồi bỏ đi. Tuấn tức giận xông vào tiệm tạp hóa lấy con dao rượt theo đâm vào lưng Thuật làm Thuật tử vong.
Sau khi hết giờ làm việc, bốn phụ hồ là các anh Tạ Minh Nhựt, Dương Tấn Thành, Nguyễn Văn Sơn và Trần Văn Hiệp rủ nhau đến quán karaoke Mimosa (số 116 Trần Thị Nghỉ, phường 7, quận Gò Vấp) để nhậu và ca hát.
Đến khoảng 23h cùng ngày, anh Thành ra ngoài tính tiền rồi vào phòng kêu mọi người ra về nhưng anh Minh kéo tay anh Thành lại kêu đợi Minh hát thêm một bài nữa. Anh Thành không đồng ý nên hai bên cãi nhau.
Ra tới bãi giữ xe, hai bên vẫn còn cãi và lao vào đánh nhau. Minh lấy dao xếp trong túi quần đâm thẳng vào ngực Thành rồi vứt dao bỏ chạy. Thành được đưa đến Bệnh viện 175 cấp cứu nhưng đã chết trên đường đi.
Hai lái xe ôm Phạm Quang Thịnh và Nguyễn Thanh Thùy thường đậu bến trước lô A, chung cư Trần Quốc Thảo, phường 9, quận 3. Khoảng 8h45 ngày 27/1, có một người phụ nữ đến kêu Thịnh chở đi nhưng Thùy ngăn cản vì cho rằng tới lượt của mình.
Hai bên cãi nhau, Thùy lao đến đánh tới tấp vào người anh Thịnh. Anh Thịnh bỏ chạy đến xe bán sinh tố của vợ mình ở gần đó chộp lấy 2 con dao cầm trên hai tay quay lại đâm anh Thùy chết tại chỗ…
Trung tá Nguyễn Trí Nghĩa, Phó Đội trưởng Đội 7, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh - một điều tra viên kỳ cựu chuyên về các vụ trọng án cho rằng, những vụ án giết người xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, bộc phát nhất thời trong đời sống thường nhật thì cơ quan Công an không thể có giải pháp để phòng ngừa.
Do vậy, để hạn chế tối đa các vụ án loại này thì bản thân các đấng sinh thành phải nâng cao hơn nữa ý thức giáo dục con cái, đó là phải đối xử công bằng với các con của mình; dạy con cách đối nhân xử thế; kịp thời uốn nắn khi chúng bê tha rượu chè, bài bạc…
Ở góc độ xã hội, thì ban, ngành, đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, nhẫn nhịn nhau giữa những người hàng xóm, láng giềng; giữa bạn bè đồng nghiệp, cùng trang lứa và nhất là phải quan tâm đến công ăn, chuyện làm cho người thất nghiệp ở địa phương để họ tránh xa những thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc - một trong những môi trường phát sinh mâu thuẫn dẫn đến án mạng.
Trên thực tế ở TP Hồ Chí Minh, những ấp, khu phố văn hóa được xây dựng chuẩn mực thì rất ít khi xảy ra dạng án mạng kiểu này.