Cựu Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng phạm tội vì cấp trên quyết định (?)

Thứ Năm, 09/01/2020, 10:51
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Điểu (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng), luật sư Hồ Quốc Tuấn cho rằng, hành vi của bị cáo Nguyễn Điểu không phải là đồng phạm bởi tất cả các bị cáo tại vụ án này đều thực hiện thông qua các văn bản hành chính...

Sáng 9-1, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh (SN 1955, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2006-2011) và Văn Hữu Chiến (SN 1954, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2011-2014) cùng 19 đồng phạm trong vụ thâu tóm nhà, đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 22.000 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho thân chủ.

Bào chữa cho các bị cáo từng là cấp dưới của hai cựu Chủ tịch thành phố, nhiều luật sư đã đưa ra các luận cứ nhằm chứng minh cho thân chủ của họ không thực hiện hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện chuyển nhượng các dự án bất động sản, nhà, đất công sản, hoặc không đồng phạm với cựu Chủ tịch thành phố Trần Văn Minh. Một trong những dự án bất động sản được các luật sư tập trung tranh luận nhiều nhất là Dự án 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Điểu (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng), luật sư Hồ Quốc Tuấn cho rằng, hành vi của bị cáo Nguyễn Điểu không phải là đồng phạm bởi tất cả các bị cáo tại vụ án này đều thực hiện thông qua các văn bản hành chính, cấp trên gửi cho cấp dưới, cấp dưới báo cáo và trình cấp trên xem xét quyết định, chứ không có việc bàn bạc, không phân công vai trò từng người để cùng cố ý thực hiện một hành vi phạm tội.

Bị cáo Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng.

Theo luật sư Tuấn, về Báo cáo số 33 ngày 18-1-2011 do bị cáo Nguyễn Điểu ký có nội dung giao 29 ha đất cho một công ty Việt Nam theo quy định và Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc) đã có văn bản xin liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng 79 do bị cáo Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HQĐQT, chứ bị cáo Nguyễn Điểu không có báo cáo chỉ định công ty của bị cáo Vũ liên doanh với Công ty TNHH Daewon. Bị cáo Nguyễn Điểu cũng không tự mình ký đề xuất giao 29 ha đất cho công ty này.

Cùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Điểu, luật sư Nguyễn Thị Gấm cho rằng, bị cáo Nguyển Điểu không tham mưu để lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ký ban hành Quyết định số 5870 ngày 12-7-2011. Việc thành phố Đà Nẵng không tổ chức đấu giá vì căn cứ vào thỏa thuận nguyên tắc đã ký với Công ty TNHH Daewon và năm 2011, khu đất có diện tích 29 ha trên cũng chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Luật sư Gấm dẫn chứng, trong cuộc giao ban ngày 9-2-2011, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định không giao Dự án 29 ha cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng theo đề xuất của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng cũng như nội dung Báo cáo 33 ngày 18-1-2011 do bị cáo Nguyễn Điểu ký, mà đồng ý về nguyên tắc về việc thu hồi đất và chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 của Vũ phần diện tích 29 ha thuộc Dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước để liên doanh với Công ty TNHH Daewon.

Hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (phải) và Văn Hữu Chiến.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, ngày 7-4-2008, Công ty TNHH Daewon có Văn bản số 04-04/DW gửi bị cáo Trần Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có nội dung: “Công ty TNHH Daewon cải tạo diện tích 29 ha đất tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước và bàn giao lại cho thành phố để thành phố có thể chuyển quyền sử dụng đất cho một công ty Việt Nam. Công ty Việt Nam sẽ trả khoảng 5,5 triệu USD cho thành phố để lập một công ty liên doanh với công ty chúng tôi cho việc xây dựng nhà phố và biệt thự”.

Văn bản của Công ty TNHH Daewon là đề nghị bàn giao 29 ha cho thành phố để thành phố chuyển cho một công ty Việt Nam, chứ không phải Công ty TNHH Daewon xin liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng 79 do Vũ làm Chủ tịch HĐQT.

Sau khi hoàn thiện san lấp mặt bằng của dự án giai đoạn 1, ngày 29-12-2010, Công ty TNHH Daewon có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư TP Đà Nẵng với nội dung: “Liên quan đến vấn đề dự án, các hạng mục đã hoàn thành bao gồm việc san lấp xong khu đất 29 ha được quy hoạch cho việc xây dựng biệt thự và nhà phố.

Năm 2007, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 hỗ trợ chúng tôi triển khai dự án và nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích 29 ha này. Nay chúng tôi đề nghị UBND thành phố tiến hành các thủ tục thu hồi đất và chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 để cùng Công ty TNHH Deawon thành lập liên doanh theo thỏa thuận nguyên tắc”.

Cáo trạng nêu rõ, từ năm 2006, trước khi UBND TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Daewon ký thỏa thuận nguyên tắc, Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79 đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng giao hợp tác với Công ty TNHH Daewon triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Như vậy, không có việc Công ty TNHH Daewon đề xuất liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng 79.

Ngay từ khi ký kết thỏa thuận nguyên tắc năm 2006 với Công ty TNHH Daewon, bị cáo Trần Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; bị cáo Lê Cảnh Dương, khi đó là Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng và bị cáo Nguyễn Điểu, khi đó là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng có tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện để cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ được tham gia và nhận quyền sử dụng phần diện tích 29 ha đất tại Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước không qua đấu giá quyền sử dụng đất, với giá 300.000 đồng/m2.

Nguyễn Hưng
.
.
.