Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin lãnh thêm 3 năm tù

Thứ Sáu, 04/05/2018, 16:16
TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phạm Thanh Bình – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là SBIC). 


Sau hai ngày xét xử, chiều ngày 4-5, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phạm Thanh Bình – cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là SBIC). Tổng hợp hình phạt 20 năm tù trong bản án hình sự phúc thẩm trước đó của TAND cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo chấp hành hình phạt 23 năm tù.

Cùng tội danh này, bị cáo Võ Tân – nguyên Giám đốc Công ty cố phần công nghiệp nông thủy sản (CPCN-NTS) Phú Yên thuộc Vinashin bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; nguyên kế toán trưởng Dương Sơn Hoan lãnh án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Về dân sự, án sơ thẩm buộc 3 bị cáo liên đới trách nhiệm bồi thường cho Công ty CPCN-NTS hơn 5,1 tỷ đồng.

Ba bị cáo tại phiên xử sơ thẩm hình sự của TAND tỉnh Phú Yên.

Theo hồ sơ vụ án, giữa tháng 10-2007, ông Võ Tân - Giám đốc Công ty CPCN-NTS Phú Yên gửi văn bản đề nghị Tập đoàn Vinashin cho phép đầu tư xây dựng đội tàu vận tải biển gồm 2 tàu 6.800 DWT và 2 tàu 4.000 DWT. 

Đến ngày 22-10-2007, Tập đoàn Vinashin chỉ mới cho phép lập dự án đóng mới 2 tàu vận tải biển 4.000 DWT với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng và chỉ định đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Vinashin, nhưng Giám đốcVinashin Phú Yên đã lập tờ trình khởi công đóng mới 2 tàu vận tải biển 4.000 DWT.

Bị cáo Phạm Thanh Bình.

Thừa biết dự án chưa lập xong và chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, nhưng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình vẫn phê chuẩn đồng ý đề nghị nêu trên, đồng thời chỉ đạo Giám đốc Công ty CPCN-NTS Phú Yên lập  thủ tục hợp thức hóa hồ sơ dự án để phê duyệt. 

Mãi đến ngày 9-1-2008, ông Phạm Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT Vinashin mới ký quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư có nội dung chấp thuận đơn vị lập dự án là Công ty CPCN-NTS Phú Yên và chỉ định đơn vị tư vấn đầu tư là Công ty cổ phần Vinashin, đơn vị thiết kế là Công ty TNHH MTV tư vấn-thiết kế công nghiệp tàu thủy – Vinashin, đơn vị thẩm tra dự án là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Hoàng Anh, thế nhưng trước đó Công ty CPCN-NTS Phú Yên đã tự chủ vay vốn, ký kết hợp đồng kinh tế mua sắt thép, đóng mới 1 tàu vận tải biển 4.100 DWT. 

Quang cảnh phiên tòa.

Đến tháng 10-2008 dự án nêu trên đã phải dừng thi công do dự án đóng tàu vận tải biển không hoàn chỉnh hồ sơ để trình Tập đoàn Vinashin phê duyệt trong khi tổng chi phí đã đầu tư hơn 9,6 tỷ đồng. Sau gần 5 năm dự án bị “treo”, tàu vận tải biển 4.100 DWT đang đóng dang dở đã hư hỏng nặng do phơi mình dưới nắng mưa, đến ngày 22-6-2012 Công ty CPCN-NTS Phú Yên phải bán thanh lý chiếc tàu nêu trên. 

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên, dự án đầu tư đóng mới 2 tàu vận tải biển 4.000 DWT của Công ty CPCN-NTS Phú Yên thuộc lĩnh vực giao thông với tổng dự toán đầu tư 150 tỷ đồng, phải được thực hiện theo trình tự thủ tục quy định đối với dự án nhóm B, nhưng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình và hai cộng sự Võ Tân, Dương Sơn Hoan bất chấp pháp luật, cố ý làm trái quy định của nhà nước về qu ản lý kinh tế gây hậu quả thiệt hại hơn 5,1 tỷ đồng theo kết luận giám định tài chính kế toán.

Sau gần 5 năm bỏ dở dự án giữa chừng, Công ty CPCN-NTS Phú Yên đã bán thanh lý tàu vận tải biển 4.100 DWT.

Được biết trước đó tại phiên xử phúc thẩm ngày 30-8-2012, Phạm Thanh Bình đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong một vụ án khác tại Tập đoàn Vinashin khiến cho ngân sách nhà nước thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. 

Trong lúc đang thi hành án tại một trại giam ở phía Bắc, Phạm Thanh Bình đã được dẫn giải vào Phú Yên để hầu tòa.

Phan Văn Lương
.
.
.