Công an Hà Nội: Triệt phá 2 băng nhóm tội phạm lớn

Chủ Nhật, 28/05/2006, 07:43

Liên tiếp trong thời gian ngắn, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (Phòng CSHS) Công an TP Hà Nội đã khám phá nhiều vụ án phức tạp. Những chiến công của cán bộ, chiến sĩ CSHS Công an Hà Nội một lần nữa thể hiện tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm của lực lượng Công an nói chung và lực lượng Công an Hà Nội nói riêng.

Triệt phá đường dây cá độ 30 tỉ đồng/tháng

Tháng 10/2005, qua nguồn tin trinh sát, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (CSHS) nắm được nguồn tin có một đường dây cá độ lớn đang hoạt động do một đối tượng tên là Dũng cầm đầu. Số tiền tham gia cá cược trong đường dây này lên tới hàng tỉ đồng mỗi ngày. Từ nguồn tin này kết hợp với các tài liệu trinh sát khác, chuyên án triệt phá đường dây cá độ đã được xác lập. Toàn bộ các trinh sát của Đội PCTNXH được huy động tham gia.

Khó khăn nhất trong công tác trinh sát điều tra đối với các đường dây cá độ bóng đá là việc thu thập chứng cứ, bắt quả tang hành vi cá độ là rất khó. Nhất là trong thời đại của công nghệ cao như hiện nay, các đối tượng tổ chức cá độ càng khó bị lộ mặt bởi chúng đã sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại. Đường dây cá độ này cũng vậy.

Kẻ cầm đầu đường dây được xác định tên là Nguyễn Tiến Dũng, 38 tuổi, trú tại phố Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vốn rất rành tin học, ngoài việc sử dụng điện thoại di động, điện thoại cố định, máy fax và máy tính nối mạng Internet để nhận độ hàng ngày, Dũng còn sử dụng thêm một máy tính xách tay để có thể điều hành toàn bộ việc nhận độ, thanh toán tiền ở bất cứ nơi nào.

Ngoài ra, để đánh lạc hướng Cơ quan điều tra, Dũng còn áp dụng thủ đoạn tất cả các máy di động dùng để nhận độ Dũng đều sử dụng card và máy điện thoại cố định Dũng đăng ký địa điểm đặt máy ở một nơi nhưng điểm đặt máy thực tế lại ở nơi khác. Vì thế, đã có lần anh em trinh sát mất cả tuần phục ở một địa điểm nhưng thực tế việc nhận độ của Dũng lại ở địa điểm khác.

Anh em trinh sát kể lại rằng, trông bề ngoài Dũng không có vẻ gì là giang hồ cả, ngược lại, Dũng ăn mặc rất lịch sự, lúc nào cũng kè kè máy tính xách tay bên mình. Vào quán cà phê, thậm chí ở quán bia, Dũng cũng bật laptop, mở mạng Internet, trông y như một doanh nhân thành đạt và sành điệu. Dũng cũng có một lý lịch khá sạch sẽ, không tiền án nhiều hơn tiền mặt như các loại giang hồ khác. Dũng chỉ có duy nhất một tiền sự về một tội rất... vặt vãnh. Vì thế, không ai ngờ, Dũng là kẻ điều hành một đường dây cá độ bóng đá lên đến tiền tỉ mỗi ngày.

Mấy chục trinh sát của Đội PCTNXH sau mấy tháng ròng thay nhau bám gót Dũng mới phát hiện ra đường đi của ông trùm này. Đó là rất ít khi Dũng nhận độ ở nhà hoặc một địa điểm nào đó cố định mà Dũng thường thay đổi địa điểm nhận độ liên tục. Chỉ với một chiếc máy tính xách tay và một chiếc điện thoại di động, Dũng thường xuyên nhận độ, giao dịch với người cá cược, khi thì ở quán cà phê, khi thì ở quán ăn, thậm chí ở công viên. Thế nhưng, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, sau 7 tháng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát không chỉ phát hiện được các hành vi tổ chức của Dũng mà còn có đầy đủ chứng cứ về những người tham gia vào đường dây cá độ của y.

Ngày 17/5/2006 là ngày được các trinh sát CSHS chọn để phá án. Theo Trung tá Đào Thanh Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thì sở dĩ chọn thời điểm này, sau 7 tháng kể từ khi lập án bởi 2 lẽ: thứ nhất, đến thời điểm này mọi chứng cứ về hành vi phạm tội của Dũng và đồng bọn đã được thu thập đầy đủ; thứ hai, đây là thời điểm trước giải bóng đá thế giới, thời điểm vàng của các con bạc khát nước, nếu không triệt phá thì hoạt động đường dây này sẽ ảnh hưởng tới an ninh trật tự chung.

Chiều 17/5/2006, các trinh sát hình sự đã tiến hành bắt tạm giam Nguyễn Tiến Dũng về hành vi tổ chức đánh bạc. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Dũng Cơ quan Công an đã thu được toàn bộ phương tiện phạm tội như máy tính, máy điện thoại, máy fax. Các dữ liệu trên ổ cứng máy tính còn lưu trữ khá nhiều trận cá cược. Ngoài ra, Cơ quan Công an còn thu được một quyển sổ chuyên theo dõi việc nhận độ và thanh toán tiền của Nguyễn Tiến Dũng.

Mở rộng vụ án, các trinh sát còn tiến hành bắt giữ thêm 3 đối tượng nữa là Nguyễn Anh Tuấn, 27 tuổi, trú tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; Lê Thị Thảo, 46 tuổi, trú tại khu tập thể An Dương và Nguyễn Đức Vượng, 31 tuổi, trú tại khu tập thể Thành Công. Cả Tuấn và Thảo đều là những con bạc khát nước. Mỗi ngày Tuấn đặt cửa hàng chục trận mà trận nào cũng không dưới 20 triệu đồng. Cho đến khi bị bắt, Tuấn đã mang cả giấy tờ nhà đất đi thế chấp mà vẫn còn nợ Nguyễn Tiến Dũng hàng trăm triệu đồng.

Thảo cũng máu mê không kém gì Tuấn. Thảo hàng ngày ghi đề thuê được bao nhiêu đến đêm lại nướng tất vào đường dây cá độ của Dũng. Theo tính toán sơ bộ hàng tháng số tiền cá độ thông qua đường dây này lên tới 30 tỉ đồng.

Bóc gỡ một đường dây buôn bán phụ nữ từ Hà Nội sang Ma Cao, Trung Quốc

Cũng trong thời điểm chuyên án triệt phá đường dây cá độ bóng đá được xác lập, dù tất cả các trinh sát của Đội PCTNXH  đều được huy động tham gia chuyên án này nhưng anh em vẫn không quản ngại vất vả tham gia, đồng thời một chuyên án khác mang bí số 043B.

Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát phát hiện thấy cặp vợ chồng Nguyễn Tuyết Trinh, 36 tuổi và Nguyễn Thành Sơn, 42 tuổi, ở 146 Phúc Tân có nhiều biểu hiện bất thường.

Sơn nguyên là một lái xe đã nghỉ việc từ lâu, không công ăn việc làm, còn Trinh trước kia có mở quán cà phê tại nhà, nhưng quán này cũng đã đóng cửa; tóm lại cả hai vợ chồng đều vô công rỗi nghề. Ấy thế nhưng trong suốt mấy năm từ 2003 đến 2005, vợ chồng Sơn - Trinh liên tục xuất cảnh đi Ma Cao, Trung Quốc mà lần nào cũng đi cùng với các cô gái trẻ trung, xinh đẹp.

Các nguồn tin trinh sát còn cho biết các cô gái này trước khi đi xuất cảnh cùng vợ chồng Trinh còn được Trinh thuê khách sạn ở các phố Lò Sũ, Mã Mây, Hàng Cháo cho ở. Kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khác, Cơ quan Công an mà mũi chủ công là Đội PCTNXH đã tìm ra manh mối về một đường dây buôn bán phụ nữ sang Ma Cao do vợ chồng Trinh - Sơn tổ chức.--PageBreak--

Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội và Bộ Công an, các trinh sát đã tìm ra địa chỉ của hơn 20 cô gái đã xuất cảnh đi Trung Quốc cùng với Nguyễn Tuyết Trinh. Trung tá Đào Thanh Hải cùng các trinh sát trong đội đã lặn lội đi hàng chục tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, thậm chí cả Đồng Nai, TP HCM là quê hương của các cô gái này để điều tra.

Các thông tin thu thập được cho thấy các cô gái này đều còn rất trẻ, không nghề nghiệp, nhiều cô có hoàn cảnh gia đình éo le hoặc quá nghèo khổ hoặc cha mẹ ly thân, ly dị. Sau một thời gian lên Hà Nội làm thuê các cô này đã trở về quê làm hộ chiếu để đi nước ngoài. Thường thì có một người đàn ông trung niên đưa các cô gái này về quê và hướng dẫn mọi thủ tục làm tờ khai hộ chiếu cho họ. Người đàn ông này qua miêu tả của các nhân chứng nhiều khả năng chính là Nguyễn Thành Sơn.

Các cô gái này khoe với người nhà rằng được vợ chồng người đàn ông đó giúp đỡ đưa sang Hồng Công, Ma Cao, Trung Quốc để bán hàng thuê với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng kể từ khi làm xong thủ tục ở quê, các cô này đi mất tiêu không thấy trở về. Người thân của một số cô đã dò hỏi nhiều nơi nhưng vẫn không có thông tin gì về con em mình.

Trong khi các công việc điều tra trong Chuyên án 043B vẫn đang được tiếp tục thì vào đúng ngày mồng một Tết âm lịch năm 2005, tại Ma Cao có 3 cô gái người Việt đã trốn khỏi một động mại dâm ở đây tìm đến đồn cảnh sát để trình báo về việc họ đã bị một cặp vợ chồng người Việt bán sang Ma Cao để làm gái mại dâm.

Được sự giúp đỡ của Cảnh sát Ma Cao các cô gái này đã trở về Việt Nam an toàn. Nguồn tin này được báo về Phòng CSHS Công an Hà Nội, nhưng phải khó khăn lắm các trinh sát mới tiếp xúc được với 3 cô gái này. Họ không muốn trình báo với Cơ quan Công an bởi tâm lý e ngại không muốn nhắc đến những tháng ngày nhơ nhớp ở nơi đất khách quê người, hơn thế họ muốn được quên đi tất cả để lấy chồng, sinh con.

Hành trình đen tối đã được các cô gái kể lại trong những lời khai đầy nước mắt. Họ chính là 3 trong số rất nhiều nạn nhân của vợ chồng Trinh - Sơn. Sau khi đưa họ về quê để làm tờ khai hộ chiếu, vợ chồng Trinh - Sơn tiếp tục họ dẫn họ đi làm hộ chiếu. Sau đó chúng thuê khách sạn cho họ ở chờ ngày xuất cảnh. Chúng thuê ôtô chở họ tới cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) hoặc cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái) rồi tiếp tục đưa họ sang Trung Quốc. Đến Trung Quốc chúng gọi điện cho một người tại đây ra đón. Người này làm thủ tục cho Trinh và các cô gái làm thủ tục nhập cảnh vào Ma Cao.

Tại Ma Cao, không xin việc làm cho các cô gái này như đã hứa, Trinh đã bán đứt các cô gái này cho 2 phụ nữ người Việt (đã định cư tại Ma Cao) và  1 cặp vợ chồng vợ người Trung Quốc chồng người Việt. Các cô gái này bị bán với giá từ 1.500 USD đến 2.500 USD tùy theo nhan sắc và tuổi tác.

Đến lúc này, dù biết đã bị lừa nhưng do không biết tiếng lại chỉ có một mình ở nơi đất khách quê người nên các cô gái này đành phải nhắm mắt đưa chân làm cái nghề tủi nhục đó. Họ bị bọn ma cô ở đây cai quản canh giữ suốt ngày đêm. Chúng bắt họ vào làm mại dâm tại một số nhà hàng. Số tiền họ đi khách mỗi ngày khoảng 10 triệu đồng chúng thu hết sạch, trong khi mỗi tháng chúng chỉ phát cho họ khoảng 600 nghìn đồng để chi tiêu. Không chịu được cảnh sống tủi nhục, nhiều cô gái đã có ý định chạy trốn nhưng bất thành phần vì họ bị bọn ma cô kèm chặt, phần vì toàn bộ hộ chiếu của họ đã bị bọn má mì thu giữ. Vào đêm 30 tết năm đó, do bọn chúng mải vui tết lơi lỏng việc quản lý nên sáng sớm mồng một tết 3 cô gái này đã thừa cơ hội chạy trốn tới đồn cảnh sát.

Tiến hành cho 3 cô gái này nhận dạng các bức ảnh của vợ chồng Trinh - Sơn và của các cô gái đã xuất cảnh cùng với Trinh, họ đều nhận ra đây chính là cặp vợ chồng đã lừa bán họ và tất cả các cô gái kia cũng đều phải sang Ma Cao làm mại dâm như họ.

Cơ quan nghiệp vụ xuất nhập cảnh của nước ta cũng như nước bạn đã xác nhận Trinh đã 14 lần nhập cảnh vào Trung Quốc và Ma Cao cùng với nhiều cô gái. Cảnh sát Ma Cao cũng đã tiến hành ghi hàng chục lời khai của các nạn nhân trong đường dây mua bán phụ nữ của vợ chồng Trinh - Sơn hiện đang ở Ma Cao. Vừa qua một đoàn công tác của Công an Hà Nội đã sang Ma Cao trao đổi thông tin và tiếp nhận hồ sơ vụ việc với cơ quan cảnh sát ở đây. Vợ chồng Sơn - Trinh ngay sau khi biết tin 3 cô gái trong đường dây của chúng trốn thoát về Việt Nam đã bỏ trốn nhưng cuối cùng chúng đã bị các trinh sát hình sự bắt giữ tại TP HCM.

Trao trả lại tài sản đã bị mất cắp cho một người nước ngoài

Chiều ngày 19/5/2005, tại trụ sở Phòng CSHS Hà Nội, bà Laura Baroffio quốc tịch Italia tạm trú tại Đại sứ quán Italia số 9 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội rất vui mừng khi nhận lại được toàn bộ tài sản mà bà đã bị mất cắp tại Hà Nội gồm 1.850 USD, 2.397.000 đồng, một thẻ hội viên Metro. Số tài sản này bà Laura Baroffio đựng trong một chiếc xắc và đã bị mất khi đến đặt bàn ăn tại nhà hàng số 3 Nguyễn Khắc Cần, Hà Nội.

Sau khi nhận được trình báo của bà Laura, CSHS Hà Nội đã tập trung rà soát truy tìm và đã bắt giữ được thủ phạm trộm cắp tài sản của bà Laura. Đó là Luyện Hoàng Kim, 25 tuổi, trú tại ngõ 395 Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Nhận lại tài sản bị mất, bà Laura bày tỏ sự cảm ơn tới Lực lượng Công an Việt Nam nói chung và CSHS Công Hà Nội nói riêng và đề nghị xử lý nghiêm kẻ phạm tội trước pháp luật

Đặng Huyền
.
.
.