Chuẩn bị xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:08
Ngày 5-2, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định đưa ra xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vào ngày 5-3 tới. Hội đồng xét xử gồm 3 người, do thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm Chủ tọa.

9 bị cáo trong vụ án này gồm: Hoàng Thế Trung (58 tuổi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Nguyễn Văn Khải (57 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội), Trương Trần Hiển (61 tuổi, nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội);

Trần Cao Bằng (64 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Vũ Thanh Hải (58 tuổi, nguyên Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex), Đỗ Đình Trì (50 tuổi, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội), Nguyễn Biên Hùng (68 tuổi, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội);

Hoàng Quốc Thống (63 tuổi, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội), Bùi Minh Quân (46 tuổi, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 229, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO sử dụng vốn tự có, vốn huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay của các tổ chức tín dụng, được xây dựng từ năm 2004 đến tháng 4-2009 được nghiệm thu đưa vào sử dụng, cho đến nay đã đóng góp một lượng lớn công suất cấp nước cho Thủ đô Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho các nhà máy nước ngầm, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô. 

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ống liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước. Từ ngày 4-2-2012 đến ngày 2-10-2016, trong 56 tháng vận hành khai thác, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ ống với số lượng 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, doanh nghiệp khai thác đã phải chi phí 16.618.883.494 đồng để khắc phục. 

Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904m³, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội, được dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận: Tài liệu điều tra đến nay chưa có căn cứ để xác định hành vi đề xuất, quyết định thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh và giao cho Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích, Nguyễn Đức Lưu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Hành vi của những người này không đồng phạm với các bị can đã khởi tố, nên không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Vì vậy, ngày 14-12-2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích và Nguyễn Đức Lưu.

PV
.
.
.