Chặt đứt những đường dây lừa đảo tiền thuế ở TP HCM

Thứ Ba, 22/07/2008, 16:12
Một nhóm tội phạm lừa đảo hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) gồm Công ty CP Nam Việt (Navico), Công ty TNHH SX-TM Tuấn Thành và một số cá nhân khác được cơ quan Thuế phát hiện. Sau đó, các cơ quan thực thi pháp luật đã nhanh chóng vào cuộc.

Tại phiên xử phúc thẩm ở TP HCM trong tháng 7 vừa qua, Toà tuyên y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo đầu vụ: Đặng Văn Lĩnh, Phạm Đại Tự và Nguyễn Văn Dũng với tổng mức hình phạt 17 năm tù giam, 3 năm tù cho hưởng án treo…  Và tại TP HCM, có nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt số lượng lớn tiền thuế của Nhà nước.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng phòng Pháp chế Cục Thuế TP HCM cho rằng: Thủ đoạn của bọn tội phạm về thuế ngày càng liều lĩnh và cũng hết sức tinh vi….

Bóc gỡ những hành vi lừa đảo

Giữa năm 2001, Navico nộp 2 hồ sơ xin hoàn thuế với tổng số tiền hơn 760 triệu đồng và đã được Cục Thuế TP HCM giải quyết hoàn thuế theo luật định. Tuy nhiên, trong quá trình hậu kiểm, cơ quan Thuế phát hiện Navico có dấu hiệu sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an và cáo trạng của Viện KSND TP HCM, các bị cáo Đặng Văn Lĩnh (Giám đốc Công ty Tuấn Thành, cư trú tại 13 Lò Siêu, phường 16, quận 11, TP HCM) và Phạm Đại Tự (Giám đốc Navico, cư trú tại 107/8B Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM) phối hợp với một số đối tượng khác để lập hợp đồng bán hàng, bill tàu, packing list… đồng thời sử dụng các bộ hồ sơ đã xuất hàng may mặc đi Nga, Ba Lan của một số doanh nghiệp khác nhằm hợp thức hóa hồ sơ cho mình và sau đó Navico xuất hóa đơn bán hàng theo hợp đồng ngoại để làm hồ sơ đầu ra.

Các hợp đồng sau khi hoàn thành, Navico có trách nhiệm lập hồ sơ hoàn thuế tại Cục Thuế TP HCM, số tiền nhận được sẽ chia theo tỷ lệ 4/6 (Navico được hưởng 40% và Công ty Tuấn Thành được 60%).

Để hoàn tất các bộ hồ sơ xuất khẩu giả này, Tự và Lĩnh đã nhờ Nguyễn Văn Dũng (ngụ tại 38/2A khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) đứng tên giả mạo 2 công ty nước ngoài ký các hợp đồng ngoại thương, mở tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng.

Tiếp theo, Lĩnh đưa tiền cho Dũng nhập vào tài khoản ngân hàng, rồi sau mỗi hợp đồng thực hiện xong, Dũng lại làm thủ tục chuyển tiền "thanh toán tiền mua hàng" cho Navico. Thực hiện các thỏa thuận trên, trong năm 2001, Tự, Lĩnh và Dũng đã tạo dựng ra 4 hợp đồng "ma" xuất hàng sang Nga và Ba Lan với tổng giá trị kim ngạch gần 8 tỷ đồng.

Với các thủ đoạn tinh vi kể trên, Navico đã xin hoàn thuế trót lọt với số tiền rút ruột ngân sách Nhà nước hơn 766 triệu đồng để chia nhau.

Nguyễn Đức Phúc và nhiều giấy tờ hóa đơn khống để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước đã bị cơ quan Công an phát hiện (Ảnh: K.N).

Cũng hành vi trốn thuế Nhà nước, Nguyễn Thị Thịnh (31 tuổi) và Phạm Văn Diễn (34 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) sử dụng tên giả để lập Công ty TNHH Tân Hải Phát (trụ sở trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM) với mục đích mua bán hóa đơn GTGT, ghi khống nội dung bán hàng trên 287 tờ hóa đơn GTGT với tổng trị giá hơn 65,9 tỷ đồng (thuế GTGT hơn 4 tỷ đồng) xuất bán cho nhiều đơn vị cá nhân.

Để hợp thức hóa đầu vào cho các hóa đơn xuất khống, Công ty TNHH Tân Hải Phát đã sử dụng 158 hóa đơn GTGT của 22 công ty, ghi xuất bán hàng cho Công ty TNHH Tân Hải Phát với tổng doanh số mua vào hơn 65 tỷ đồng.

Nhưng thực tế, các hóa đơn hợp thức hóa đầu vào hoàn toàn không có hàng hóa. Nguyễn Thị Thịnh và Phạm Văn Diễn cũng đã ký lập hàng loạt hồ sơ báo cáo thuế giả tạo nhằm hợp thức hóa hành vi sai phạm của mình.

Ngoài ra, Diễn và Thịnh cũng cung cấp cho Huỳnh Đức Huy (33 tuổi, ngụ quận 10), Giám đốc và Võ Hữu Phương (47 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), kế toán trưởng Công ty TM-SX may mặc Nguyễn Hữu Hoàng 12 hóa đơn khống để hợp thức hóa hàng mua trôi nổi nhằm đưa vào kê khai khấu trừ thuế, trốn thuế hơn 733 triệu đồng. Đồng thời, giúp DNTN Ngọc Thảo do Trần Thị Thu Huyền (35 tuổi, ngụ quận 3) làm Trưởng Chi nhánh, sử dụng 46 tờ hóa đơn GTGT ghi khống có trị giá hơn 12 tỷ đồng để kê khai trốn thuế gần 922 triệu đồng…

Lời cảnh báo…

Có thể nói, trong gần chục năm qua kể từ khi Luật thuế GTGT có hiệu lực thi hành, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật và liều lĩnh lập ra các đường dây lừa đảo hoàn thuế để chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt trong mấy năm gần đây, hàng loạt vụ việc đã được phanh phui, rất nhiều giám đốc các công ty "ma"… đã vào tù, chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật cũng chỉ vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Và mới đây, bản án đã tuyên đối với các bị cáo Tự, Lĩnh và Dũng là bài học không mới nhưng lại là lời cảnh tỉnh, có ý nghĩa răn đe đối với các doanh nghiệp - doanh nhân cố ý làm ăn bất chính.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng phòng Pháp chế Cục Thuế TP HCM cho rằng: Thủ đoạn của bọn tội phạm về thuế ngày càng liều lĩnh và hết sức tinh vi. Đơn cử như trường hợp hai bị cáo Phạm Đại Tự và Đặng Văn Lĩnh đã dùng rất nhiều thủ đoạn nên khiến cơ quan thuế phải mất gần một năm mới nhận diện được dấu hiệu vi phạm, và sau đó cơ quan điều tra cũng phải mất thêm gần 3 năm mới có kết luận điều tra về hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan vụ án.

Với những trường hợp này, nếu cơ quan thuế được trang bị thêm kiến thức về điều tra, được giao thêm thẩm quyền điều tra, khởi tố các hành vi phạm tội liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế thì khả năng đấu tranh chống các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT sẽ thuận lợi hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn

K.Ngân
.
.
.