Cảnh giác thủ đoạn dùng sổ đỏ thế chấp để lừa bán nhà người khác
Quá trình xét xử các vụ án này, Tòa án chỉ truy cứu hành vi lừa đảo của bị cáo chứ không xem xét đến giao dịch của người mua, người nhận thế chấp tài sản vì Tòa cho rằng, đây là giao dịch dân sự nên người mua, người nhận thế chấp làm đơn khởi kiện gửi Tòa dân sự để được giải quyết quyền lợi trong một vụ án khác. Vậy là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan tiếp tục mỏi mòn đi đòi quyền lợi của mình.
1. Ông Phạm Ngọc Khải, ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội hỏi vay Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bông lúa vàng và Đầu tư tài chính số tiền 250 triệu đồng. Hồng ra điều kiện, ông Khải phải đưa sổ đỏ và ký hợp đồng ủy quyền cho Hồng sử dụng thửa đất của gia đình ông. Sau khi ký hợp đồng ủy quyền và bàn giao sổ đỏ, ông Khải được Hồng đưa trước 30 triệu đồng kèm theo lời hẹn, đợi ngân hàng giải ngân sẽ cho vay tiếp. Chờ lâu không thấy Hồng đưa tiếp tiền nên ông Khải yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền và đòi lại sổ đỏ. Lúc ấy, Hồng lại cho ông Khải vay thêm 30 triệu đồng và tìm cách thuyết phục ông chờ thêm ít ngày. Sau đó Hồng sử dụng sổ đỏ và giấy ủy quyền của ông để bán thửa đất của ông cho chị Ngô Thị Thu Hương, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội với số tiền 1,6 tỷ đồng. Chỉ đến khi chị Hương đến đòi nhà thì ông Khải mới biết đã bị Hồng lừa đảo. Hiện tại, ông Khải vẫn đang ở và quản lý nhà đất của mình. Nhưng sổ đỏ của ông thì chị Hương lại giữ. Dù cơ quan điều tra đã yêu cầu chị Hương bàn giao sổ đỏ để phục vụ công tác điều tra, nhưng chị Hương chưa đưa với lý do, bao giờ Hồng trả chị số tiền 1,6 tỷ đồng chị mới trả sổ đỏ. HĐXX tuyên phạt Hồng 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho chị Hương. Nhưng liên quan đến việc chị Hương đang giữ sổ đỏ của ông Khải thì lại không được HĐXX xem xét trong vụ án này.
Lan và Hồng đã dùng thủ đoạn để lừa đảo nhiều người. |
2. Anh Nguyễn Văn Hảo, trú tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội mang sổ đỏ của gia đình đến Công ty TNHH Một thành viên Bông lúa vàng và Đầu tư tài chính hỏi vay Giám đốc Nguyễn Thị Bích Hồng số tiền 500 triệu đồng. Trước khi đưa một phần số tiền trên, Hồng yêu cầu anh Hảo giao sổ đỏ và viết giấy ủy quyền cho Hồng được toàn quyền sử dụng thửa đất của gia đình anh. Một thời gian chờ đợi không thấy Hồng cho vay như thỏa thuận, anh Hảo yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền thì Hồng tìm cách kéo dài thời gian. Sau đó, Hồng gặp anh Trần Đức Tuấn, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi vay 1,7 tỷ đồng. Tài sản Hồng thế chấp cho anh Tuấn chính là sổ đỏ và giấy ủy quyền mà anh Hảo thế chấp cho Hồng. Nhận sổ đỏ và giấy ủy quyền từ Hồng, anh Tuấn yêu cầu Hồng viết giấy ủy quyền cho anh được sử dụng sổ đỏ này. Sau đó, anh Tuấn đã sang tên sổ đỏ từ anh Hảo sang tên mình và đem thế chấp cho anh Đỗ Văn Cải, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội để vay số tiền 2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra yêu cầu anh Cải giao nộp sổ đỏ để phục vụ công tác điều tra, nhưng anh Cải không nộp với ý do để anh và anh Tuấn được giải quyết theo quan hệ dân sự. Quá trình xét xử vụ án này, HĐXX chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của Hồng chứ không xem xét đến các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản của những người liên quan. HĐXX xác định, việc thế chấp, chuyển nhượng là quan hệ dân sự nên những người liên quan đến vụ án này làm đơn khởi kiện ra tòa dân sự trong một vụ án khác.
3. Cao Thị Lan, 37 tuổi, trú tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội hỏi mượn người quen là ông Cao Hòa Bình, ở huyện Đan Phượng sổ đỏ thửa đất 495m2 mang tên ông. Từ sổ đỏ này, Lan hỏi vay anh Giáp Minh Mậu, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội 430 triệu đồng. Sau đó, Lan làm giả hồ sơ “qua mặt” cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên sổ đỏ từ ông Bình cho anh Mậu. Nhận sổ đỏ từ Lan, anh Mậu đã đem thế chấp tại một ngân hàng thương mại cổ phần để vay tiền. Cũng với thủ đoạn trên, Lan còn lừa một số người khác để chiếm đoạt số tiền lớn. HĐXX đã tuyên phạt Lan 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng đối với những sổ đỏ đã được chuyển nhượng bất hợp pháp, HĐXX chỉ phán quyết chung chung là “đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại sổ đỏ để làm lại thủ tục cấp mới cho các bị hại”. Trong khi đó, “cơ quan có thẩm quyền” là những cơ quan nào thì lại không có mặt ở phiên xử này.
Trong các vụ án trên cho thấy, việc phát hiện tội phạm thông thường là khi các giao dịch đã hoàn thành nên người bị hại rơi vào... thế đã rồi. Ngay cả vụ án đang trong quá trình điều tra, người mua nhà của kẻ lừa đảo cũng không chịu giao nộp sổ đỏ để phục vụ quá trình điều tra. Sau khi định tội bị cáo, Tòa án cũng chỉ truy cứu bị cáo về trách nhiệm hình sự. Còn về trách nhiệm dân sự và quyền lợi của những người liên quan đến việc mua - bán không được HĐXX xem xét trong vụ án này. Theo luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi tiến hành các giao dịch vay mượn tiền phải sử dụng tài sản thế chấp nhà đất, sổ đỏ, các bên liên quan cần hết sức thận trọng. Nếu lập hợp ủy quyền cho người nhận thế chấp được quyền sử dụng nhà đất, sổ đỏ chỉ để làm tin cho giao dịch vay mượn thì đây là giao dịch giả tạo. Và theo quy định của pháp luật dân sự thì hợp đồng giả tạo là vô hiệu. Vì thế, việc thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng tiếp theo liên quan đến nhà đất, sổ đỏ đó cũng sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, để tòa án phán quyết một hợp đồng vô hiệu phải chờ đợi thời gian rất dài, đó là chưa kể những rủi ro khác. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, người có nhu cầu vay tiền trong trường hợp buộc phải có tài sản thế chấp cần phải tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng để tránh các rủi ro