Cần xiết chặt dịch vụ đòi nợ thuê

Thứ Ba, 28/08/2018, 07:00
Làm thế nào để đòi nợ đúng pháp luật? Dĩ nhiên, nếu là quan hệ dân sự thì cần khởi kiện ra tòa án. Nhưng ngay cả khi có đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện thì theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ thu nợ qua cơ quan thi hành án chỉ khoảng 50%; chính vì thế, nhiều chủ nợ tìm đến loại hình dịch vụ đòi nợ thuê.


Những hình thức vay mượn không cần thế chấp hoặc các thủ tục ràng buộc chặt chẽ như khi đi vay tại các tổ chức tín dụng, dẫn đến, khi người vay không trả nợ thì chủ nợ cũng rất khó có thể khởi kiện ra tòa án; ngay cả, khi có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện thì việc thu hồi nợ cũng kéo dài... 

Chính vì vậy, người dân thường nhờ các đối tượng có "máu mặt" để đòi nợ, hoặc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê. Đây là nguyên nhân dẫn tới dịch vụ đòi nợ thuê phát triển mạnh.

Để đòi được nợ, một đối tượng đòi nợ thuê đã sử dụng những chiêu trò như: khủng bố tinh thần qua điện thoại, đến nhà "con nợ" chửi bới, đe dọa; ném chất bẩn, bôi bẩn, rải truyền đơn, thậm chí là bắt giữ người nợ tiền trái pháp luật để gây sức ép.

Đã có một số vụ việc phát sinh từ quan hệ đòi nợ trở thành những vụ án hình sự, không ít vụ dẫn tới trọng án; như vụ chị L, trú ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội bị một số đối tượng dùng xăng đựng trong túi nilon ném vào nhà gây cháy để tạo sức ép.

Nhóm đối tượng đòi nợ bằng "bom xăng". Ảnh: CTV

Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã xác định được thủ phạm là Tống Hoàng Linh cùng 3 đồng phạm. Trước đó, chị L có vay của bà Nguyễn, ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội gần 300 triệu đồng chưa trả. Tống Hoàng Linh đi cùng bà Nguyễn đến nhà chị L để ép chị này viết giấy nợ và giấy bán xe ôtô nhưng không được nên đã gây ra vụ ném xăng gây cháy nêu trên.

Trong một diễn biến khác, Công an quận 7, TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ hình sự để điều tra đối với Ngô Văn Phúc, là đối tượng quê ở TP Hải Phòng cầm đầu băng nhóm đòi nợ thuê và hoạt động tín dụng đen, bắt giữ, đánh đập người khác để đòi nợ. Phúc là người được bà M, trú tại phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh nhờ đòi nợ anh Đ, cùng trú tại quận 7, 900 triệu đồng, theo hình thức chia đòi khoản tiền này nếu đòi được. Phúc cùng các đối tượng khác đã đánh và bắt giữ anh Đ để ép trả nợ...

Trước diễn biến phức tạp của loại hình dịch vụ đòi nợ thuê, mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Theo đó, đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ này.

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định đề xuất người đi đòi nợ thuê phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khi làm việc với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, dự thảo cũng qui định tiêu chuẩn của người hoạt động trong dịch vụ đòi nợ là phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 6 tháng trở lên; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên...

Theo chúng tôi,  dù loại hình dịch vụ này do Bộ nào quản lý, thì nguyên tắc cơ bản là tất cả các cơ sở kinh doanh và mỗi cá nhân đều phải tuân thủ các qui định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh, không bao che, bảo kê cho các đối tượng "núp danh" dịch vụ hợp pháp để hoạt động phi pháp.

Trở lại loại hình dịch vụ này, cũng đã có những qui định pháp luật và cả những biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an để tăng cường quản lý. Song, theo chúng tôi, đây là loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy, chúng ta cần có thêm những qui định chặt chẽ để hạn chế sự phát triển của loại hình này, bởi trên thực tế, nếu không sử dụng các "chiêu trò" trái pháp luật, mà đòi nợ một cách đàng hoàng, thì dù thuê dịch vụ hay tự chủ nợ đi đòi lấy, gặp phải những "con nợ" chây ỳ cũng rất khó thu hồi nợ.

Còn nếu sử dụng dịch vụ đòi nợ, để dịch vụ này thực hiện ủy quyền của chủ nợ khởi kiện ra tòa thì đã có  các văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại,  tư vấn, hoặc thay mặt thân chủ khởi kiện trước tòa án hoặc tố giác tội phạm trước cơ quan Công an (nếu có dấu hiệu hình sự). Các văn phòng luật sư, thừa phát lại là những người am hiểu về pháp luật, có chứng chỉ hành nghề nên sẽ hạn chế được các hình thức đòi nợ trái qui định của pháp luật.

Trong trường hợp để dịch vụ đòi nợ được phát triển bình đẳng như các ngành nghề khác thì người hành nghề cũng cần có kiến thức về pháp luật và phải có chứng chỉ hành nghề như qui định đối với các văn phòng luật và thừa phát lại?

Đào Minh Khoa
.
.
.