Cái giá của một lần nhúng chàm

Thứ Hai, 09/01/2006, 14:23

Nhiều người không ý thức được việc mình "chuyển giúp" ma tuý cho người nhà là có tội, có kẻ thì nhắm mắt làm liều. Họ sẽ phải trả giá cho dù sau đó có thể không bao giờ tái phạm, thậm chí có người phấn đấu đến một vị trí công tác nào đó. Câu chuyện về anh em Giám đốc Nhà văn hóa thể thao Quản Bạ (Hà Giang) là một ví dụ.

Sau nhiều tháng vất vả và kiên trì đấu tranh, các điều tra viên của Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) đang chuẩn bị cho đoạn kết của chuyên án Trần Hữu Thủy cùng đồng bọn chiếm đoạt, buôn bán vũ khí, ma tuý xảy ra chủ yếu tại địa bàn Hà Giang. Trong số 54 bị can đã bị khởi tố bắt giam, có trường hợp của anh em đối tượng Phùng Triệu Hải, Giám đốc Nhà văn hóa - thể thao huyện Quản Bạ (Hà Giang).

Khi tay đã nhúng chàm

Đó là vào thời điểm cuối năm 1992, khi Phùng Thị Hà (sinh năm 1966) còn làm ở Sở Tài chính tỉnh Hà Giang. Một buổi chiều, Lê Thị Sổi, đồng bọn buôn bán ma tuý với anh trai Hà là Phùng Văn Minh nhắn cô đến nhà có việc. Khi Hà đến, Sổi bảo: "Cô có mấy cân thuốc phiện, cháu xem có cách nào gửi lên cho anh Minh giúp cô?". Hà nhận lời, mang 9,5kg thuốc phiện về nhà, chờ tối hôm sau có anh trai lớn là Phùng Triệu Hải, lúc đó đang là giáo viên trường Yên Minh đến chơi để nhờ chuyển cho Minh. Hà không nhận được một khoản thù lao nào, trong nhận thức của cô gái trẻ lúc ấy cũng không hề biết rằng, mình đang phạm một tội rất nghiêm trọng. Về phía Hải cũng vậy, anh ta mang số thuốc phiện trên đến nhà trọ để chuẩn bị cho chuyến xe khách hôm sau đi Quản Bạ, Yên Minh. Khi giở gói hàng ra, Hải thấy có nhiều cục thuốc phiện. Nghĩ đến cuộc sống giáo viên nghèo túng của gia đình, Hải đã nhắm mắt làm liều, lấy 7 cục cân nặng 4,2 kg đem giấu riêng, gói số còn lại hôm sau gửi một lái xe lên cho em trai. Một thời gian sau, Hải bán số thuốc phiện nói trên cho Lý Hội Sèo, một đối tượng buôn ma tuý dưới vỏ bọc bán vải vóc từ dưới thị xã lên các huyện miền núi. Nhưng Hải bị bà Sèo quỵt tiền, mấy lần anh ta chặn xe của bà ta mới đòi được 1.700 NDT...

Rồi thời gian trôi qua, Phùng Thị Hà dường như đã quên bẵng chuyến hàng thuốc phiện cô chuyển giúp cho anh trai. Còn Hải, sau này khi chuyển sang công tác ở Nhà văn hoá thể thao huyện Quản Bạ, rồi làm Giám đốc ở đây, được học và hiểu biết nên đã biết cái giá phải trả cho hành vi buôn bán ma tuý. Dù hơn 10 năm đã trôi qua, nhưng Hải vẫn bị ám ảnh tội lỗi.

Giữa năm 2005, khi một loạt các đối tượng trong đường dây buôn bán ma tuý có sự tham gia của đứa em trai do tên Trần Hữu Thủy cầm đầu lần lượt bị bắt giữ, Hải đã linh cảm sẽ đến lượt mình tra tay vào còng. Cho đến ngày 31/8/2005, khi thấy các chiến sỹ Công an tỉnh Tuyên Quang xuất hiện, ông Giám đốc Nhà văn hóa - thể thao Quản Bạ lúc ấy mới thật sự bàng hoàng, suy sụp. Anh ta không có bất cứ sự phản kháng nào, xin nhận tội và khai báo hết sức thành khẩn. Hải nói, anh ta chỉ thương vợ con, đặc biệt là thương cô em gái Phùng Thị Hà, bị bắt cùng ngày với mình. Số phận đã không may mắn với Hà, đến tuổi gần 40 mà vẫn đơn chiếc đi về một mình. Khi bị bắt, Hà khóc, Hải cũng đắng lòng, xót xa....

Quá khứ tội lỗi không bao giờ ngủ yên

Không chỉ có trường hợp của anh em Hải, nhiều người không ý thức được việc mình "chuyển giúp" ma tuý cho người nhà là có tội, có kẻ thì nhắm mắt làm liều. Sau đó, có thể họ không bao giờ tái phạm, thậm chí họ đã cố gắng làm nghề lương thiện, có người phấn đấu đến một vị trí công tác nào đó. Nhưng, đúng như một đồng chí lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã nói: Dù chỉ dính vào tội phạm ma tuý một lần thì cũng không thể thoát được vòng xoáy nghiệt ngã của nó. Bởi sau khi anh ta dừng lại, đường dây và những đối tượng khác vẫn hoạt động. Và có thể vài năm, thậm chí hàng chục năm sau, khi cơ quan Công an triệt phá đường dây này, anh ta vẫn bị các đối tượng khai ra và dính vòng lao lý.

Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn nhớ đến một đối tượng bị bắt trong phần 3 của vụ án Nguyễn Văn Tám và đồng bọn buôn bán ma tuý, đó là Lương Văn Tiến, tức Nghĩa (sinh năm 1960), ở phường Sông Hiến, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên năm 1998, Tiến nhận lời tìm hộ người mua ma tuý cho Nguyễn Văn Quyết. Nhưng sau đó, khi cùng một đối tượng tên Chinh mang thuốc phiện lên Cao Bằng tiêu thụ, vì thuốc phiện có chất lượng không tốt nên Chinh mang thuốc phiện về Nam Định trả cho Quyết, còn Tiến cặm cụi trở lại với nghề đóng quan tài thuê. Ngày 2/11/2001, khi lực lượng Công an lên Cao Bằng đọc lệnh bắt giữ, Tiến cứ khóc tu tu, mọi người phải đỡ, anh ta mới run rẩy đứng lên được khỏi chiếc quan tài đang đóng dở dang.

Hay trong vụ Ngô Đức Minh và đồng bọn mua bán ma tuý xử phúc thẩm mới đây, bị can Vũ Hoàng Oanh, chị gái Vũ Hoàng Dung, tức "Dung Hà", cũng rơi vào tình huống "vì cây dây leo" tương tự. Từ những năm 1993-1994, Oanh đã bị "Dung Hà" lôi kéo, làm khâu trung gian 2 lần thuê người chuyển tiền và hàng là 50kg cần sa và 3 bánh hêrôin cho em gái và Ngô Đức Minh. Gần 10 năm sau, vào ngày 11/7/2002, khi đường dây này bị triệt phá, Vũ Hoàng Oanh đã bị bắt khi đang là giám đốc một công ty tư nhân khá phát đạt.

Thượng tá Phạm Văn Chình, Trưởng phòng 6 - Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, theo quy định của pháp luật, những tội đặc biệt nghiêm trọng như mua bán ma tuý thì hành vi phạm tội của các đối tượng sau 10-20 năm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghĩa là nếu ai dính vào tội phạm ma túy, dù chỉ một lần thì bất kể ở vị trí công tác nào, trước sau cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng pháp luật. Hãy nghĩ đến cái giá phải trả trước khi định làm việc gì

T.Hoà
.
.
.