Cách ly Phan Văn Anh Vũ, xét hỏi ông Trần Phương Bình

Thứ Tư, 28/11/2018, 17:01
Chiều 28-11, phiên toà xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt DAB) mới bắt đầu đi vào xét hỏi.

Trước đó, vào cuối buổi sáng cùng ngày, sau khi VKS công bố xong cáo trạng, HĐXX ra quyết định cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) và Nguyễn Thị Ái Lan (45 tuổi, nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ thuộc khối kinh doanh nguồn vốn DAB) vào buổi chiều để xét hỏi các bị cáo khác. 

Mở đầu phần xét hỏi, HĐXX đã thẩm vấn ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ), phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DAB). 

Trình bày với HĐXX, ông Bình nói nghe rõ cáo trạng và thừa nhận nội dung cáo trạng nêu hành vi vi pháp luật đối với ông là đúng. Ngoài 21 hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn...” và  6 hành vi “cố ý làm trái...” mà cáo trạng nêu, ông Bình thừa nhận CQĐT còn tách ra 6 hành vi vi phạm khác và đang trong giai đoạn điều tra. 

Ông Bình khai, trước khi về DAB là giáo viên trường trung cấp tài chính từ 1983-1992. Từ 1-7-1992, ông về làm chính thức tại DAB nhưng trước đó đã tham gia đề án thành lập DAB. Về việc cho các thành viên trong gia đình tham gia góp vốn vào ngân hàng, HĐXX hỏi ông Bình như vậy có vi phạm pháp luật hay không? Ông Bình cho rằng, thời điểm đó thì không vi phạm nhưng quy định hiện nay thì không được.

Các bị cáo tại toà 
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ rời toà để cách ly theo yêu cầu của HĐXX 
Bị cáo Trần Phương Bình 

Theo HĐXX, tính từ khi thành lập đến khi vụ án bị khởi tố, DAB đã  thay đổi giấy phép kinh doanh 39 lần, vốn điều lệ tăng lên 5.000 tỷ đồng, vậy ai là người ra quyết định? 

Ông Bình nói, quyết định tăng vốn điều lệ của DAB là do đại hội đồng cổ đông quyết định trên cơ sở phát hành cổ phần cho các cổ đông hiện hữu mua. Trong 39 lần đại hội đồng cổ đông tăng vốn điều lệ thì căn cứ vào khả năng phát triển của ngân hàng, quy định của ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vốn điều lệ của ngân hàng cổ phần (3.000 tỷ)... 

Về nguồn tiền tăng vốn điều lệ, theo quy định các cổ đông không được vay tiền từ ngân hàng nâng vốn điều lệ. Người muốn tham gia mua cổ phần phải có nguồn tiền rõ ràng, không thể vay tiền từ ngân hàng khác... Về các điều kiện này, HĐXX hỏi ông Bình có thực hiện đúng quy định này không thì ông Bình xin được trình bày “hoàn cảnh” phải tăng vốn điều lệ. 

Theo HĐXX, 39 lần tăng vốn điều lệ, cổ phần đều rơi vào gia đình bị cáo và những người thân, tiền tăng vốn là bị cáo chỉ đạo cho các nhân viên lập phiếu thu chi khống nhưng thực tế không nộp tiền vào ngân hàng. 

Chủ toạ hỏi tiếp ông Bình hiện số tiền lạm dụng chiếm đoạt của DAB trên 2.057 tỷ đồng đã sử dụng vào việc gì? Ông Bình khai, số tiền chiếm đoạt cáo trạng nêu là phù hợp nhưng thực tế số tiền này vẫn còn tồn tại trong DAB vì đây là tiền ông sử dụng mua cổ phần cho ông, vợ ông và những người thân trong gia đình... 

Theo cáo trạng, thành lập năm 1992, sau 39 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hiện tại DAB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24% cổ phần, nhóm PNJ chiếm 7,7%, nhóm công ty Bắc Nam 79 chiếm 12,73%, Văn phòng thành uỷ TP Hồ Chí Minh chiếm 12,79% cổ phần. Từ năm 2007-2014, để có tiền mua cổ phần DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (60 tuổi, nguyên Phó TGĐ, thành viên HĐQT DAB) và các bị cáo khác thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên ông và người thân mua cổ phần DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, Bình chỉ đạo Xuyến và các bị can thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách: xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần.

Từ ngày 30/5/2007 đến ngày 25/12/2007, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở, kiêm Thủ quỹ) lập 8 Bảng kê kiêm phiếu thu thu khống tổng số 374 tỷ đồng để Bình mua tổng số 5.397.400 cổ phần DAB đứng tên Bình và người thân. Cuối năm 2007, Bình chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với Phòng Kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng bù âm quỹ 374 tỷ đồng nêu trên. Đến nay, Trần Phương Bình vẫn đang sở hữu số cổ phần này.

Trong năm 2008, để có tiền mua lại 5.750.000 cổ phần DAB của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Lộc Việt, Bình chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và DAB Sở giao dịch lập chứng từ thu khống 203,8 tỷ đồng để trả cho khoản vay của Công ty Ninh Thịnh và Công ty Sao Việt Nam, thu khống 30,2 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Hồng Ánh, từ đó chiếm đoạt 234 tỷ đồng của DAB. 

Từ ngày 05/01/2009 đến ngày 24/12/2009, để có tiền mua 7.444.309 cổ phần DAB đứng tên mình và những người trong gia đình, ông Bình chỉ đạo Đỗ Thành Trung, Trần Thế Hùng,  Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Đức Vinh lập hàng loạt chứng từ thu khống dẫn đến âm quỹ Hội sở 74 tỷ đồng... Với thủ đoạn nêu trên, để nắm giữ 10,24% cổ phần tại DAB, ông Bình đã chiếm đoạt của DAB số tiền trên. 

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.