"Điểm mặt" và cách phòng 4 kiểu lừa đảo trực tuyến thời COVID-19

Thứ Bảy, 18/04/2020, 08:51
Trong dịp cả nước đang giãn cách xã hội, người dân chủ yếu ở nhà nhiều, các nhóm đối tượng lừa đảo lại tăng cường hoạt động lừa đảo trực tuyến qua facebook, zalo, email hoặc bằng cách gọi điện thoại VOIP. Khi khoa học công nghệ thông tin phát triển, một số cá nhân, tổ chức vẫn có “vùng xám” thông tin dễ bị các đối tượng lừa đảo hướng tới.


Qua phân tích, có bốn nhóm lừa đảo có thể phân loại số tiền bị lừa như sau: nhóm 1 từ 50-70 triệu, nhóm 2 bị lừa 500tr đến 1 tỷ, nhóm 3 bị lừa 5 tỷ đến 11 tỷ, nhóm 4 bị lừa 500.000 USD đến hàng triệu USD. Tương ứng với mỗi nhóm lừa đảo sẽ có các loại đối tượng đi kèm và cách thức thủ đoạn riêng biệt.

Nhóm 1: Lừa đảo 50-70 triệu

Chủ yếu là số tiền sẵn có trong tài khoản của cá nhân, nhóm đối tượng lừa đảo thường là người Việt, nhắm đến những người bán hàng trực tuyến không chuyên trên các trang mạng xã hội facebook, zalo. Khi đăng quảng cáo bán một món hàng thường có giá trị một vài triệu đồng. Nhóm đối tượng này thường tương tác với khách hàng và đặt mua hàng với lý do đang sinh sống ở nước ngoài muốn mua hàng làm quà tặng cho người thân trong nước nên chúng sẽ dùng dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Western Union, Money Gram.

Sau khi hỏi được thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng thanh toán, số tiền cần phải thanh toán, chúng báo người bán muốn nhận tiền phải truy cập vào đường dẫn chúng lập sẵn giả mạo trang nhận tiền của ngân hàng có mục nhập mã số nhận tiền cấp cho người bán. Người bán hàng nhập vào mã số thì trang web chuyển sang cửa số mới yêu cầu nhập tên truy cập và mật khẩu ngân hàng để thực hiện bước tiếp theo nhập mã OTP để hoàn thành thủ tục nhận tiền.

Liền trước bước này, nhóm lừa đảo đã có tên truy cập và mật khẩu tạo ra một giao dịch một lệnh chuyển khoản tương ứng nên mã OTP chuyển khoản gửi về số điện thoại của người bán hàng, người bán hàng không nghi ngờ gì nhập mã OTP vào giao diện tiếp theo thì nhóm đối tượng đã có OTP cho chuyển khoản lần 1. Người bán hàng không nhận được tiền, nghĩ mình nhập sai OTP, nhóm lừa đảo đã kịp tạo một giao dịch chuyển khoản mới nếu người bán hàng tiếp tục nhập mã OTP thì bị mất thêm tiền. Vòng lặp tiếp diễn cho đến khi số dư tiền trong tài khoản hết hoặc người bán hàng kịp nhận ra bị lừa đã bị nhóm lừa đảo chuyển tiền trên hai ba lần trở lên.

Một vụ lừa đảo mua hàng trực tuyến, giả trang web ngân hàng.

Do hạn mức chuyển tiền mỗi giao dịch chỉ 50 triệu đồng, số dư tài khoản của người bán cũng ở mức đó nên số tiền nhóm đối tượng chiếm đoạt thường khoản từ 50-70 triệu đồng. Để rửa tiền chúng mua lại tài khoản ngân hàng của người khác, sử dụng CMND, CCCD của người khác dán ảnh của cá nhân mình ra ngân hàng làm các thủ tục mở tài khoản thẻ. Để rút tiền mặt, bọn chúng sẽ thuê lại các đối tượng khác ra ATM rút tiền với số chiết khấu lên 20-30% trên tổng số tiền mà chúng chiếm đoạt được.

Nhóm 2: Lừa đảo từ 500 triệu - 1 tỷ

Nhóm đối tượng lừa đảo chủ yếu là người Nigeria, được chia thành 3 nhóm nhỏ: Một ở Việt Nam để liên hệ với người Việt Nam nhờ mở thẻ Visa, Master thanh toán quốc tế của các ngân hàng trong nước, hỗ trợ gọi điện khi cần thiết chuyển cho nhóm hai ở Campuchia sẵn sàng rút tiền khi thẻ có số dư; nhóm thứ 3 ở tại Thái Lan đóng vai trò chính lập các facebook giả mạo lính Mỹ ở Afghanistan hoặc chiến đấu ở nước ngoài.

Nhóm 3 này sử dụng facebook kết bạn với rất nhiều người khác giới Việt Nam. Chúng nhắn tin trao đổi làm quen kết bạn. Thường tâm sự xa nhà thiếu thốn tình cảm cần có người bạn làm quen. Chúng rất am hiểu tâm lý đối tượng sau một thời gian dài nói chuyện, có khi là hàng năm chúng bắt đầu mở lời tình cảm muốn sang Việt Nam sinh sống.

Quá trình làm việc ở nước ngoài, chúng kiếm được một lượng tiền mặt, vật chất có giá trị khoảng 500.000 USD đến 1 triệu USD nhưng theo quy định quân đội Mỹ không được mang theo tài sản khi về nước chúng muốn gửi sang Việt Nam để sau đấy chúng sẽ sang thăm đối tượng và nhận lại quà. Kịch bản lúc đầu chúng đưa ra rất bình thường, khi nắm được tình cảm đối tượng, việc nhờ giúp đỡ này không gây nghi ngờ. Chúng sẽ gửi hình ảnh gói quà, địa chỉ nhận và ngày gửi cho mục tiêu.

Sau đấy một vài ngày sẽ có người Việt Nam gọi điện cho người nhận bảo là người chuyển phát nhanh có nhận được một bưu phẩm có thông tin của người nhận yêu cầu người nhận xác nhận có phải là món quà của mình hay không, sau khi người nhận xác thực thì báo là bên nhân viên hải quan Việt Nam có yêu cầu đóng phí 10-15 triệu tiền phí Hải quan. Người nhận dễ dàng chuyển tiền đóng phí. Nhưng chúng lại đưa ra các kịch bản tiếp theo trong túi quà có tiền mặt, cần số tiền đóng tiếp theo tăng dần.

Tâm lý của người nhận quà sau khi mất một số tiền nhỏ lúc đầu thì hơi lơ mơ nghi hoặc nhưng rơi vào một trạng thái tâm lý bất ổn rất dễ dẫn dụ. Tâm lý đấy cảm thấy sắp mất tiền nếu không đóng khoản phí khác nên sẽ làm theo các yêu cầu kịch bản các đối tượng đưa ra đến khi thức tỉnh thì số tiền bị lừa lên đến 500-700tr, hết số tiền mặt của mình còn vay mượn của người khác, thậm chí là vay lãi nóng. 

Nhóm đối tượng đóng vai lừa đảo tiếp tục lừa phỉnh nạn nhân tiếp tục đóng phí cố gắng để nhận được quà nếu nhận được chúng sẽ bù trừ chi phí. Nạn nhân sẽ bị sốc tâm lý rất nặng vì mất tiền, bị chồng vợ nghi ngờ tình cảm, sợ bị xã hội phản ánh.

Nhóm 3: Lừa đảo 5-11 tỷ

Nhóm lừa đảo VOIP chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc liên kết một số đối tượng người cùng quốc tịch với mục tiêu. Chúng hoạt động ở nước thứ ba. Để lừa người Việt Nam chúng có thể hoạt động tại Malaysia, để lừa người Đài Loan, Trung Quốc chúng hoạt động tại Việt Nam, chúng lập một hệ thống viễn thông riêng gọi VOIP, bằng các thức nào đấy chúng có được số điện thoại, một số thông tin cá nhân của mục tiêu.

Chúng phân vai là người bưu điện gọi điện hỏi nạn nhân là có bưu phẩm yêu cầu nạn nhân cung cấp số chứng minh nhân dân để chúng kiểm tra xác thực vì sợ có nhiều người cùng tên. Nạn nhân thường là những người dễ tin cung cấp số CMND, CCCD chúng sẽ đưa ra kịch bản là trong bưu phẩm có hàng hóa nghi ngờ nên phải gặp cán bộ điều tra Công an để giải trình và chúng cho nối máy.

Khi gặp người phân vai cán bộ điều tra sẽ bảo hiện đang điều tra liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền lớn. Hiện đã có lệnh bắt của cơ quan điều tra có phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Chúng sẵn sang gửi ảnh chụp quyết định khởi tố bị can cho nạn nhân xem. Nhưng chúng lấy lý do vì vụ án đang điều tra xác minh, yêu cầu nạn nhân phải chứng minh mình không vi phạm bằng cách chuyển tiền vào một tài khoản tạm giữ nếu quá trình điều tra chứng minh không có tội thì sẽ chuyển trả lại cho nạn nhân. Nếu nạn nhân không chứng minh bằng chuyển tiền bảo lãnh thì đối tượng dọa cơ quan Công an điều tra sẽ cho công bố, tống đạt quyết định khởi tố bị can sẽ ảnh hưởng tới uy tính, danh dự của cá nhân, gia đình của người đó.

Kết quả, nạn nhân bị sức ép tâm lý ra ngân hàng mang theo tiền mặt, rút sổ tiết kiệm hoặc số dư để chuyển tiền bảo lãnh vào tài khoản của chúng. Chúng uy hiếp nạn nhân phải giữ im lặng không được báo cho người nhà nạn nhân biết. Để rửa tiền, chúng thường sử dụng tài khoản nhận là của các dịch vụ chuyển tiền ở Việt Nam về Đài Loan, Trung Quốc.

Nhóm 4: Lừa đảo 500.000 đến hàng triệu USD

Nhóm đối tượng chủ yếu là người châu Phi bằng cách nào đấy chúng biết được email trao đổi giữa các đối tác A,B đang trao đổi thông tin giao dịch hợp đồng mua bán hàng hóa. Chúng trung gian ở giữa các cuộc trao đổi bằng cách khi nói chuyện với A chúng là B tự nhận mình là B, khi nói chuyện với B chúng là A tự nhận mình là A cuối cùng, trao đổi giữa A,B thành cuộc trao đổi A,B và A,B.

Để mạo nhận thành công, chúng sửa địa chỉ email của A,B rất tinh vi bằng cách thêm một số ký tự lặp lại hoặc đánh tráo ký tự (ký tự i, j thường sử dụng nhất). Bản chất A,B là cùng 1 nhóm đối tượng nên nắm bắt được hết các thông tin trao đổi qua lại hai bên, đến khi hai bên thống nhất ký kết hợp đồng và chuyển khoản tiền thanh toán.

Nếu A mua hàng hóa của B và B phải thanh toán tiền cho A thay vì chuyển tiền vào tài khoản cho A chúng đã chỉnh sửa số tài khoản nhận tiền. Chúng  không thể nhận tiền vào tài khoản của nhóm mình nên chúng đã chủ động có một bộ phận công ty về xuất nhập khẩu nhận mua hàng hóa của bên thứ ba sử dụng tiền lừa đảo để thanh toán.

Các hình thức lừa đảo ở trên điều được xếp là loại hình lừa đảo xã hội sử dụng không gian mạng tương tác giữa nhóm đối tượng và nạn nhân. Ba nhóm đầu nạn nhân là các cá nhân, nhóm thứ 4 nạn nhân là các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam.

Quá trình phân tích các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng của các nhóm đối tượng rất tinh vi và rất khó khăn trong việc điều tra khám phá các vụ án. Để phân tích các khó khăn vướng mắc trong điều tra cần phải một bài chuyên luận khác.

Quá trình lừa đảo các nhóm đối tượng nắm bắt tâm lý bị hại rất tốt, Thủ đoạn lừa đảo của các nhóm đối tượng sẽ thay đổi theo các kịch bản rất khác nhau. Qua bài viết này, như đã nêu ở trên, số lượng bạn đọc trực tuyến nắm được thông tin thủ đoạn lừa đảo này rất nhiều nhưng vẫn luôn có một “vùng xám” mà báo chí, hệ thống thông tin không phủ đến được, tôi xin phép được gọi là “vùng xám thông tin”.

Để đề ra một giải pháp hiệu quả nhất, cơ quan chức năng cần xem xét, phối hợp Bộ Thông tin truyền thông có bản thông báo ngắn gọn khi người dân nghe, gọi các cuộc điện thoại sẽ có cảnh báo: “Người dân hãy cảnh giác bị lừa đảo khi nghe điện thoại từ số lạ tự nhận là cơ quan thực thi công quyền đang điều tra vụ án, đảm bảo an toàn khi giao dịch trực tuyến trên không gian mạng, không cung cấp mã OTP cho giao dịch mình không thực hiện”. Thời lượng phát cảnh báo trong thời gian nhất định.

Nguyễn Sỹ Quang
.
.
.