Bịt kín kẽ hở pháp luật để hạn chế phát sinh tệ nạn

Chủ Nhật, 22/10/2017, 10:09
Như Báo CAND đã thông tin, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar trên toàn địa bàn thành phố từ nay cho đến tháng 2-1018. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các hoạt động biến tướng làm phát sinh tệ nạn xã hội trong các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ có giải pháp mạnh là kiểm tra và xử lý vi phạm thì mục tiêu chỉ có thể đạt trong giai đoạn nhất định. Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh (cũng như nhiều địa phương khác) cần có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, sổ sung một số quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, chồng chéo mới mong đạt được kết quả như mong muốn.

Loại hình karaoke du nhập vào Việt Nam vào khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước và nhanh chóng trở thành một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên, sau một thời gian các điểm karaoke ào ạt xuất hiện khắp nội, ngoại thành đến mức cung vượt quá cầu. Để cạnh tranh thu kéo khách, không ít người chủ đã lợi dụng biến phòng karaoke thành nơi uống bia ôm, động lắc…

Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, nhiều đô thị lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Xuất phát từ thực tế đó, ngày 25-5-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường. Theo đó, tạm ngưng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước để các cấp, ngành tiến hành rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở hiện có để xây dựng quy hoạch và tăng cường các biện pháp quản lý những loại hình dịch vụ này.

Song song với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh cũng ban hành một số quyết định, chỉ thị về quản lý, tổ chức và hoạt động dịch vụ karaoke, trong có có việc “phê duyệt qui hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá - xã hội “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn xã hội” cho từng quận, huyện. Những tưởng qua bước chấn chỉnh này, karaoke biến tướng sẽ bị bó hẹp lại, nhưng trên thực tế, tệ nạn phát sinh từ karaoke lại tăng lên…

Cụ thể là sau khi bị tạm ngưng cấp phép, thị trường chuyển nhượng giấy phép karaoke trở nên sôi động. Từ đây, phát sinh tình trạng những điểm karaoke gia đình, hoạt động lành mạnh dễ dàng chấp nhận chuyển nhượng giấy phép để “ôm” một khoản tiền lớn. Có giấy phép trong tay, người chủ mới xin thay đổi địa điểm kinh doanh, thế là có một điểm karaoke “ôm” mới toanh đi vào hoạt động.

Khi thị trường chuyển nhượng giấy phép karaoke trở nên bão hòa, những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh xuất hiện ào ạt loại hình “dịch vụ phòng thu âm trên nền nhạc karaoke”.

Hiện trường điểm karaoke lúc bị kiểm tra.

Theo thống kê mới nhất, toàn TP Hồ Chí Minh có 790 cơ sở dạng này. Đây là một kiểu lách luật mới vì loại hình kinh doanh này không bị cấm nên Sở KH&ĐT không thể không cấp phép. Trên thực tế, số lượng cơ sở hoạt động đúng chức năng thu âm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại chủ yếu kinh doanh karaoke.

“Khi chúng tôi đến kiểm tra, trong phòng có gần chục người đang uống bia và hát karaoke. Nhưng người chủ bảo họ hát karaoke là để thu âm và chìa ra giấy phép kinh doanh. Dẫu biết rằng họ lách luật, nhưng mình không đủ cơ sở để xử lý”, một cán bộ của Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết.

Đối với vũ trường, quán bar, địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có hàng chục vũ trường nhưng hầu hết đều nằm trong các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên. Còn quán bar là một hình thức biến tướng của vũ trường, hiện có khoảng 150 cơ sở nhưng phần lớn là hoạt động không có giấy phép. Tức các hộ kinh doanh cá thể hoặc chủ doanh nghiệp xin thành lập nhà hàng, khách sạn có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar thành vũ trường mini.

Để đối phó với cơ quan chức năng, người chủ giao toàn quyền cho quản lý, hết ngày kinh doanh thì đến lấy tiền rồi “lặn” mất tăm không tham gia điều hành. Có chỗ thậm chí quản lý còn không biết người chủ tên thật là gì, nhà cửa ở đâu.

Với chiêu đối phó này, khi bị cơ quan Công an phát hiện, người chủ đã đẩy hết tội trạng cho quản lý, nếu cần thiết thì bỏ luôn cơ sở rồi sang địa bàn khác kinh doanh.

Trong thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp ở TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và phát hiện khá nhiều vũ trường, quán bar vi phạm về hoạt động quá giờ, bán rượu mạnh, ánh sáng không đảm bảo, buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh…

Tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh vì các lỗi vi phạm ấy hoàn toàn không nằm trong các trường hợp bị rút giấy phép theo luật doanh nghiệp. Trong khi đó, việc xử phạt hành chính từ vài triệu đến vài chục triệu đồng chẳng thấm vào đâu so với mức thu nhập mà hoạt động vũ trường, quán bar mang lại. Đây chính là bất cập dẫn đến việc xử lý sai phạm tại vũ trường, quán bar cũng giống như làm cho có.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là chuyện không khó hiểu, nhất là những người làm công tác quản lý. Nhưng sở dĩ các cơ sở vi phạm vẫn còn tồn tại là xuất phát từ hai nguyên nhân, đó là luật còn nhiều kẽ hở, chồng chéo và sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý các tụ điểm karaoke, vũ trường biến tướng.

Mã Hải
.
.
.