Bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận có “công ty con”, “công ty cháu”

Thứ Sáu, 12/03/2021, 17:21
Chiều 12/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ).

Sau phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà buổi sáng với bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo, bị cáo Đinh La Thăng trực tiếp nêu thắc mắc với HĐXX về nội dung “Người buộc tội và người bị buộc tội có được bình đẳng trong việc tranh luận hay không?”. 

HĐXX cho biết, tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát và các bị cáo đều có quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật, được quyền tranh luận và đối đáp tại phiên tòa.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm.

Đối đáp lại những quan điểm của Viện kiểm sát về nội dung chỉ định thầu Dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Thăng cho rằng, đây là chủ trương được Chính phủ cho phép, những chỉ đạo của bị cáo đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nên không có việc “chủ mưu” hay “nhóm lợi ích” ở đây. Theo lý giải của bị cáo Thăng, Viện kiểm sát vẫn cáo buộc bị cáo chỉ đạo Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) như là “công ty con”, “công ty cháu” là không chính xác, bởi thẩm quyền quyết định chỉ định thầu là quyết định của chủ đầu tư. 

“Đại diện Viện kiểm sát nêu đi nêu lại việc Tập đoàn PVN chỉ đạo chỉ định thầu cho PVC hoàn toàn là ý chí chủ quan của người cáo buộc”. bị cáo Thăng nêu. Cũng theo lập luận của bị cáo Thăng, chủ đầu tư đã chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu. Tất cả nghị quyết của Tập đoàn PVN vẫn ghi rõ là, đề nghị các đại diện phần vốn của các đơn vị thành viên xem xét cho PVC tham gia thầu, không có liên danh nhà thầu và chủ đầu tư đã chọn chỉ định thầu cho liên danh.

Bị cáo Thăng không đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát khi nhận định, PVB là “con đẻ” của các công ty “con” của Tập đoàn PVN. Theo bị cáo Thăng, PVB là công ty cổ phần có vốn góp của các công ty con của Tập đoàn PVN chứ PVN không góp vốn, PVN không phải cấp trên của PVB. Tiếp tục đối đáp về năng lực nhà thầu, bị cáo Thăng cho rằng, Tập đoàn PVN chỉ giới thiệu PVC chứ không giới thiệu liên danh nhà thầu. Năng lực của nhà thầu trong liên danh là năng lực tổng hợp của các nhà thầu, không đi ký với từng đơn vị, nhưng phải có sự phối hợp.

Về thiệt hại của vụ án, bị cáo Thăng đề nghị đại diện Viện kiểm sát đối đáp làm rõ, giám định của Bộ Tài chính là lãi suất tiền vay phải trả ngân hàng hay giá trị thiệt hại dự án? Vụ án này có hình sự hóa hay không? Cách tính thiệt hại từ khi dự án dừng cho đến khi khởi tố vụ án nghĩa là càng khởi tố sớm thì thiệt hại càng ít, chậm khởi tố thì thiệt hại còn nhiều hơn thì có thỏa đáng không? Trước đó, khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Thăng nhận biết năng lực của nhà thầu yếu kém nhưng vẫn chỉ đạo cho chỉ định nhà thầu thực hiện dự án…

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Trong phần đối đáp chiều 12/3, nêu điểm của mình trước HĐXX, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết, PVC là doanh nghiệp thì phải có công ăn việc làm. Bị cáo Thanh tái khẳng định, dự án này bị dừng là do thiếu tiền chứ không phải do năng lực của PVC. Về nội dung đại diện Viện kiểm sát nhận định, các đơn vị ở Tập đoàn PVN cấu kết với nhau thành “nhóm lợi ích”, bị cáo Thanh cho rằng “Đây là anh em bảo nhau làm việc thì tại sao lại nói đó là nhóm lợi ích? Và bản thân tôi cũng không có liên kết nào với lãnh đạo Tập đoàn PVN. Tôi đề nghị đại diện Viện kiểm sát làm rõ nhận định này”, bị cáo Thanh đề nghị…

Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 12 năm tù đến 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, hình phạt chung mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị từ 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 10-11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt chung cho cả hai tội danh từ 21-23 năm tù. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt chung cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân…

Nguyễn Hưng
.
.
.