Bắt đối tượng sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả
- Giám đốc công ty lĩnh án tù vì làm giả con dấu, tài liệu
- Tìm chủ sở hữu tài sản liên quan vụ làm giả con dấu
Ngày 17-4, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi tiếp nhận vụ án Nguyễn Anh Đào (tức Dũng, 27 tuổi), trú tại xã Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức từ Công an TP Hà Nội, cơ quan điều tra đã bắt thêm Nguyễn Văn San (32 tuổi), trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, đối tượng trực tiếp sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả.
Cơ quan Công an lấy lời khai của Nguyễn Anh Đào. |
Qua tài liệu của cơ quan điều tra, ngày 29-3, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, tạm giữ đối với Nguyễn Anh Đào về hành vi nêu trên. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Công an TP Vĩnh Yên làm rõ, vào khoảng tháng 10-2015, tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Văn San có quen biết Nguyễn Anh Đào.
Quá trình gặp gỡ nói chuyện, Đào đặt vấn đề với San về việc muốn tìm một người làm văn bằng, chứng chỉ giả để kiếm tiền. Do bản thân có hiểu biết về chỉnh sửa kỹ thuật ảnh, San nhận lời sản xuất “hàng” và thỏa thuận với về giá cả giao dịch từ 500 đến 3 triệu đồng đối với một văn bằng, hoặc chứng chỉ giả.
Nguyễn Văn San và Nguyễn Anh Đào cùng tang vật thu giữ |
Sau khi tìm được “lò” sản xuất “hàng”, Đào nhanh chóng lập trang Web để quảng cáo rao bán văn bằng, chứng chỉ giả trên mạng xã hội, lấy tên giả là Dũng.
Tiếp đó, anh ta chuyển thông tin cá nhân của khách hàng có nhu cầu làm văn bằng, chứng chỉ gửi qua mạng xã hội Zalo cho San để sản xuất các văn bằng, chứng chỉ giả bằng công nghệ in màu trên máy tính; sử dụng công nghệ in lưới, ép plastic để hoàn thành việc sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Sau đó, San liên hệ với Đào để giao “hàng”, nhận tiền công thông qua tài khoản ngân hàng của San có địa chỉ tại thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Mỗi lần nhận hợp đồng với khách hàng, Đào sử dụng mạng xã hội facebook, Zalo chát và ra giá từng loại văn bằng, chứng chỉ giả. Về việc đặt cọc trước 1/3 số tiền đã thỏa thuận, hay nhận tiền trọn gói, giao tài liệu, khách hàng đều giao dịch thông qua gửi tiền qua tài khoản ngân hàng cho Đào hoặc bưu điện, cũng có lúc anh ta trực tiếp đến gặp khách.
Anh Lê Tiến M (31 tuổi), trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một khách hàng của Đào cho biết, vào khoảng tháng 10-2015, thông qua mạng xã hội, anh M nhờ làm 1 bằng đại học giả của trường Đại học Xây dựng hệ vừa học, vừa làm với giá 14 triệu đồng, đặt cọc trước 1/3 số tiền và chuyển thông tin cá nhân cho Đào. Một thời gian sau, Đào liên hệ với anh M và thống nhất việc gửi bằng giả qua đường bưu điện.
Tiếp đó, tháng 2-2016, Đào tiếp tục nhận làm 1 bằng tốt nghiệp trường Trung cấp Y và 1 chứng chỉ chuyển đổi nha khoa giả cho anh Nguyễn M. P (39 tuổi), trú tại huyện Kiến Xương, Thái Bình với giá 18 triệu đồng. Đào gửi toàn bộ hồ sơ của anh P cho San để sản xuất văn bằng, chứng chỉ trên. Khi có “hàng”, Đào liên hệ và hẹn anh P đến bến xe mới Vĩnh Yên thuộc phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên) đến lấy tài liệu và nhận tiền của anh P.
Trong quá trình điều tra, Công an TP Vĩnh Yên đã thu giữ 1 máy tính xách tay, 1 máy in, 1 thẻ ATM cùng nhiều văn bằng, chứng chỉ giả cũng như các tang vật liên quan đến việc sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Theo lời khai của San, từ tháng 10-2015 đến nay, San đã làm giả 9 văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm giả, thu lợi bất chính số tiền là 12,5 triệu đồng.
Cơ quan Công an đã tiến hành trưng cầu giám định đối với một số văn bằng, chứng chỉ do Đào cung cấp cho khách và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã kết luận: “Hình dấu trên tài liệu gửi giám định được làm giả bằng phương pháp in phun màu, sau đó được đối tượng ký giả chữ ký”.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Yên đã ra quyết định khởi tố, tạm giam Nguyễn Anh Đào, Nguyễn Văn San về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tiếp tục đấu tranh đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức này.