Băng trộm container liên tỉnh sa lưới như thế nào?

Thứ Bảy, 18/05/2013, 16:00
Ngày 17/5, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an cho biết đã kết thúc chuyên án trộm cắp tài sản trong xe container trên tuyến giao thông các tỉnh phía Bắc. Đây là ổ nhóm trộm cực kỳ chuyên nghiệp với các thủ đoạn như dùng hồ sơ giả để xin làm lái xe sau đó trộm cả container lẫn hàng hóa; cắt thùng xe để “rút ruột” hàng mà vẫn giữ được nguyên kẹp chì niêm phong...

Chúng “hoành hành” trên các tuyến giao thông như QL1A, QL5, QL10, QL 18 thuộc địa bàn Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn… khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn. Sau nhiều tháng điều tra, cán bộ, chiến sỹ Cục C45 đã làm rõ, bắt giữ 9 đối tượng gây án…

Những “chiêu” trộm tinh vi

Theo tài liệu cán bộ, chiến sỹ Phòng 3, Cục C45 thu thập được thì chỉ trong vòng 8 tháng, tại địa bàn các tỉnh trên đã xảy ra hơn 20 vụ mất tài sản trong xe container, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Tài sản bị mất chủ yếu là giầy, máy in, sắt phế liệu, nhôm thỏi, hạt nhựa, củ sâm, cá, hàng đông lạnh…

Theo đơn trình báo của anh Trần Đình Biên, ở Phương Lưu, Ngô Quyền, Hả Phòng thì anh nhận lái xe Nguyễn Văn Nhàn, 27 tuổi, ở Minh Tân (Hưng Hà, Thái Bình) và phụ xe cho Nhàn là Nguyễn Văn Mạnh vào làm lái xe cho Công ty. Anh giao cho hai đối tượng trên chở hàng cho Chi nhánh Công ty Vinalines Logistic Hải  Phòng đi từ  Hải Phòng đến cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.

Theo quy định, sau 8 tiếng, việc giao nhận sẽ được hoàn tất nhưng hơn 12 tiếng sau, hàng vẫn chưa đến địa điểm giao. Sốt ruột, anh Biên gọi điện nhiều lần nhưng không được. Mãi sau, Nhàn gọi lại nói là xe đang vào cửa khẩu Chi Ma để tránh việc nghi ngờ của anh Biên.

Đến ngày hôm sau, Nhàn lại gọi điện lại báo là xe đang sửa ở thị trấn Lộc Bình, sau đó lại nói vòng vo, không rõ ràng. Cảm thấy có “vấn đề”, anh Biên lên tận Lạng Sơn để tìm nhưng không thấy xe, cũng không liên lạc được với hai đối tượng trên. Đến tận đêm hôm sau, anh Biên bất ngờ, choáng váng khi phát hiện xe container của mình bị vứt chỏng chơ tại cây xăng Đức Hậu, Chí Linh, Hải Dương, lái và phụ xe đã bỏ trốn, hàng hóa và giấy tờ mất toàn bộ, thậm chí cả 22 quả lốp mới cũng đã bị thay thể bằng lốp cũ, rách, hỏng…

Trường hợp của Công ty TNHH Giang Anh, ở  Ngô Quyền, Hải Phòng cũng tương tự như vậy. Vốn kinh doanh vận tải nên Công ty rất cần tuyển lái xe có bằng hạng FC. Chính vì vậy, khi Phạm Ngọc Hiếu ở Xương Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang đến xin làm hợp đồng, Công ty Giang Anh nhận ngay.

Các đối tượng trong vụ án.

Ngày 27/4/2012, Công ty Giang Anh điều động Phạm Ngọc Hiếu điều khiển ôtô đầu kép chở container hàng chân gà đông lạnh từ cảng Hải Phòng đến Lộc Bình, Lạng Sơn giao cho chủ hàng. Đến thời điểm giao hàng thì điện thoại của Hiếu mất liên lạc hoàn toàn. Công ty Giang Anh cử người lên Lạng Sơn tìm kiếm, phát hiện xe container  của mình bị vứt lại tại cây xăng Lộc Bình, niêm phong và niêm chì bị cạy phá, mất 540 kiện hàng trị giá hơn 1 tỷ đồng…

Hành trình lần theo đối tượng

Suốt nhiều tháng, các trinh sát của Phòng 3 đã rong ruổi khắp địa bàn các tỉnh từng xảy ra mất trộm để xác minh, thu thập chứng cứ. Các anh nhận định, các vụ trộm cắp hàng hóa trong container trên đường vận chuyển chắc chắn có sự thông đồng của lái xe, vì thế, các trinh sát phải bám sát các đối tượng lái xe nghi vấn để phát hiện thông tin.

Qua đó, các anh đã phát hiện ra hang ổ của bọn trộm trên thuộc địa phận huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, nhiều lần tổ chức bắt quả tang nhưng chưa được. Chính vì vậy, Ban chuyên án quyết định tập trung củng cố hồ sơ, “lần” theo các đối tượng gây án từ thông tin chúng để lại trong hồ sơ.

Điều khá bất ngờ đối với các trinh sát là tất cả các thông tin lưu lại đều là giả, tại các địa chỉ trong hồ sơ đều không có người thật, hoặc có người thật, tên thật nhưng người đó chỉ ở nhà làm ruộng, chưa từng biết lái xe.

Rà soát hàng trăm đối tượng, cuối cùng các trinh sát đã làm rõ được chân tướng của bọn trộm trắng trợn trên. Cầm đầu trong nhóm chúng là anh em Phạm Ngọc Thiện, 27 tuổi và Phạm Ngọc Hiếu, 26 tuổi, đều trú ở Đông Thịnh, Xương Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang. Điều đáng nói là trong các hồ sơ xin việc, cả hai đối tượng trên đều dùng tên giả, duy có một lần,

Thiện đã lấy hồ sơ của anh trai mình là Phạm Ngọc Hiếu để nộp xin làm lái xe. Ngoài Hiếu và Thiện, lực lượng chức năng còn làm rõ các đối tượng khác là Nguyễn Mạnh Hòa, 27 tuổi, trú ở Kim Anh, Kim Thành, Hải Dương (giả danh tên là Nguyễn Văn Nhàn lái xe cho anh Trần Đình Biên); Trần Văn Quyết, 25 tuổi, cùng thôn với Hòa (giả danh tên là Nguyễn Văn Mạnh); Nguyễn Xuân Hưng, 28 tuổi, cũng ở Kim Anh, Kim Thành, Hải Dương.

Các đối tượng trên đều bỏ quê, lang thang trong các tỉnh phía Nam, sau đó tập trung nhau lại thành băng nhóm, làm giả hồ sơ, quay ra Bắc để thực hiện hành vi trộm cắp. Cùng với việc làm rõ nhóm lái xe trộm cắp, lực lượng chức năng đã làm rõ 4 đối tượng có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là Lê Hồng Phong, 24 tuổi, trú ở Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương; Phạm Văn Đương, 27 tuổi, trú ở Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội; Bùi Đức Trường, 40 tuổi, trú ở Thượng  Thuận, Kinh Môn, Hải Dương và  Nguyễn Đình Tuân, 25 tuổi trú ở Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương.

Chúng câu kết với nhau khá chặt chẽ, sau khi các lái xe đưa hàng đi, sẽ hẹn đồng bọn tại một địa điểm thuận lợi, sau đó dùng cờ lê, mỏ lết, cưa máy, máy hàn… cạy phá thùng container rồi dùng ôtô tải áp sát, bốc hàng hóa lên chở đi tiêu thụ. Theo đó, mỗi bên hưởng 50% lợi nhuận.

Đối phó với nạn trộm cắp tài sản trong container như thế nào?

Qua các đối tượng bị bắt trong chuyên án nói trên cũng như một số vụ án từng khám phá cho thấy, thủ đoạn trộm tài sản trong container của các đối tượng có 2 phương thức. Đó là làm giả giấy phép lái xe FC (hiện có rất ít lái xe có giấy phép loại này nên các công ty vận tải container đang rất cần tuyển), giấy CMND, lý lịch giả để xin vào các công ty vận tải container làm việc.

Theo lời khai của các lái xe rởm trong vụ trên, đa số chúng mua CMND của các hiệu cầm đồ, thay ảnh của mình vào, rồi đặt các đối tượng ngoài xã hội làm giả cả bộ hồ sơ lái xe theo tên của người trong CMND đó với giá từ 2 đến 5 triệu đồng. Một hai chuyến hàng vận chuyển đầu, chúng làm ăn nghiêm túc, sau đó các tài xế rởm biến ngay cùng cả container hàng hóa. Đến khi cơ quan chức năng tìm được thì chỉ còn xe container và thùng container bị phá rỗng ruột.

Một số trường hợp, chúng thông đồng với bên ngoài rút ruột hàng hóa trong container trên đường vận chuyển (khoảng 1/3 đến một nửa số hàng hóa trong container). Có một số cách chúng mở cửa container.

Đặc biệt, cách chúng dùng dụng cụ khoan cánh cửa sau của container, hoặc tấm trên nóc, sau khi rút hàng ra thì lắp rồi hàn lại như cũ, khiến các công ty không phát hiện ra ngay nên có vụ sau 1 vài tháng, thậm chí có trường hợp hàng đã chuyển đến đối tác nước ngoài mới phát hiện bị mất khiến chủ hàng không thể xác định được hàng bị lấy cắp ở khâu nào.

Muốn phòng ngừa tình trạng này, các doanh nghiệp vận tải cần chú trọng khâu tuyển người. Các doanh nghiệp có hàng không nên khoán trắng việc vận chuyển cho doanh nghiệp vận tải, mà phải cử người giám sát hàng hóa cho đến khi các container được vận chuyển đến địa điểm giao hàng.

Đối với lực lượng Công an các đơn vị, địa phương, cần thu thập tài liệu, rút ra các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để tuyên truyền cho các doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu; tuần tra, kiểm soát đêm tại các bến bãi, điểm đỗ của xe container (thời điểm các xe container hoạt động) để phát hiện tội phạm.

Đồng thời, các lực lượng nghiệp vụ phải tổng rà soát các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, bất minh về kinh tế, từng có tiền án tiền sự về loại tội này… để quản lý, răn đe, giáo dục. Đối với các vụ đã xảy ra, phải điều tra, xử lý nghiêm, góp phần răn đe tội phạm…

Thủy - Hòa
.
.
.