Hàng trăm nữ trí thức sa lưới “tình ảo” nhóm tội phạm quốc tế như thế nào?

Bài cuối: Lật tẩy thủ đoạn tinh vi

Thứ Ba, 23/07/2013, 09:35
Những chiêu trò của băng nhóm tội phạm quốc tế này bắt đầu lộ tẩy từ lá đơn tố cáo của một cô gái tên là Nguyễn Thị Ngọc N., trú tại tỉnh Cần Thơ. Vào tháng 3/2013, qua chát, chị N. quen với một người đàn ông tên là Piero Dwain, quốc tịch Anh Quốc. Cái kết của mối tình qua mạng ấy là lời cầu hôn của người đàn ông ngoại quốc.
>> Bài 2: Những quái chiêu lừa tình xuyên biên giới

Làm CMND giả, mở tài khoản "câu mồi"

Ngày 24/3, Piero Dwain gửi cho chị N. lịch trình bay của mình từ sân bay Heathrow (Anh Quốc) đến sân bay Cần Thơ. Khoảng 13h ngày 26/3, chị N. nhận được điện thoại của Piero nói rằng đã đến sân bay rồi tắt ngóm luôn. Gọi lại nhiều lần không được, chị N. rất lo lắng. 15 phút sau, 1 người đàn ông gọi từ số máy 0060165… , giới thiệu là Sheriff Ahmale, Cảnh sát Malaysia. Ông Ahmale cho biết, hiện Cảnh sát Malaysia đang giữ ông Piero vì mang trong hành lý 600 ngàn bảng Anh. Nếu muốn được thả ra thì phải có người nộp phạt cho Piero số tiền 1.600 USD. Chị N. yêu cầu được nói chuyện với Piero thì gã này cũng nói như vậy.

Để gây niềm tin với N, "nhân viên Cảnh sát" còn gửi email cho N. hình ảnh vali đựng đầy tiền của Piero đang bị tạm giữ. Vì muốn "cứu" người yêu, chị N. đã nộp số tiền trên vào tài khoản của Võ Thị Xuân Hồng (bạn của Ahmale ở Việt Nam), rồi mail hóa đơn gửi tiền cho Ahmale. Tuy nhiên, lòng tham của các đối tượng chưa dừng lại. Đến 9h ngày 27/3, Ahmale lại gọi cho N., nói rằng, qua kiểm tra, thấy số tiền của Piero mang theo lên đến 12 triệu bảng Anh. Thế nên, chị N. phải gửi thêm tiền phạt cho bọn chúng là khoảng 76 triệu đồng Việt Nam. Nghi ngờ, chị N. đã trình báo với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Cần Thơ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, PC45 Công an tỉnh Cần Thơ đã phát hiện được những kẻ tham gia lừa đảo tiền của chị N chẳng phải ở đâu xa, chúng là một gã người Nigeria bán quần áo lẻ tại TP Hồ Chí Minh và một phụ nữ tuổi 50, không nghề nghiệp ổn định. Đó là Okoye Uchenna, thường gọi là Emeka, 36 tuổi, đang cư trú tại chung cư Phú Mỹ Thuận, Phú Xuân (Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) và Võ Thị Xuân Hồng, 51 tuổi, trú tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Okoye Uchenna đến Việt Nam từ cách đây 5 năm với tư cách góp cổ phần vào một công ty tại Việt Nam. Nhưng thực chất, anh ta góp có 30 triệu dưới hình thức mua quần áo để về mở sạp bán.

Hai đối tượng Okoye Uchenna và Võ Thị Xuân Hồng.

Trong vở kịch lừa đảo chị N., Uchenna đóng vai người đàn ông Anh Quốc đi tìm vợ, còn Võ Thị Xuân Hồng thường được phân công vào các vai giả danh nhân viên hải quan, nhân viên của công ty chuyển phát nhanh để yêu cầu bị hại chuyển tiền. Mỗi lần nhận được tiền thì Hồng chuyển cho Uchenna qua số tài khoản của anh ta hoặc chuyển trực tiếp tận tay, còn giữ lại công của mình từ 1 đến 5 triệu đồng tùy theo số tiền lớn nhỏ. Ngoài ra, khai thác trong máy tính của Uchenna, cơ quan Công an phát hiện còn lưu trữ nhiều tài liệu liên quan đến việc chuyển tiền, cách thức tẩy tiền từ một tờ giấy màu xanh thành USD, hình ảnh của người bị hại và hàng nghìn thư điện tử thể hiện mối quan hệ giữa Uchenna, Hồng và một số đối tượng nước ngoài khác…

Xác định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, bị hại lại liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nên Công an tỉnh Cần Thơ đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm. Lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo chuyên án do Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, làm Trưởng ban; Đại tá Phan Minh Tấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cần Thơ làm Phó ban.

Qua điều tra, cơ quan Công an đã phát hiện các đối tượng mở 28 tài khoản tại các ngân hàng với tổng số tiền chuyển vào là hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan điều tra phát hiện, nhiều người đứng tên các tài khoản trên đã sử dụng CMND giả. Các đối tượng đã lấy CMND của những người bị mất, thậm chí đã chết, sau đó dán ảnh của chúng vào để sử dụng làm thủ tục mở tài khoản tại các ngân hàng. Đến thời điểm này, đã xác định có 164 bị hại ở 24 tỉnh, thành phố gửi tiền vào các số tài khoản của bọn chúng với tổng số tiền lên đến gần 18 tỷ đồng.

Các bị hại ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, đa số ở các tỉnh phía Nam. Ở phía Bắc chỉ có 19 bị hại, gồm 17 bị hại ở Hà Nội, Phú Thọ và Quảng Ninh mỗi tỉnh 1 bị hại. Hiện Cục Cảnh sát hình sự đang chỉ đạo Công an tỉnh Cần Thơ phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố xác minh và ghi lời khai của từng bị hại cụ thể. Đồng thời, tiến hành điều tra mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng đồng bọn của Uchenna và Võ Thị Xuân Hồng. Bởi rõ ràng, băng nhóm của Uchenna hoạt động có tổ chức, có nhiều đối tượng và có sự phân vai cụ thể từng đối tượng một trong các kịch bản lừa đảo. Chúng không chỉ sinh sống tại Việt Nam, có thể đang cư trú tại một số nước khác như Malaysia, Campuchia…

Phụ nữ lỡ thì, lắm của là đích ngắm của tội phạm tình ảo 

Khi nghiên cứu vụ án này, điều khiến các điều tra viên, cũng như chúng tôi băn khoăn, vì sao hàng trăm nạn nhân, toàn là các nữ trí thức, có hiểu biết, lại rơi vào bẫy lừa của các đối tượng như vậy? Theo các điều tra viên cho biết, kịch bản lừa của các đối tượng khá tinh vi và hoàn hảo (như chúng tôi đã đưa ra một vài trường hợp trong các số báo trước). Bởi vì, các đối tượng đã nghiên cứu khá kỹ tâm lý của các cô gái thành đạt nhưng ở cái tuổi lỡ thì, hoặc đang trục trặc về đường tình duyên. Các cô thường có tâm lý sống khép kín, nội tâm hơn, dễ chia sẻ hơn. Thế là các đối tượng đóng giả những "chàng hoàng tử" đến từ phương trời xa, mang theo "hai túi mật" để rót vào tai các cô gái, khiến các cô không còn đủ ý chí và lý trí để phân biệt giữa tình và tiền. Hơn nữa, nói gì thì nói, các đối tượng cũng đã nghiên cứu kỹ tâm lý và đánh vào ý thích vật chất của các cô gái, khiến họ cứ cố bỏ tiền hết lần này đến lần khác để có thể có được những món tiền và món quà lớn.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Tiến Bình, Phó Trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát hình sự, nếu có lý trí và hiểu biết thực sự, các cô gái sẽ phát hiện ra cạm bẫy của các đối tượng. Bởi chỉ cần hỏi các cơ quan chức năng, họ sẽ biết được rằng, không bao giờ có thể gửi tiền kèm theo hàng chuyển phát nhanh. Bởi khi qua các cửa khẩu có sự kiểm soát của hải quan, chắc chắn máy móc sẽ soi được số tiền bên trong kia…

Còn theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nếu tìm hiểu kỹ về công nghệ, các cô sẽ biết được rằng, tất cả kịch bản trên đều có thể do các đối tượng tạo lên bằng công nghệ cao. Từ chuyện gốc tích, ảnh chân dung, đến các trang web lẫn các đường mã vạch chuyển quà….

Để phòng ngừa các trường hợp bị lừa như vậy, theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, các cô gái khi có ý định tiến tới hôn nhân cần nghĩ đến câu nói của các cụ xưa "lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống". Tình yêu trên mạng Internet là tình yêu ảo. Tất nhiên, cũng có những tình yêu ảo đi đến kết quả cuối cùng ở ngoài đời tốt đẹp. Nhưng đa phần, đó là nơi các đối tượng lợi dụng để lừa đảo mà thôi. Chính vì thế, khi có tình cảm trên ảo, các cô phải tiến tới gặp mặt trực tiếp, tìm hiểu về nguồn gốc gia đình của anh ta.

Một lời khuyên rất thiết thực của Thượng tá Nguyễn Minh Đức đối với các cô gái đang ở giai đoạn tìm hiểu để tiến tới hôn nhân, đừng để tiền bạc lẫn vào chuyện ái tình. Nếu tự nhiên thấy người tình (đặc biệt là qua mạng) đặt vấn đề về tiền bạc, thì phải nghi ngờ ngay. Như trong các trường hợp trên nên đến Văn phòng luật sư hoặc cơ quan Công an để tìm hiểu và được tư vấn. Hãy dùng ý chí và lý trí khi phân tích các sự kiện diễn ra trong tình yêu của mình. Đừng để mình rơi vào bẫy lừa của các đối tượng, bởi không có gì chua chát bằng việc bị chính người mà mình đang đặt bao tình cảm và hy vọng lừa tình và lừa tiền. 

Theo Thượng tá Lê Tiến Bình, Phó Trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát hình sự, để phòng ngừa các vụ lừa đảo với thủ đoạn như trên, cơ quan điều tra cần thông báo rộng rãi đến Công an các địa phương, qua các phương tiện thông tin đại chúng thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã có thông báo gửi Công an các tỉnh, thành phố đề nghị Công an các địa phương chỉ đạo Công an cấp cơ sở rà soát các vụ việc với thủ đoạn tương tự trên địa bàn để phục vụ cho công tác điều tra, xử lý. Bản thân cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, cần tích cực điều tra mở rộng, truy bắt các đối tượng còn lại trong băng nhóm, sớm đưa ra xét xử nghiêm để góp phần răn đe tội phạm.

Qua điều tra vụ án này, đề nghị các ngân hàng cần bịt kín sơ hở trong việc các đối tượng sử dụng CMND giả để mở tài khoản, bởi trong nhiều trường hợp, nếu có nghiệp vụ tốt, cán bộ ngân hàng sẽ phát hiện ra CMND giả khi các đối tượng thay ảnh mình vào nên không có dấu nổi giáp lai cũng như bị dán phồng lên. Các cơ quan liên quan của Bộ Bưu chính - Viễn thông cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng sim rác, bởi tất cả các đối tượng phạm tội trong vụ án nói trên đều sử dụng rất nhiều sim rác, khiến công tác điều tra gặp không ít khó khăn. Qua vụ án cần tiếp tục rút kinh nghiệm về công tác quản lý người nước ngoài ở Việt Nam, đặc biệt là các đối tượng gốc Phi. Chúng không chỉ thực hiện việc lừa đảo mà còn có dấu hiệu phạm các tội khác như rửa tiền… 

T. Hòa
.
.
.