Tín dụng đen núp bóng “cửa hàng cầm đồ”

Bài cuối: Bắt tay giữa cầm đồ và các đối tượng hoạt động băng, ổ nhóm

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:21
Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ thanh toán giữa các nhóm cầm đồ. Ngoài việc siết nợ còn là giải quyết mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn trong việc làm ăn như cầm cố, vay nợ và tranh giành địa bàn hoạt động.

Để đối phó với sự phát hiện của lực lượng Công an, các đối tượng cầm đầu thường ít xuất đầu, lộ diện, chỉ đạo đàn em thực hiện hành vi phạm tội. Các vụ án đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý loại hình kinh doanh đặc biệt này.  

Hợp pháp hóa hình thức làm ăn phi pháp

Qua các vụ án xảy ra trong thời gian qua cho thấy, một số cửa hiệu cầm đồ hiện nay không chỉ câu kết với các băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyển sang làm ăn dưới vỏ bọc hợp pháp nhưng cho vay tiền nặng lãi, sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự để hoạt động phạm tội. 

Nhóm này, thường quy tụ từ 5-20 đối tượng, phần lớn là những kẻ có tiền án, tiền sự; trình độ văn hóa thấp, không có việc làm hoặc lao động đơn giản, mức thu thập thấp. 

Một số trường hợp sinh ra trong những gia đình không hoàn thiện, có bố, mẹ đi tù hoặc ly hôn, không nhận được sự quan tâm, quản lý và giáo dục của gia đình. Một số khác do đua đòi, thích thể hiện hoặc do điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Vì thế, khi xảy ra mâu thuẫn, chúng sẵn sàng sử dụng dao, kiếm, thậm chí là súng để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gây ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.

Vụ việc mới đây vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) điều tra, làm rõ là một điển hình. Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; 9 bị can trong vụ án đã bị tạm giam gồm Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Duy Anh, Hoàng Hữu Thọ, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Công Bình, Nguyễn Mạnh Hùng (đều trú tại Hà Nội). 

Đối với bị can Nguyễn Văn Lâm vào thời điểm vụ án xảy ra đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn nên được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Những tình tiết liên quan đến vụ án cho thấy sự liều lĩnh, manh động của nhóm đối tượng. 

Vụ án bắt nguồn từ việc Cao Quang Khải (ở Tân Mai, Hoàng Mai) vay của ông Nguyễn Văn Thuần là bố Nguyễn Mạnh Thắng 600 triệu đồng nhưng không trả còn có những lời nói thách thức, đe dọa... Sau đó, ông Thuần kể lại sự việc với con trai. 

Đến khoảng 19h00 ngày 13-2, Thắng gọi điện bảo Lâm đến cửa hàng cầm đồ của bọn chúng ở tại số 27 Quốc Tử Giám, với mục đích là bàn bạc việc dằn mặt Cao Quang Khải. Sau khi ăn uống no say, khoảng 22h cùng ngày, Nguyễn Mạnh Thắng, Bình, Sơn và Tú có mặt tại điểm hẹn rồi cùng nhau đến nhà của Cao Quang Khải. Khi đi các đối tượng mang theo nhiều hung khí gồm dao, kiếm.

Khi đến đầu ngõ 238 Tân Mai, 2 xe ôtô dừng lại, Nguyễn Văn Khải ở lại trong xe Lexus, Duy Anh ở lại xe Yaris. Lúc này, Nguyễn Mạnh Hùng vô tình đi chơi gặp nhóm này liền đi theo vào. 

Với bản chất của những kẻ côn đồ, Nguyễn Đức Thắng xách túi đựng kiếm từ xe Lexus vào để cạnh cửa sắt ngoài hẻm  nhà Cao Quang Khải. Mạnh Thắng và Lâm vào tìm nhà, tại đây đối tượng Mạnh Thắng chửi bới và gọi Cao Quang Khải ra. Trong khi cả nhóm chuẩn bị dao kiếm thì Cao Quang Khải cầm theo 1 súng ngắn dạng súng quân dụng, bắn Lâm bị thương. 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong các vụ án tương tự, các nhóm thường sử dụng vũ khí nóng, hung khí (dao, mã tấu, tuýp sắt, dụng cụ tự chế...) để gây án. Chúng nhằm vào những đối tượng có mâu thuẫn về lợi ích, tranh giành “đất” trong làm ăn. 

Khi  điều tra các vụ án này, Cơ quan Công an gặp nhiều khó khăn do các băng nhóm luôn có sự chuẩn bị, đối phó trước khi gây án. Các đối tượng ép buộc, khống chế, đe dọa để bị hại không dám tố cáo với Cơ quan Công an. Cá biệt, có những vụ chính bị hại không muốn tố cáo mà để tự giải quyết hoặc gây án xong thì xóa dấu vết, bỏ trốn khỏi địa phương...

Đối tượng Nguyễn Văn Cường tham gia vụ giết người ở Vĩnh Phúc.

Siết chặt công tác quản lý

Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định rõ: Người đến cầm đồ, thế chấp tài sản phải có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại. 

Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Chủ kinh doanh không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có và khi nghi ngờ hàng hóa, tài sản là do phạm tội mà có phải thông báo với Cơ quan Công an. Quy định là vậy nhưng thực tế hoàn toàn khác biệt, hầu hết các cơ sở cầm đồ đều bỏ qua những quy định tối thiểu...

Một trong những kẽ hở khiến các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội là do công tác quản lý. Điều 7 Nghị định 96 quy định về điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nêu rõ: Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp gồm đã bị khởi tố hình sự mà các Cơ quan Tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. 

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 3 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án. 

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Để lách luật, rất nhiều chủ cơ sở không trực tiếp đứng tên kinh doanh mà để người làm thuê đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý, né tránh trách nhiệm khi có vụ việc vi phạm xảy ra. Cũng chính vì việc vay nợ và đòi tiền không đúng theo các quy định nên các vụ án đau lòng liên quan đến vay nợ tại các cửa hiệu cầm đồ trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Để ngăn chặn cửa hàng cầm đồ “lách luật” hợp thức hóa “kinh doanh tiền” bất hợp pháp nhưng lại nằm ngoài quyền kiểm soát của các cơ quan chức năng, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, lực lượng Công an cơ cở cần tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành có liên quan với lực lượng Công an trong việc cấp phép thành lập các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Cần có chế tài quản lý, giám sát chặt chẽ về ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. 

Trong trường hợp phát hiện sai phạm trong việc hoạt động không đúng mục đích thì cần phải có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để tội phạm lợi dụng, núp bóng hoạt động vi phạm pháp luật. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, cụ thể là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý đặc doanh, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, chất cháy; phát động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ... 

Tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát, mật phục vào ban đêm để phát hiện và ngăn chặn tội phạm. Mỗi gia đình cần phải quản lý con, em của mình, tránh tình trạng tụ tập ăn chơi, bị rủ rê, kích động, tham gia các tệ nạn xã hội dẫn tới lối sống lệch lạc là nguyên nhân dẫn đến việc sa chân vào tín dụng đen. 

Xuân Mai
.
.
.