Ba ngân hàng đề nghị HĐXX bác yêu cầu thu hồi 6.126 tỷ đồng

Thứ Bảy, 27/01/2018, 09:30
Ngày 26-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh; Trầm Bê (59 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank và 44 đồng phạm đã kết thúc phần bào chữa cho các bị cáo. Các đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bắt đầu trình bày quan điểm.

Trình bày quan điểm tại toà, đại diện của 3 ngân hàng liên quan đến vụ án gồm Sacombank, TPBank, BIDV đều đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của đại diện VKS buộc thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng, trong đó Sacombank hơn 1.835 tỷ đồng, TPBank hơn 1.740 tỷ đồng, BIDV là hơn 2.550 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Cụ thể, đại diện của Sacombank cho rằng tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26-4-2013) đến thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26-1-2014), 2 pháp nhân ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra. Sau khi giao dịch tất toán, về phía VNCB không có ý kiến gì.

Giao dịch giữa Sacombank và VNCB phù hợp với thỏa thuận của các bên tại các Hợp đồng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn; Hợp đồng cầm cố, bảo lãnh; Hợp đồng tín dụng; việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay. Giao dịch giữa Sacombank và VNCB thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, việc VNCB chuyển tiền thanh toán tại 2 Chi nhánh của Sacombank đã được Tổ giám sát ngân hàng Nhà nước phê duyệt trên tờ trình. Mặt khác, theo Điều 429 Bộ luật Dân sự, đến nay đã quá 3 năm nên việc yêu cầu bồi thường đã quá thời hiệu.

Do vậy, việc kiến nghị thu hồi tiền nêu trên không có đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của Sacombank (nói riêng) và hệ thống ngân hàng (nói chung), không đảm bảo quyền và các lợi ích của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng tranh chấp đối với các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp đang được vận hành bình thường.

Quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại toà, theo đại diện Sacombank, đều thể hiện cấp quản lý, cấp điều hành của VNCB dùng tài sản ngân hàng (là tiền gửi) để đảm bảo cho các công ty vay tiền tại các ngân hàng, trong đó có Sacombank mà không thực hiện các biện pháp bảo đảm theo quy định dẫn đến thiệt hại cho VNCB (nay là CB) thì rõ ràng lỗi thuộc về VNCB nhưng lại buộc thu hồi 6.126 tỷ đồng từ các ngân hàng để khắc phục hậu quả là không đúng.

Tương tự, trong phần trình bày quan điểm của mình, đại diện BIDV cho rằng, quá trình giải quyết cho các công ty vay và được VNCB bảo lãnh nên phía BIDV không vi phạm pháp luật. Vì vậy, không có căn cứ buộc BIDV phải trả cho CB (tên mới của VNCB) số tiền 2.550 tỷ đồng. Bởi giao dịch giữa 2 ngân hàng đã hoàn tất trước khi vụ án xảy ra, BIDV đã làm đúng quy định của pháp luật cũng như không hưởng lợi.

Quá trình điều tra và cáo trạng cũng xác định, trong vụ án này Phạm Công Danh và các bị cáo trong vụ án mới là người gây thiệt hại cho VNCB. Con số thiệt hại 2.550 tỷ đồng là mối quan hệ giữa VNCB và 12 công ty nên BIDV không liên quan. Thực tế BIDV cũng không có quan hệ giao dịch với Phạm Công Danh mà giao dịch với 12 công ty. Số tiền 2.550 tỷ đồng không được xác định là tiền phạm tội mà có hoặc tang vật của vụ án nên không thể thu hồi.

Đối với yêu cầu của VKS, tiếp tục xử lý các cá nhân liên quan đến các khoản vay tại 3 ngân hàng, theo đại diện các ngân hàng, quá trình điều tra đã xác định những người này không có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Kết quả giám định tư pháp của giám định ngân hàng Nhà nước đều khẳng định việc cấp phát tín dụng và xử lý thu hồi nợ của 3 ngân hàng là đúng pháp luật và không thiệt hại, không đủ căn cứ để xử lý hình sự như kết luận điều tra và cáo trạng của VKSND tối cao.

Ngoài phần trình bày quan điểm như trên, tại toà, đại diện Sacombank còn đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang vì cho rằng cả hai chỉ vô tình phạm tội, không tư lợi cá nhân.

A.Huy
.
.
.