57 tháng tù cho nhóm bị cáo đổ chất thải nguy hại ra môi trường
Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tuyên phạt bị cáo Bùi Trí Bình, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (Urenco 10) mức án 12 tháng tù; Tống Ngọc Thanh, nguyên nhân viên Urenco 10 mức án 12 tháng tù; Ngô Xuân Hiếu, nguyên Giám đốc Urenco 10 mức án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 30 tháng kể từ ngày tuyên án và Mai Thị Hương, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty An Dương 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 36 tháng kể từ ngày tuyên án.
Theo bản án, Urenco 10 (có trụ sở chính tại phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) được thành lập từ 3 cổ đông, trong đó có Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội là cổ đông chính. Ngành nghề kinh doanh chính là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
Để mở rộng hoạt động kinh doanh, Urenco 10 có ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và xử lý rác thải An Dương (Công ty An Dương), có trụ sở tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, để Công ty An Dương làm đại lý thu gom, vận chuyển các loại chất thải cho Urenco 10 xử lý.
Tháng 4-2015, Mai Thị Hương, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty An Dương ký hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng Dong Jin (Công ty Dong Jin) và Công ty TNHH kĩ thuật và xây dựng Dae Ah (Công ty Dae Ah) là 2 nhà thầu tại dự án Formosa Hà Tĩnh.
Theo đó, phía Công ty An Dương có nhiệm vụ thu gom, xử lý chất thải là nước súc rửa đường ống tại dự án Formosa Hà Tĩnh. Do không có năng lực xử lý nên Hương đã liên hệ với Tống Ngọc Thanh, nhân viên Urenco 10 để bàn bạc phương án dùng xe bồn vận chuyển chất thải ra Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (TP Hà Nội) để Urenco 10 xử lý.
Nội dung này đã được Thanh xin ý kiến của Bùi Trí Bình, Phó Giám đốc và Ngô Xuân Hiếu, Giám đốc Urenco 10.
Từ ngày 17-4-2015, Công ty An Dương bắt đầu tiếp nhận nước thải của 2 công ty nêu trên. Tuy nhiên, do lượng nước thải phát sinh quá nhiều, bản thân Công ty An Dương không có đủ xe bồn chuyên dụng, phải yêu cầu Urenco 10 điều xe bồn vào hỗ trợ nhưng cũng không đủ tiếp nhận hết lượng nước thải.
Do lo sợ không thực hiện được việc tiếp nhận nước thải sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng nên Hương đã trao đổi với Thanh sẽ không chở nước thải ra nhà máy của Urenco 10 tại Hà Nội nữa mà tự đổ tại địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phía Urenco 10 chịu trách nhiệm hoàn thiện các chứng từ xử lý chất thải nguy hại (CTNH) theo qui định để Công ty An Dương có đủ hồ sơ chứng từ nhận tiền thanh toán từ Công ty Dong Jin và Công ty Dae Ah.
Cuối tháng 4-2015, Hương còn được Nhà máy nhiệt điện của Công ty Formosa Hà Tĩnh ký hợp đồng xử lý CTNH phát sinh từ sự cố tràn dầu trong nhà máy.
Cũng như việc thực hiện hợp đồng với Công ty Dong Jin và Công ty Dae Ah, phía Công ty An Dương mặc dù đã phối hợp và được sự hỗ trợ về xe bồn của Urenco 10, nhưng cũng không thể vận chuyển hết số lượng nước thải phát sinh và “cách” duy nhất mà Công ty An Dương và Urenco 10 có thể làm được là… tiếp tục đổ ra môi trường!
Địa điểm xả CTNH là bãi đất trống, bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đô Lương và một số huyện thuộc tỉnh Nghệ An.
Tài liệu điều tra xác định, tổng số CTNT Công ty An Dương đã tiếp nhận từ các Công ty Formosa Hà Tĩnh, Công ty Dong Jin, Công ty Dea Ah là hơn 1,8 nghìn tấn, trong đó, chỉ có 13 chuyến xe với tổng khối lượng khoảng 127 tấn CTNH được chở ra Nhà máy của Urenco 10 để xử lý, còn lại gần 1,7 nghìn tấn CTNH đã đổ ra môi trường tự nhiên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu giám định để xác định hậu quả của hành vi đổ CTNH trực tiếp ra môi trường nhưng chưa có kết luận giám định.