4 kế toán trường học bị điều tra vì chiếm tiền tỷ của Nhà nước

Thứ Bảy, 29/07/2017, 07:49
Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra 4 đối tượng đều là kế toán các trường học vì có hành vi vi phạm về quản lí kinh tế. Các đối tượng trên đã lợi dụng chức vụ của mình chiếm đoạt tiền tỷ của Nhà nước để trục lợi cá nhân. 


Đối tượng chiếm đoạt nhiều tiền của Nhà nước nhất là Phạm Thanh Sơn, 30 tuổi, là kế toán Trường Tiểu học Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Trong hơn 4 năm (từ năm 2011 đến cuối năm 2016), Sơn đã lập hồ sơ, làm nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa khống, giả mạo chữ ký của Hiệu trưởng để chuyển tiền từ tài khoản của trường ở Kho bạc Nhà nước huyện Lục Ngạn sang tài khoản của một số cửa hàng. Sau đó, Sơn nhờ họ rút tiền về đưa cho mình chi tiêu cá nhân. Quá trình điều tra đến thời điểm này, Sơn chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng

Cũng với thủ đoạn tương tự, Dương Đình Mạnh (ảnh), 32 tuổi, kế toán Trường THCS Nam Dương, Lục Ngạn đã lợi dụng nhiệm vụ theo dõi, lập hồ sơ quyết toán các khoản ngân sách, làm thủ tục rút dự toán do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân bổ cho trường. Mạnh đã tự ý lập một số chứng từ, giả mạo chữ ký của hiệu trưởng, đồng thời móc nối với một chủ cửa hàng trên địa bàn huyện viết hóa đơn khống để rút tiền hơn 1 tỷ đồng chi tiêu cá nhân. Đến nay, Mạnh không có khả năng thanh toán.

Vi Quang Dự, 35 tuổi, kế toán Trường Tiểu học Kim Sơn, Lục Ngạn lại có thủ đoạn lập chứng từ khống, tự nâng lương cho một số cán bộ, giáo viên của trường để chiếm đoạt cá nhân. Không chỉ thế, một số cán bộ, giáo viên của trường chuyển đi nơi khác nhưng Dự không làm báo cáo giảm lương để rút gần 137 triệu đồng.

Đối tượng Tăng Văn Hanh, 32 tuổi, kế toán Trường THCS Phong Minh, Lục Ngạn cũng với thủ đoạn giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, tư túi 67,2 triệu đồng.

Như vậy, qua tính toán sơ bộ thì 4 kế toán trên đã lập hồ sơ khống, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng của Nhà nước. Đây là số tiền rất lớn trong ngân sách dành cho các trường học ở địa phương. Sở dĩ như vậy vì có sự buông lỏng của chủ tài khoản, thiếu kiến thức nghiệp vụ, xem nhẹ quy định quản lý tài chính nên tin tưởng giao toàn bộ cho kế toán.

Bên cạnh đó, việc quản lý cán bộ, quản lý con dấu còn lỏng lẻo. Công tác thanh tra ở các trường còn nhiều hạn chế, thiếu dân chủ trong cơ quan. Việc đôn đốc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm của cấp ủy, chính quyền về quản lý tài chính chưa được coi trọng dẫn đến lỗ hổng. Đặc biệt, công tác luân chuyển cán bộ làm kế toán tại các trường học chưa thực hiện thường xuyên theo các quy định hiện hành về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức.

Các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng rõ ràng, đây là bài học lớn trong công tác quản lí ngân sách ở các trường học hiện nay.

P. Thuỷ
.
.
.