Vụ vỡ nợ "khủng" ở Bắc Ninh: 37 nạn nhân trình báo mất hơn 40 tỷ đồng

Chủ Nhật, 26/08/2018, 18:09
Tính đến chiều 26-8, đã có 37 người là nạn nhân trong vụ vỡ nợ ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh đến cơ quan Công an trình báo với tổng số tiền cho bà Hoàng Thị Khanh vay là hơn 40 tỷ đồng.



Được biết, để điều tra, làm rõ, ổn định tình hình sau vụ vỡ nợ chấn động vừa qua ở xã Tam Đa, CBCS Công an huyện Yên Phong đã tăng cường lực lượng làm liên tục ngày đêm, vừa thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ việc vay nợ giữa bà Trần Thị Bích và bà Hoàng Thị Khanh và giữa bà Khanh với người dân. 

Bên cạnh đó, Công an huyện Yên Phong còn phối hợp với chính quyền địa phương và Công an xã bảo vệ ANTT, phòng ngừa các vi phạm do đòi nợ, xiết nợ trong vụ việc trên.

Được biết, đây là vụ việc khá phức tạp bởi không chỉ liên quan đến vay – cho vay lấy lãi mà có cả hoạt động của các dây phường, hụi với hàng trăm người tham gia. Đối với nhiều người dân địa phương, họ tham gia phường, hụi để dành dụm tiền. Tuy nhiên, sau khi lấy hụi, họ không mang tiền về mà cho bà Khanh vay để lấy lãi.

Về phía bà Hoàng Thị Khanh, đến thời điểm hiện tại vẫn khai báo chưa cụ thể. Trong đơn trình báo cơ quan Công an vào ngày 21-8 về việc cho bà Trần Thị Bích vay tiền nhưng bà Bích không thanh toán dẫn đến vỡ nợ, bà Khanh cho rằng bà Bích vay mình 120 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Khanh lại khai chỉ cho bà Bích vay 80 tỷ đồng; bản thân mình vay của người dân 90 tỷ đồng...Tuy nhiên, trong sổ theo dõi nợ của bà Khanh đối với bà Bích thì bà Bích chỉ xác nhận vay bà Khanh 17 tỷ đồng (có ký sổ) và bà Bích có đủ tài sản để thanh toán số tiền trên.

Việc chơi hụi, họ và vay nợ giữa người dân với bà Hoàng Thị Khanh với người dân bắt đầu từ khoảng năm 2015. Bà Khanh vay tiền lãi suất cao và trả khá sòng phẳng khiến nhiều người tin tưởng. Theo lời khai của bà Khanh thì thời gian đầu, bà Bích trả lãi sòng phẳng nên bà có tiền để trả cho người dân. 

Khoảng 1 năm trở lại đây, bà Bích không trả lãi nữa nên bà không có tiền, đành phải vay của người này để trả lãi cho người kia. Chính vì vậy, số nợ ngày càng tăng lên. Khi số nợ lớn quá, không còn khả năng chi trả, bà Khanh tuyên bố vỡ nợ dẫn đến việc nhiều người đến đòi, đe doạ nên chồng bà không chịu được, đã tự sát.

Được biết, Hoàng Thị Khanh thì gia đình vốn làm nghề thịt lợn, sống chan hoà với bà con xóm giềng. Gia đình bà Khanh không có tài sản gì lớn ngoài ngôi nhà đang ở. Ngôi nhà này đã bị vợ chồng bà Khanh thế chấp cho anh Trần Văn T để vay 1,7 tỷ đồng. 

Theo thỏa thuận, bà Khanh đưa sổ đỏ và giấy thế chấp nhà cho gia đình anh T để được vay tiền 1,7 tỷ đồng thời hạn một năm. Anh T cho biết, trước hôm tuyên bố vỡ nợ, hồng bà Khanh sang nói chuyện với anh và bảo sang nhà cầm chìa khóa, rồi giữ nhà giúp, gia đình sẽ sang ở nhờ nhà anh trai, thỉnh thoảng về thắp hương. 

Vì tin tưởng vợ chồng bà Khanh là người tử tế nên anh T đã cầm cố sổ đỏ nhà mình cho ngân hàng để cho vay. Theo lời anh T thì hàng ngày, gia đình bà Khanh sinh hoạt cũng rất tằn tiện, không tiêu pha gì lớn. Bà Khanh không biết đi xe máy nên hàng ngày vẫn đi lại bằng xe đạp.

Qua nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng xác định có hơn 300 hộ đã cho bà Khanh vay tiền, ít nhất khoảng vài chục triệu, cao nhất khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại, bà Khanh đã xác nhận nợ với nhiều người, xin khắc phục bằng cách thu hồi tiền của bà Bích để trả, phần khác họ xin khất nợ hoặc xin trả tiền gốc. Nhiều người xác định mất tiền nên không đến cơ quan công an trình báo

Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết,  “Người dân địa phương có suy nghĩ hám lợi nên sẵng sàng cầm cố sổ đỏ vay lãi suất thấp rồi chuyển cho vay ăn chệnh lệch lãi suất. Hiện UBND xã đang sàng lọc các đối tượng cho vay trên địa bàn để có những biện pháp hỗ trợ, nhất là những gia đình cắm sổ đỏ cho vay rồi lấy tiền lãi chênh lệch, điều kiện kinh tế không dư dả…”.

Phương Thuỷ
.
.
.