Thí điểm thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội:

Lợi ích lớn nhưng dân chưa mặn mà

Chủ Nhật, 04/10/2015, 08:07
Bắt đầu từ 26/9, Hà Nội đã tổ chức thí điểm chương trình thu gom và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng hoặc bị lỗi tại 5 điểm thuộc 2 quận Cầu Giấy và Ba Đình.

Đây là một chương trình hưởng ứng chiến dịch làm sạch thế giới với mục tiêu bảo vệ môi trường tránh khỏi nguy cơ độc hại từ rác thải điện tử. Tuy nhiên, ghi nhận tại các điểm thu gom, phần lớn người dân vẫn chưa mặn mà.

UBND phường Quán Thánh là một trong những phường thuộc quận Ba Đình được chọn làm nơi thí điểm mô hình thu gom và tái chế rác thải điện tử. Địa điểm thu gom được đặt tại trụ sở UBND phường với những tấm biển hướng dẫn rất bắt mắt, sạch, đẹp. Chiếc thùng chứa các sản phẩm điện tử đặt ngay gần lối ra vào của cổng UBND phường.

Tuy nhiên, trong buổi sáng 29/9, theo ghi nhận của chúng tôi, không hề thấy bất cứ người dân nào đến gom rác thải điện tử.

Ông Bùi Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh chia sẻ: Sau 3 ngày phát động chương trình thu gom rác thải điện tử, hiện nay, số lượng các sản phẩm, linh kiện điện tử mà người dân mang tới được khoảng 40 sản phẩm bao gồm các vi mạch điện thoại, máy tính…

Để chuẩn bị cho chương trình này, trước khi bắt đầu tổ chức thu gom khoảng 10 ngày, UBND phường đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền, phát tờ rơi, pa nô áp phích đến 19 tổ dân phố để thông báo đến khoảng 8.000 dân trên địa bàn phường. Cùng với đó là hệ thống loa phường cũng thường xuyên tuyên truyền về những lợi ích, hoạt động cụ thể của chương trình thu gom rác thải điện tử. Trong ngày đầu tiên, người dân khá hào hứng mang các sản phẩm điện tử hỏng hoặc bị lỗi đến điểm thu gom. Nhưng, những ngày sau, hoạt động trở nên im ắng hơn.

Còn tại điểm thu gom rác thải điện tử đặt tại Bảo tàng Chiến thắng B.52, số 157 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội trong buổi sáng 29/9, khi mở chiếc hộp thu gom rác thải điện tử, chúng tôi nhận thấy thùng chỉ có lác đác một vài sản phẩm điện tử nhỏ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: Trong ngày đầu phát động chiến dịch thu gom rác thải điện tử, người dân trên địa bàn phường cũng nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thu được thì chưa phải là nhiều. Ông Thắng cũng đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thói quen bán đồ cũ cho đồng nát của người dân.

Thực hiện Kế hoạch số 175 của UBND thành phố Hà Nội ngày 9/9/2015 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, ngày 26/9, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Cầu Giấy, UBND quận Ba Đình chính thức giới thiệu đến người dân Thủ đô chương trình “Việt Nam tái chế” (Vietnam Recycles) được tài trợ bởi Apple và HP với các hoạt đông thu gom và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng hoặc bị lỗi.

Hoạt động thu gom rác thải điện tử miễn phí được thực hiện tại 5 điểm thu gom trên địa bàn 2 quận Cầu Giấy, Ba Đình bao gồm: Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, Nhà văn hóa phường Yên Hòa, UBND phường Quán Thánh, Bảo tàng Chiến thắng B.52 và UBND phường Thành Công. Năm điểm thu gom rác thải điện tử được thiết lập để thu hồi rác thải trong thời gian dài với các tiêu chí: Thùng chứa thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế về thu gom chất thải nguy hại; địa điểm đặt thùng chứa thiết bị điện tử tại nơi dễ tiếp cận cho người dân và quá trình vận chuyển; các điểm thu gom có bảo vệ để quản lý thùng chứa hằng ngày. Rác thải điện tử được thu gom tại các điểm này sẽ được phân loại theo từng dòng thiết bị, được tháo dỡ và được xử lý theo quy trình công nghệ kỹ thuật cao, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm bảo đảm tối đa hoá lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế.

Ông Kok Wah Boey - Trưởng bộ phận quản lý môi trường – HP Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản chia sẻ: Việc tiêu hủy chất thải điện tử không đúng cách đã và đang gây ra những tác động tiêu cực vô cùng lớn đến với môi trường sống của chúng ta. Thế nhưng, nhận thức của người dân về việc xử lý rác thải điện tử đúng cách lại vô cùng hạn chế. Chương trình Việt Nam tái chế được phát triển dựa trên ý tưởng các nhà sản xuất, người tiêu dùng và chính phủ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc xử lý và tái chế chất thải điện tử một cách thân thiện với môi trường.

Có thể thấy, câu chuyện về sự cấp bách trong bảo vệ môi trường dường như ai cũng biết, nhưng sự thu hút người dân tham gia vào hoạt động thu gom, tái chế miễn phí rác thải điện tử dường như lại… chưa bằng những giá trị hữu hình ngay từ các nguồn thu mua rác thải điện tử. Vấn đề đặt ra chính là sự nhận thức của cộng đồng đằng sau những món tiền mà họ thu về hàng loạt những nguy cơ mà xã hội đang phải đối mặt.

Để chương trình này ngày càng trở nên hiệu quả, theo ông Bùi Thanh Xuân thì cần phải có chiến dịch tuyên truyền đi vào chiều sâu nhận thức và có thời gian để người dân thay đổi thói quen. Còn ông Vũ Đại Thắng nhận định, nên có những hình thức động viên, khuyến khích cụ thể hơn để người dân tích cực tham gia. Có như vậy, chiến dịch mới không bị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Một điểm thu gom rác thải điện tử tại phường Quán Thánh.

Nguyễn Hương
.
.
.