Xử lý 2 vụ chống CSGT tại Thủ đô: "Bên nghiêm khắc, bên nhẹ hều"

Thứ Sáu, 13/04/2012, 11:00
Một vụ chưa xảy ra hậu quả và một vụ hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng một vụ được xử lý nhanh chóng, một vụ vẫn “để đấy” khiến cho dư luận băn khoăn...

Chỉ trong hai tháng qua, tại Hà Nội xảy ra 2 vụ chống CSGT nghiêm trọng. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 7/3, sau cú đâm xe trực diện, Trung tá Nguyễn Đức Chung, Đội phó Đội CSGT số 1 bị thương nặng, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Vụ thứ hai xảy ra ngày 9/4, Thiếu úy Nguyễn Mạnh Phan bất đắc dĩ phải nhảy lên đầu xe, bám cần gạt nước để tránh cú tông trực diện và bị “dong” gần 1km. Một vụ chưa xảy ra hậu quả và một vụ hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng một vụ được xử lý nhanh chóng, một vụ vẫn “để đấy” khiến cho dư luận băn khoăn...

Khởi tố hình sự lái xe “tung” CSGT lên đầu xe

Ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) khởi tố lái xe Phùng Hồng Phương, 37 tuổi, trú tại xã Thái Hòa, huyện Ba Vì về hành vi chống người thi hành công vụ. Như vậy, chỉ sau 2 ngày xảy ra sự việc, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn từ hình thức tạm giữ hình sự sang tạm giam. Điều này cho thấy rõ tinh thần trách nhiệm và việc tuân thủ các yêu cầu trong tố tụng của cơ quan Công an.

Trở lại vụ việc xảy ra ngày 9/4 để thấy rõ, sự nghiêm trọng của vụ việc. Lúc đó hơn 17h, tổ công tác hai người, trong đó có Thiếu úy Nguyễn Mạnh Phan đang làm nhiệm vụ tại khu vực Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phát hiện xe khách BKS 29B- 023.04 vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng xe. Lái xe chấp hành hiệu lệnh dừng xe nhưng không xuất trình giấy tờ theo yêu cầu mà còn lớn tiếng thách thức lực lượng thi hành công vụ. Không những thế, người này còn lên xe phóng thẳng.

Trước tình huống nguy cấp, đồng chí Phan phải nhảy lên đầu xe, ôm cần gạt nước để tránh cú đâm trực diện. Mặc dù nhìn thấy đồng chí CSGT đang bám trên đầu xe trong tình thế rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng lái xe vẫn cho xe chạy. Thấy tình huống nguy cấp, đồng chí còn lại trong tổ công tác đã báo về Công an huyện. Hai tổ công tác truy xét lập tức lên đường, áp sát lái xe. Cùng với đó là sự hỗ trợ của người dân tham gia đuổi bắt. Thấy lực lượng Công an, nhân dân vây ráp chặt, lái xe buộc phải dừng lại sau khi “dong” đồng chí CSGT trên đầu xe hơn 1km.

Ngày 11/4, trao đổi với phóng viên, Đại tá Lê Quang Kha, Trưởng Công an huyện Ba Vì cho rằng: Lái xe Phương đã gây ra một hành vi cực kỳ nguy hiểm chống người thi hành công vụ. Việc không để xảy ra hậu quả nằm ngoài mong muốn của đối tượng. Những căn cứ để Công an huyện Ba Vì khởi tố vụ án được thể hiện rất rõ, nhất là trong clip do một người dân quay được và cung cấp ngay sau khi bắt giữ đối tượng.

Thiếu uý Phan phải bám cần gạt nước để tránh cú tông trực diện.

Nói về việc cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm lái xe vi phạm, đồng chí Kha cho rằng, đây là việc làm nhằm tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông; xử lý đúng người đúng tội; giáo dục cho các lái xe ý thức chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ, răn đe những người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Dư luận rất hoan nghênh việc xử lý kiên quyết, kịp thời của Công an huyện Ba Vì.

Người thi hành công vụ bị thương tích nặng nhưng vụ việc vẫn “đắp chiếu”...

Vụ việc xảy ra ngày 7/3 khiến Trung tá Nguyễn Đức Chung phải nhập viện dài ngày và khi hồi phục thì không thể tiếp tục giữ cương vị Tổ trưởng Tổ công tác Y1 của liên quân 141. Điều này cho thấy hậu quả nặng nề của việc Vũ Lê Hoàng, cán bộ hợp đồng của một đơn vị thuộc ngành Ngoại giao gây ra cho người thi hành công vụ.

Điều đáng nói hành vi không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát, cố tình chống đối lực lượng thi hành công vụ của Hoàng thể hiện rất rõ. Khi Cảnh sát phát hiện Hoàng có biểu hiện vi phạm Luật Giao thông đã ra hiệu lệnh dừng xe nhưng Hoàng không chấp hành mà còn tăng ga tẩu thoát. Thấy thế, các chiến sỹ Vũ Đức Kiên, Đào Thanh Giang, Bùi Văn Vượng lao ra ngăn chặn nhưng Hoàng vẫn “phớt lờ”. Thấy vậy, đồng chí Chung lao ra hỗ trợ và bị tông thẳng vào người.

Chuỗi hành vi này của Hoàng đã thể hiện rất rõ ý đồ chống người thi hành công vụ. Vụ việc diễn ra vào ban ngày, có rất nhiều người dân chứng kiến, những hình ảnh này còn được nhóm phóng viên chuyên theo các Tổ công tác 141 của Công an Hà Nội chụp ảnh, quay clip. Đây là những tài liệu tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra củng cố chứng cứ để xử lý hình sự hành vi chống người thi hành công vụ của Hoàng. Công an quận Thanh Xuân ngay sau đó đã tạm giữ hình sự đối tượng Vũ Lê Hoàng.

Dư luận rất hoan nghênh việc làm kịp thời này của cơ quan điều tra. Những hình ảnh, clip, bài viết về Trung tá Nguyễn Đức Chung khi đang ngất xỉu giữa đường hay đang điều trị trong bệnh viện và nhất là lời tâm sự của vợ anh đã làm nhiều người xúc động và cảm thông hơn với CSGT.

Thời hạn tạm giữ hình sự đối tượng đã hết. Một tuần, rồi một tháng trôi qua, dư luận vẫn “dài cổ” chờ đợi kết quả xử lý vụ việc. Báo CAND phản ánh ý kiến của một chỉ huy Công an quận Thanh Xuân rằng vụ việc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Ngày 11/4, trao đổi với lãnh đạo Viện KSND quận Thanh Xuân, chúng tôi được biết, hiện cơ quan này đang đợi hồ sơ của cơ quan Công an chuyển sang. Vị này cũng cho biết quan điểm là sẽ căn cứ trên hồ sơ để xử lý nghiêm theo pháp luật. Hành vi nghiêm trọng, hậu quả nặng nề song vụ án lại chưa có kết quả xử lý khiến những người theo dõi vụ việc không khỏi băn khoăn.

Cùng xảy ra tại Hà Nội, nạn nhân đều là chiến sỹ CSGT và đều có nhiều người chứng kiến, hình ảnh được ghi lại, tại sao một vụ việc được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh, một sự việc lại “giẫm chân tại chỗ”? Đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an quận Thanh Xuân nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, sớm có kết quả trả lời dư luận

Thái Tuấn
.
.
.