Xét xử nhóm đối tượng hoạt động chống phá Nhà nước

Thứ Tư, 29/05/2013, 14:38
Ngày 28/5, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa lưu động, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 8 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai truy tố về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, theo Điều 87 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Theo cáo trạng, các đối tượng: Runh (34 tuổi), Jơnh (61 tuổi) tên thường gọi là Chình, Byưk (68 tuổi), cùng trú tại làng Kret Krot, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai; Đinh Hrôn (32 tuổi), Đinh Lứ (37 tuổi), cùng trú ở xã An Thành, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai; A Hyum (73 tuổi), tên thường gọi là Bã Kôl; A Tách (54 tuổi) tên thường gọi là Bă Hlôl ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; và Y Gyin (71 tuổi), ở làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, đã có hành vi lợi dụng lòng tin của một số người dân nhằm hoạt động chống phá chính quyền, phá hoại chính sách đoàn kết.

Đứng đầu là Y Gyin đã bịa đặt ra việc “Đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn” để tuyên truyền, lôi kéo nhiều người tham gia nhằm phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Y Gyin đã lôi kéo một số người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, lập ra ban giúp việc, rồi in tài liệu với nội dung có tính kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Từ năm 2002 đến khi bị bắt, Y Gyin cùng với các đối tượng trên đã sử dụng nhiều tài liệu phản động để tuyên truyền, kích động người dân trên địa bàn Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

Các bị cáo được đưa ra xét xử công khai.

Năm 2008, thông qua thân nhân gia đình, A Hyum đã liên hệ bằng điện thoại với Joan A (tức là A Mal) nguyên quán ở phường Hòa Bình, TP Kon Tum, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ nhờ can thiệp giúp đỡ việc tuyên truyền cái gọi là “đạo Hà Mòn” ở Tây Nguyên nhằm kích động người dân phá rối an ninh, chống phá chính quyền.

Joan A và tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ, đứng đầu là Ksor Kơk đã chỉ đạo sử dụng phương thức, thủ đoạn lợi dụng vấn đề “dân tộc” và “tôn giáo” để hoạt động tuyên truyền lôi kéo tập hợp lực lượng, tạo điều kiện thành lập “nhà nước riêng” cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những lời xuyên tạc, các đối tượng phản động đã lừa dối và đe dọa, khống chế một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên làm theo ý đồ đen tối của bọn phản động.

Tại phiên tòa xét xử công khai, các bị cáo đều thú nhận hành vi phạm tội của mình. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và các chứng cứ pháp lý theo quy định pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo A Tách 11 năm tù; Runh: 10 năm tù; Jơnh: 9 năm tù; A Hyum và Byưk mỗi bị cáo 8 năm tù; Đinh Lứ và Đinh Hrôn mỗi bị cáo 7 năm tù; Y Gyin: 3 năm tù.

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa các đối tượng trên ra xét xử và tuyên phạt mức án tương xứng với các hành vi phạm tội của từng bị cáo đã được nhân dân đồng tình ủng hộ

N.Như
.
.
.