Lừa “chạy việc”: Chiêu cũ nạn nhân mới

Chủ Nhật, 23/04/2017, 07:09
Lợi dụng uy tín khi gia đình có người làm cán bộ nhà nước nên dù chỉ là nội trợ, song đến đâu Bùi Thị Quỳnh Hoa (60 tuổi, trú 4/175 đường Phan Bội Châu, TP Huế) cũng “nổ” là mình có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo và có thể xin việc cho những ai đang cần việc làm. 


Bằng những lời nói ngon ngọt và tạo lòng tin đối với các nạn nhân, từ tháng 3-2015 đến tháng 3-2016, Hoa đã nhận tiền xin việc của 20 người, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, để chạy vào công chức, viên chức, Hoa “ra giá” từ 60-100 triệu đồng; riêng xin vào ngành Công an, Hoa lấy 300 triệu đồng/suất và hứa 3-4 tháng sau sẽ có việc.

Đến thời hạn giao hẹn nhưng chưa có việc làm, nhiều người đến gặp Hoa đòi tiền lại nhưng đối tượng “làm lơ” và các nạn nhân chỉ còn biết làm đơn trình báo cơ quan Công an. Tương tự, Lê Thị Kim Cúc (58 tuổi, quê quán xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế; HKTT tại 1/4/33 Nguyễn Trường Tộ, phường Phước Vĩnh, TP Huế) chỉ là một giáo viên về hưu song có tài “vẽ chuột thành voi” nên đi đâu cũng khoác lác, tự giới thiệu mình quen biết nhiều lãnh đạo bộ, ngành và có thể xin được việc làm vào các cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện.

Với khuôn mặt hiền, dễ nhìn nên không ai ngờ những lời nói của Cúc là “mồi nhử” những gia đình có con em tốt nghiệp đại học vừa ra trường chưa có việc. Ông H. ở TP Huế, một trong số các bị hại của Cúc cho biết: “Thấy bà ta ăn bận sang trọng, nói chuyện dễ nghe, lại cho biết có người thân định cư ở Mỹ nên gia đình tôi không hề nghi ngờ. Khi bà ta ngỏ lời muốn giúp con tôi vào dạy một trường ở trung tâm TP Huế, vợ chồng tôi vay mượn khắp nơi mới có gần 100 triệu đồng đưa, hy vọng có thể xin được việc cho con nhưng không ngờ lại bị lừa”.

Hai đối tượng Hoa và Cúc.

Nhiều nạn nhân đã phải “ngậm quả đắng” khi bị những lời nói ngon ngọt của Cúc lừa gạt. Bình quân mỗi suất xin việc làm, các nạn nhân đã gửi cho Cúc từ 60-180 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, không thấy Cúc liên lạc lại, gọi điện nhưng người này lại khóa máy thì các nạn nhân mới biết rằng mình bị lừa nên đã làm đơn trình báo Công an.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của các nạn nhân, Công an tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ, qua đó phát hiện từ tháng 12-2014 đến tháng 6-2016, Lê Thị Kim Cúc đã lợi dụng uy tín giáo viên để nhận hồ sơ xin việc làm và tiền đặt cọc của khoảng 20 người với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Với những chứng cứ này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên sau khi lừa đảo nhiều người, Cúc ôm tiền bỏ trốn khỏi địa phương và xuất cảnh sang Mỹ nên đơn vị đã ra quyết định truy nã đối tượng này.

Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt giữ đối tượng Phan Thị Thùy Trang (36 tuổi, trú số 157 Mai Thúc Loan, TP Huế) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi Trang giở trò lừa nhiều người có nhu cầu xin việc, qua đó chiếm đoạt trên 700 triệu đồng.

Theo lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiêu trò lừa đảo bằng hình thức xin việc làm của các đối tượng không mới, tuy nhiên vì tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đang ngày càng gia tăng, nhu cầu người xin việc cao nên đã tạo điều kiện để các đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo “chạy việc”; khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tránh sập bẫy của kẻ lừa đảo...

Anh Khoa
.
.
.