Trốn truy nã 16 năm ở nước ngoài vẫn không thoát tội
Quay quắt làm giàu bằng mọi giá, Phùng Hữu Sơn (trú tại Hà Nội, ảnh) đã bỏ công việc ổn định trong một cơ quan Nhà nước để ra ngoài kinh doanh. Phùng Hữu Sơn trở thành Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang (gọi tắt là Công ty Minh Quang), có trụ sở tại đường Đê La Thành, quận Đống Đa (Hà Nội).
Giúp sức đắc lực cho Sơn có Nguyễn Thị Xuân Hòa (trú tại tổ 3, Láng Hạ, Đống Đa), Hòa làm Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng. Công ty Minh Quang được thành lập theo Quyết định số 4049 ngày 12-2-1999 do Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội cấp; đăng ký kinh doanh ngành nghề buôn bán tư liệu sản xuất tiêu dùng, hàng lương thực...
Lần bổ sung gần nhất ngày 2-6-2000, ngành nghề “dịch vụ lao động, giới thiệu việc làm” nhưng chỉ được kinh doanh khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khi mới thành lập, Công ty Minh Quang tiến hành giao dịch với một số công ty của Đài Loan, Hàn Quốc, mặt hàng kinh doanh chủ yếu là đồ gốm sứ. Trong quá trình làm ăn, Sơn được các đối tác cho biết có thể làm thư mời để Công ty Minh Quang cử nhân viên đi tu nghiệp sinh tại Đài Loan, Hàn Quốc... Vì thế, đối tượng nảy lòng tham và chủ động bàn bạc với Nguyễn Xuân Hòa, lấy danh nghĩa Công ty Minh Quang đứng ra thu hồ sơ và tiền, hứa hẹn làm thủ tục cho nhiều người đi lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc với mục đích chiếm đoạt tiền của họ.
Để thực hiện ý đồ trên, Sơn đã bổ sung đăng ký kinh doanh ngành nghề “dịch vụ lao động, giới thiệu việc làm” nhằm đánh lừa sự hiểu biết của người lao động. Trên thực tế, công ty không có chức năng, nhiệm vụ tuyển dụng và đào tạo để đưa người lao động đi lao động nước ngoài.
Để tìm được người lao động có nhu cầu ra nước ngoài, tháng 6-1999, Sơn và Hòa liên hệ với một số người và trao đổi, bàn bạc để họ đứng ra là đầu mối, thu hồ sơ và tiền của người lao động với thỏa thuận. Theo đó, chi phí đi Hàn Quốc từ 2.500 USD-3.500 USD/ người; đi Đài Loan đi từ 2.000- 2.500 USD/ người. Khi người lao động đi được, các đầu mối được nhận hoa hồng từ 100- 200 USD/ hồ sơ.
Đến tháng 10-2000, khi Cơ quan ANĐT - Bộ Công an khởi tố vụ án, Phùng Hữu Sơn và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác định có 116 người, trong đó có 8 người tự liên hệ và 108 người thông qua 5 đầu mối đã nộp hồ sơ và tiền cho Công ty Minh Quang...
Công ty Minh Quang đã nhận của 116 người lao động với tổng số hơn 234 nghìn USD và 296 triệu đồng. Số tiền mà người lao động tự nộp hoặc thông qua các đầu mối để nộp cho Công ty Minh Quang, ngoài một số giấy biên nhận tiền, phiếu thu tiền do Phùng Hữu Sơn trực tiếp ký nhận, số tiền còn lại do nhân viên Công ty Minh Quang ký nhận, nhưng toàn bộ số tiền trên đều được chuyển cho Sơn sử dụng vào mục đích cá nhân. Toàn bộ 116 người lao động đã nộp hồ sơ và tiền cho Công ty Minh Quang đều không được làm thủ tục đi lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc như cam kết.
Tháng 10-2000, khi biết Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Sơn đã bỏ trốn sang Cộng hòa Séc... Suốt 16 năm Sơn bỏ trốn, nhiều thế hệ cán bộ của Cục An ninh điều tra, Tổng Cục An ninh đã dày công thu thập tài liệu về đối tượng này nhưng tung tích về Sơn vẫn bặt vô âm tín. Sau khi bỏ trốn, Sơn cắt đứt liên lạc với vợ, con và những người thân trong gia đình...
Đến ngày 12-6-2013, tòa Phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao đã xét xử phúc thẩm vụ án Phùng Hữu Sơn và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Nguyễn Thị Xuân Hòa bị tuyên phạt 6 năm tù, Bùi Minh Hoán 12 năm tù, Phạm Thị Mý 42 tháng tù giam. Riêng Phùng Hữu Sơn và Nguyễn Xuân Diện đã bỏ trốn. Vào tháng 5-2015, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã bắt theo quyết định truy nã và phục hồi điều tra đối với Nguyễn Xuân Diện.
Về phần Sơn, sau khi bỏ trốn ở Cộng hòa Séc, chẳng có giấy tờ tùy thân, cuộc sống nơi đất khách quê người của Sơn vô cùng cùng cực. Trong quá trình sinh sống tại Cộng hòa Séc, Sơn đã 2 lần bị Cảnh sát Cộng hòa Séc bắt giữ và đưa ra xét xử tại Tòa án Cộng hòa Séc đều về hành vi “cư trú bất hợp pháp”. Ngày 13-11-2006, Tòa án quận Frydek- Mistek Cộng hòa Séc tuyên phạt Sơn cấm ở lại Cộng hòa Séc trong vòng 4 năm...
Sau khi nhận được thông báo của Cộng hòa Séc, Cơ quan ANĐT đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để dẫn độ đối tượng về nước.