“Tội phạm ngoại” lừa tiền và gạt tình

Thứ Năm, 17/04/2008, 16:09
Lâu nay, nhiều người dân vẫn hay bị ảo tưởng về cái mác "ngoại". Vì thế, khi nghiên cứu về các vụ phạm tội của người nước ngoài ở Việt Nam, chúng tôi có một cảm nhận rằng dường như người mình cả tin quá, dễ bị gạt quá. Nhiều vụ việc xảy ra mà nghe cứ tưởng như đùa.
>> "Xã hội đen" nước ngoài nhòm ngó Việt Nam

Những kẻ lừa siêu hạng

Một buổi chiều, cô gái tên Hà (đã đổi tên), trú tại Hà Nội tìm đến Văn phòng Interpol Việt Nam để tố cáo một đối tượng là người nước ngoài đã lừa đảo cô. Hà là một cô gái xinh đẹp, có tiền nhưng đang cô đơn. Vì thế, cô lên mạng, tán gẫu để kết bạn với người nước ngoài cũng là một chuyện thường xuyên.

Rồi cô gặp và quen với một anh bạn người nước ngoài, tự giới thiệu quốc tịch ở một đất nước thuộc châu Phi. Với vốn tiếng Anh khá nên Hà đã dốc bầu tâm sự với người bạn mới quen này.

Biết cô đang làm trong một công ty liên doanh với nước ngoài, nên chàng trai kia cũng tự xưng là một đại gia đang làm ăn lớn tại Việt Nam nhưng hiểu biết về những người đẹp Việt Nam còn quá ít. Anh ta bảo rằng, rất muốn làm bạn tâm giao cùng Hà. Vốn tiếp xúc với những chàng trai ngoại quốc đã nhiều nên Hà chẳng mấy ngần ngại, cô nhận lời gặp mặt bạn trai mới.

Ngay trong lần gặp đầu tiên, chàng trai người Phi bảnh bao ấy đã rất ga lăng trong cách xử sự với người đẹp. Và bằng ngôn ngữ của mình, anh ta cố diễn giải với Hà rằng mình đã bị tiếng sét ái tình ngay khi nhìn thấy cô.

"Tình yêu sét đánh" đó đã dụ được Hà bay vào TP HCM, rồi sang Thái Lan du lịch với chàng trai người châu Phi. Cô cứ ngỡ rằng mình đã gặp được người yêu lí tưởng cũng như ngày cưới sắp cận kề.

Sau chuyến du lịch nước ngoài ấy, người yêu Hà mới tiết lộ rằng, có một cặp đựng đô la đen đưa vào Việt Nam, nhưng phải có hoá chất mới rửa trắng lại được. Anh ta nói có một ít hoá chất mang theo, sẽ rửa thử cho Hà xem 5 tờ loại mệnh giá 100 USD.

Anh ta đưa Hà vào buồng tối, lấy 5 tờ đô la đen (lúc này đã tráo tiền thật bị nhuốm đen vào), sau đó rửa ra và đưa cho Hà số tiền đó đi kiểm tra tại ngân hàng. Bán tín bán nghi, Hà cũng mang ra ngân hàng kiểm tra và được khẳng định 5 tờ đô la trên là thật.

Cú tạo lòng tin ngoạn mục của anh chàng đó đã đánh gục cô gái trẻ. Sau đó, anh chàng nói với Hà là cần cô giúp một khoản tiền để mua hoá chất về khách sạn rửa hết số đô la trên. Nếu có được số tiền này, hai người sẽ tha hồ sắm sửa, sẽ đi du lịch khắp các nước, đến thăm và ra mắt cả gia đình anh ta ở tận châu Phi.

Không thể tỉnh táo hơn trước những ngón đòn tâm lý của người bạn trai, Hà đã đưa cho khoản tiền cô tích cóp được trong thời gian đi làm là 17.500 USD để anh ta đi mua hoá chất về rửa tiền. Nào ngờ, từ đó anh ta đã chuồn mất tăm, không một lần điện thoại lại cho cô. Đến lúc này, Hà cũng giật mình vì chẳng biết rõ người bạn trai ngoại quốc của mình ở đâu, tên thật là gì.

Mới đây nhất là vụ chiếm đoạt tài sản cũng khá ngoạn mục của Promse Okomoji, 31 tuổi, quốc tịch Nigeria. Lúc 14h ngày 7/4 tại quận 1, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP HCM đã  bắt giữ đối tượng này về hành vi lừa đảo.

Được biết, cuối tháng 2/2008, qua mạng Internet, anh Trần Tuấn Vũ có quen với một người nước ngoài  tên là Mile. Mile cho anh Vũ biết, hiện anh ta có 5,5 triệu bảng Anh và muốn gửi số tiền này cho anh Vũ đứng tên. Nếu anh Vũ đồng ý sẽ được hưởng 30%.

Ngày 2/4, anh Vũ gặp Okomoji (là người của Mile cử đến), được anh ta đưa cho một rương đựng tiền và yêu cầu anh Vũ đưa lại 4.150 USD gọi là phí chuyển tiền.

Ngày 4/4, gã này quay lại nhà anh Vũ mở rương đựng tiền, lấy chai hoá chất và 3 tấm giấy màu xanh nhúng vào rửa, khoảng 5 phút sau thành 3 tờ 100 USD đưa cho anh Vũ để anh Vũ tin rằng đó là tiền thật. Sau đó, lấy lý do lớp hoá chất trên tiền đã hỏng vì anh Vũ không biết quản, Okomoji yêu cầu anh Vũ phải đưa 60.000 USD để mua hoá chất rửa tiền. Gã trai này đang trên đường lẩn trốn thì bị Công an bắt giữ.

Lừa phụ nữ, bắt cóc trẻ con ra nước ngoài bán

Hiện trạng lừa bán phụ nữ trẻ em bán ra nước ngoài đang là một thực trạng nóng bỏng. Để thực hiện được những phi vụ làm ăn lớn, các đối tượng người Việt đã móc nối liên kết với những đối tượng người nước ngoài để hình thành một đường dây khép kín. Thậm chí, chúng còn trực tiếp về Việt Nam chọn và đưa đi bán.

"Hàng hoá", đó là những cô gái mới lớn ở những miền quê thuần nông hoặc các bản làng vùng sâu, vùng xa. Những "mẹ mìn" trong nước đang xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí các đối tượng người nước ngoài cũng đã nhập cảnh vào nước ta để trực tiếp chỉ đạo đám tay chân lừa và đưa phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài bán.

Chua Zeehai, người Đài Loan, sang Việt Nam với vai trò là giám đốc một công ty sản xuất gạch bông tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhưng thực ra, hoạt động chính của Chua là cùng với người tình Nguyễn Thị Mỹ Dung và dì của Dung lừa 21 cô gái xinh đẹp sang bán vào các động mại dâm ở Malaysia.

Ở các tỉnh phía Nam, một số đối tượng người Đài Loan và Hàn Quốc đã công khai vào, móc nối với các má mì trong nước tổ chức tuyển chọn các cô dâu lấy chồng ngoại. Chúng bắt các cô xếp hàng, săm soi kiểm tra và chọn lựa như ở chợ người.

Hiện nay, các đối tượng còn mở rộng "làm ăn" sang lĩnh vực bắt cóc trẻ em nam để đưa ra nước ngoài bán. Tệ nạn trên diễn ra nghiêm trọng ở các vùng giáp biên. Vừa qua, Công an Trung Quốc đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Giang điều tra và bắt giữ một ổ nhóm gồm 9 đối tượng người Trung Quốc cứ nửa đêm là nhập cảnh trái phép vào các bản sát biên. Chúng bịt mặt, sử dụng hung khí tấn công những người lớn và cướp đi những trẻ em.

Thậm chí, hiện nay, một số đối tượng ở nước ngoài còn đặt mua cả những phụ nữ có thai. Khi sinh con xong, chúng chiếm đoạt ngay đứa bé, còn người mẹ sẽ bị bán đi một nơi xa lắc. Nhiều phụ nữ, trẻ em còn bị lừa, đưa cả sang nhiều nước Đông Âu để làm mại dâm, trồng cần sa.

Không chỉ nhằm vào phụ nữ, hiện xuất hiện khá nhiều những ông tây bệnh hoạn vào Việt Nam tìm những bé trai, bé gái 13-14 tuổi để quan hệ tình dục. Sau đó, chúng quay phim, chụp ảnh đưa lên buôn bán những vật phẩm này trong những đường dây tội phạm xuyên lục địa... 

Theo Đại tá Phạm Hữu Hỗ, việc xuất hiện tội phạm là người nước ngoài ở Việt Nam là điều khó tránh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng này đã và đang gia tăng. Để ngăn chặn hậu quả của nó, lực lượng Công an phải làm tốt công tác cơ bản, nắm chắc hoạt động của các đối tượng tội phạm khi chúng di chuyển đến Việt Nam và có ý định phạm tội.

Thực tế cho thấy, khi nào lực lượng Công an đánh mạnh, thì các băng nhóm nói trên lại lùi vào hoạt động cầm chừng hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác cũng rất quan trọng. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã tích cực trong công tác tuyên truyền, nhưng chưa đủ độ thấm.

Cần phải có những biện pháp tuyên truyền sâu rộng và thiết thực, chẳng hạn đưa các bài học về luật pháp vào tiết học giáo dục công dân cho học sinh, in tờ rơi (nhưng bằng tiếng dân tộc thiểu số) cho đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa...

Thiết nghĩ, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tích cực hơn nữa thì mới ngăn được "rác rưởi" từ các nước bên ngoài đang vào theo sự hội nhập kinh tế

K. Quý - T. Hoà
.
.
.